Còn nhớ ngày bé, cứ vào tháng 10 hằng năm, tôi thường lẽo đẽo theo mẹ đi đào củ trút trong vườn ở một làng quê miền trung du xứ Quảng. Củ trút còn có các tên như mì tinh, huỳnh tinh, là loại thân mềm, cao khoảng 0,5-0,7 m, lá màu xanh (giống lá dong), dáng tròn dài, gân lá song song, cuống dài thành bẹ bao phủ thân cây.
Mẹ tôi cho hay, có thể người xưa thấy vỏ củ giống vỏ con trút nên đặt tên là củ trút. Củ trút có thân tròn dài, màu trắng có bột nhưng nhiều xơ, thân củ được bọc một lớp vỏ tựa như vỏ bắp nhưng rất ngắn hình tam giác mọc ra từ những ngấn, đốt ngang thân củ. Củ được dùng để chế biến thức ăn, có thể xay thành bột để làm miến, làm bánh, xào với tôm, thịt hay luộc chín để ăn khá bùi và dẻo.
Theo kinh nghiệm của mẹ tôi thì sau mùa mưa là thời điểm đào củ trút đạt chất lượng nhất do lúc này củ trút tích trữ nhiều tinh bột nhất trong năm. Khi đào được củ sẽ mang về rửa sạch đất, lột lớp vỏ phủ bên ngoài rồi cho vào nồi luộc khoảng 30 phút với một ít nước ngập xăm xắp và nhúm muối bọt. Dùng đũa xăm thử, nếu thấy củ trút mềm là chín. Củ trút khi luộc chín có vị bùi bùi, giòn, thơm tho.
Những khi nhà thiếu thức ăn hoặc muốn chế biến nhanh một món nào đó mà vẫn đủ chất dinh dưỡng thì lấy củ trút xào với tôm hoặc tép tươi. Để chế biến, trước tiên chúng ta bóc vỏ củ trút, rửa thật sạch và xắt mỏng. Tiếp theo, xào tỏi với dầu ăn cho thơm và cho tép hoặc tôm đã ướp gia vị vào xào sơ. Sau đó bỏ số trút đã xắt vào xào tiếp vài lần và đậy vung lại, đun nhỏ lửa. Khoảng 15 phút sau, món ăn đã chín thì có thể nêm nếm lại cho vừa ăn rồi múc ra đĩa.
Khi bày món ăn ra đĩa thì rắc một ít ngò ta vừa cho thơm mà cũng là tạo điểm nhấn cho món ăn khi nhìn đĩa tép hay tôm xào củ trút có màu hồng của tép, màu trắng ngà của củ trút phối hợp cùng màu xanh non của ngò ta.
Tiên Sa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét