B.T sưu tầm, SGK Sử lớp 6
Mùa thu năm 930, quân Nam Hán sang đánh nước ta. Khúc Thừa Mĩ chống cự không nổi, thất bại. Nghe tin, Dương Đình Nghệ kéo quân ra bao vây Tống Bình.
Bấy giờ ở Quảng Châu, có viên Tiết độ sứ là Lưu Ân, nhân khi nhà Đường sụp đổ, đã chiếm thêm được một số châu ở Hoa Nam, liên kết với nước Nam Chiếu (Vân Nam, Trung Quốc), dần dần trở nên cường thịnh. Năm 910, Lưu Ân chết, em là Lưu Nham lên thay. Năm 917, được sự ủng hộ của bọn quan lại nhà Đường cũ ở đây, Lưu Nham tự xưng hoàng đế, thành lập nước Nam Hán.
Nhận thấy nhà Nam Hán có ý định xâm lược nước ta, Khúc Hạo gửi con trai mình là Khúc Thừa Mĩ sang làm con tin.
Năm 917, Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mĩ lên thay, tiếp tục sự nghiệp của cha, Khúc Thừa Mĩ đã cử sứ giả sang thần phục nhà Hậu Lương và được vua Lương phong cho chức Tiết độ sứ.
Mùa thu năm 930, quân Nam Hán đánh sang nước ta.
Khúc Thừa Mĩ chống cự không nổi, bị bắt đem về Quảng Châu. Nhà Nam Hán nhân cớ đó cử Lý Tiến làm Thứ sử Giao Châu, đặt cơ quan đô hộ ở Tống Bình ( Hà Nội).
Năm 931, một tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ nghe được tin, đã đem quân từ Thanh Hóa ra Bắc bao vây, tấn công thành Tống Bình.
Dương Đình Nghệ quê ở làng Giàng (Thiệu Dương, Thiệu Hoá, Thanh Hoá), là một hào trưởng ở Ái Châu (Thanh Hoá). Là người thuộc dòng họ lớn, ông nuôi 3.000 "con nuôi", đều lấy họ Dương.
Quân Nam Hán lo sợ, vội cho người về nước cầu cứu. Viện binh của địch chưa đến nơi thì Dương Đình Nghệ đã chiếm được Tống Bình và chủ động đón đánh quân tiếp viện. Quân tiếp viện của giặc vừa đến đã bị đánh tan tác. Tướng chỉ huy của chúng bị giết tại trận.
Sau khi đánh tan quân Nam Hán, Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, tiếp tục xây dựng nền tự chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét