ANTD.VN - Thời Vua Tự Đức (1847-1883), Hà Nội đã có phố nhưng không giống như phố kiểu phương Tây, không có vỉa hè, không có cống thoát nước và cũng không có đèn đường.
Hàng Bài - Tràng Tiền - Hàng Khay năm 1979 thế kỷ trước Đầu những năm 1883, khi mặt trời chưa lặn, dân buôn bán ở khu phố cổ đã đóng cửa hàng, ăn cơm tối và tìm chỗ giấu tiền vì sợ trộm và cướp. Màn đêm buông xuống, phố tối mò, im ắng và nếu có người đi lại ngoài đường thì đó là trộm hay quân Cờ Đen đi cướp.
Năm 1883, Tạp chí “Địa dư” ở Thủ đô Paris đã đăng bài viết về quân đội Pháp ở Hà Nội của phóng viên Charles Labarthe, bài viết có đoạn: “Về ban đêm, quang cảnh trong những khu phố đẹp nhất của Thủ đô Bắc Kỳ còn buồn chán hơn cả những làng mạc ở tận cùng của nước Pháp. Ở đó còn có ánh sáng hắt ra dù nó lờ mờ đến một giờ sáng. Còn ở đây tối mò, không giống như ở Quảng Châu (Trung Quốc)”. Năm 1883, Công sứ Bonnal đã lên kế hoạch mở rộng đường ở phố Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền và Hàng Khay), xây nhà công vụ ở phía Đông hồ Gươm và làm đường xung quanh hồ.
Cuối năm 1892, con đường xung quanh hồ đã hình thành, tòa đốc lý xây từ năm 1884 cũng đã gần xong nên Bonnal đã cho dựng trụ đèn trước tòa đốc lý và đây là trụ đèn đường đầu tiên ở Hà Nội. Sau đó lần lượt cho lắp các trụ đèn ở một số điểm quanh hồ Gươm, trước mặt Bưu điện Bờ Hồ và đặc biệt là trên tuyến đường huyết mạch từ khu nhượng địa Đồn Thủy đến thành Hà Nội. Trụ đèn đúc bằng thép có hoa văn rất đẹp, trên có lồng kính để đèn dầu có tác dụng tránh gió và nước mưa. Sẩm tối nhân viên của Sở Lục Lộ đi thắp đèn, sáng sớm họ lại đi tắt. Năm 2006, vẫn còn thấy một cột đèn kiểu này ở phố Hàng Trống, đoạn gần Báo Nhân Dân nhưng sang năm 2007 thì không thấy đâu nữa.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Ngày 6-12-1892, Nhà máy đèn Bờ Hồ có công xuất 0,5Mw chạy bằng dầu được khởi công xây dựng. Sở dĩ người ta gọi là nhà máy đèn mà không gọi là nhà máy điện vì điện phát ra chỉ để dùng thắp đèn đường và phục vụ cho một vài công sở quanh khu vực Bờ Hồ. Năm 1899, công xuất nhà máy tăng lên 850 mã lực đã đáp ứng được nhu cầu cho cơ quan công sở trong thành phố. Từ khi có điện, chính quyền cho dựng các cột điện khá thấp để thắp nhưng vẫn giữ nguyên các các cột đèn thắp bằng dầu.
Tính đến ngày 1-1-1897, Hà Nội đã có 523 bóng điện thắp sáng cường độ 8 ampe, trong đó đã có 55 bóng hồ quang để chiếu sáng 1.200m đường kè bờ sông. Mạng lưới đèn đường được mở rộng hơn bởi thành phố đã hợp đồng với một công ty phát điện. Báo “Tương lai Bắc Kỳ” ra ngày 15-4-1893 viết: “Từ người già đến trẻ con ngơ ngác trước thứ ánh sáng kỳ diệu, trong khi người lớn bàn tán thì lũ trẻ con chơi các trò chơi của chúng dưới chân cột đèn”.
Cũng tính đến ngày 1-1-1897, cả thành phố còn 584 đèn dầu đã được sử dụng để thắp sáng khắp khu vực trung tâm Bờ Hồ và một phần khu phố bản xứ (quận Hoàn Kiếm ngày nay). Trong báo cáo “Tình hình Đông Dương 1897-1901” của Toàn quyền Paul Doumer có đoạn: “Đèn điện đối với hệ thống chiếu sáng nhiều thành phố lớn của nước Pháp sẽ phải ghen tỵ với thành phố thủ phủ của Bắc Kỳ. Phần lớn các đường phố trung tâm và những nhà đều được hưởng điện thắp sáng”.
Bên cạnh khu trung tâm, các phố mới đang xây dựng ở phía nam hồ Gươm mà bây giờ là Bà Triệu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt cũng “đã được chuẩn bị kéo dây điện và lắp đèn chiếu sáng. Tuy thế nhưng các phố nhỏ, ngõ ngách vẫn chưa có đèn”. Nhưng đây là những chỗ tốt để cánh xe tay đánh Tây say rượu đi xe quỵt tiền.
Đầu thế kỷ XX, chính quyền thành phố cho cải tạo đường Cổ Ngư làm chỗ chơi và hóng gió mùa hè cho người Pháp, họ đã cho dựng các trụ đèn thắp bằng khí đất đèn. Tối tối, nhân viên đi mở van ở chân cột sau đó châm lửa đốt khí. Ánh sáng trắng nhờ khí đất đèn làm cho hồ Tây và hồ Trúc Bạch lung linh và huyền ảo về đêm. Tuy nhiên chỉ những người có việc mới dám đi qua đường này vì họ vẫn sợ cướp.
Năm 1925, chính quyền khởi công xây Nhà máy điện Yên Phụ. Hai năm sau, nhà máy hoàn thành đã cung cấp điện cho hầu hết khu vực nội thành và một phần khu vực ngoại thành. Các cột điện bằng sắt hình thang được dựng lên khắp nơi và lúc này tàu điện mới thay điện máy phát bằng điện lưới. Bóng đèn hình tròn bên trên có chao bằng sắt tráng men để che nước mưa, nó run rẩy mỗi khi có gió to.
Thập niên 60 thế kỷ trước, khi các đoàn kịch nói dựng vở diễn về đề tài Hà Nội thì trang trí sân khấu không thể thiếu cột đèn vì nó được coi là biểu trưng của đô thị Hà Nội một thời. Cũng trong những năm này, nhà văn Trần Dần đã viết tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn”, bản thảo lưu lạc mãi đến năm 1988 mới trở lại với ông và được xuất bản năm 2011.
Từ năm 1973 đến 1976, điện chỉ đủ để chạy chiếc quạt ba nhăm đồng nên học sinh lớp 10 (nay là lớp 12) ôn thi tốt nghiệp và thi đại học phải ôm sách ra ngồi dưới cột đèn đường. Thời bao cấp, đèn đường ở nhiều phố, nhiều khu vực có cũng như không vì điện vừa thiếu lại vừa yếu. Từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Đại Cổ Việt - Kim Liên đèn chỉ đủ sáng thu hút đám côn trùng vo ve hay bám quanh.
Cũng trong thời bao cấp, dưới chân mỗi cột đèn ở nhiều con phố còn là những thân phận buồn, họ là người đã nghỉ hưu, lương không đủ trang trải cuộc sống nên phải sửa chữa xe đạp, bán nước, bán rau… kiếm sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét