ANTD.VN - Có một điều đến nay không giải thích được là không có làng Bưởi nhưng lại có Kẻ Bưởi và chợ Bưởi. Có người cho rằng vì chợ này bán nhiều bưởi nên gọi là chợ Bưởi. Có thể họ dựa vào câu ca dao:
Phiên chợ Bưởi - một nét văn hóa rất riêng của Thăng Long - Hà Nội
“Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Ngày tư, ngày chín như duyên đèo bòng
Ai ơi nhớ lấy kẻo nhầm
Đi mua hoa quả chơi rằm Trung thu”.
Chợ Bưởi xưa là nơi gặp nhau của hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù. Thời nhà Lý, đây có bãi cát rộng, không dân cư, được dùng làm pháp trường xử những người có tội. Xác phạm nhân được chôn ngay tại đây nên có tên là Đống Ma rồi đổi thành tên chữ là Tích Ma.
Xung quanh chợ Bưởi có nhiều truyền thuyết liên quan đến Tích Ma. Chuyện là hàng năm trong phiên chợ Bưởi giáp Tết, ma từ âm phủ lên trà trộn với người dương thế đi sắm sửa đồ vật ăn Tết. Người dương mua hàng bằng tiền thật còn ma dùng tiền giả nên để phân biệt ai là ma, ai là người, các bà bán hàng đặt chậu nước trước cửa hàng. Khi khách trả tiền, người bán hàng thả đồng tiền vào chậu nước, đồng tiền chạm vào đáy chậu phát ra tiếng kêu thì đó là tiền thật, có nghĩa người mua hàng là người trần không phải ma. Còn nếu đồng tiền không phát ra tiếng kêu thì đó là tiền ma và người mua hàng là ma giả người trần. Khi người bán hàng bảo trả tiền khác, lập tức ma giả làm người biến mất.
Chợ Bưởi xưa là chợ lớn nhất ở phía Tây thành Thăng Long. Chợ là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm do các làng nghề trong vùng làm ra. Làng Trích Sài, Bái Ân bán lụa, lĩnh; làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã bán các loại giấy; Xuân La, Xuân Đỉnh bán các công cụ sản xuất nông nghiệp; làng Yên Phú bán mạch nha… Chợ Bưởi cũng có sản phẩm nông nghiệp của vùng bên kia sông Hồng là Vĩnh Yên, Phúc Yên đưa sang, từ xứ Đoài mang đến. Trong nhiều thế kỷ, chợ bán nhiều loại giống cây, các giống vật nuôi trong gia đình, đặc biệt là chó mèo. Chợ họp một tháng sáu phiên nhưng riêng phiên họp ngày 19 tháng Chạp thì bán cả trâu bò. Chợ xưa chỉ là những dãy lán bằng phên nứa tuềnh toàng và một hai dãy nhà gỗ mà người mua kẻ bán ở đây quen gọi là cầu chợ. Đầu thế kỷ XX, trong chợ có 15 gian chuyên bán giấy là giấy moi, giấy bản, giấy phết quạt, giấy quấn ngòi pháo.
Khi Pháp chiếm Hà Nội, vùng Bưởi và chợ Bưởi đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn của người Pháp. Chính quyền thành phố đã đặt tên đường qua Thụy Khuê lên Yên Thái là đường đi Bưởi. Người Pháp lên đây vào Yên Thái xem làm giấy và ra chợ ngó nghiêng, xì xồ xem dân chúng việc mua bán. Trong hồi ký của Bonnal, Công sứ Pháp năm 1883 ở Hà Nội thì “chợ Bưởi bán chó, mèo và rất nhiều giống cây của xứ An Nam”.
Trước những năm 30 thế kỷ XX, chính quyền thành phố cho dựng hai cầu chợ bằng bê tông lợp tôn để che mưa nắng. Không chỉ bán hàng, chợ còn có rất nhiều quán ăn phục vụ người buôn bán và cả người đi chợ. Năm 1940, chợ Bưởi xuất hiện một quán phở bò. Chủ quán là một Nhật kiều. Anh này cư trú ở làng Đoài Môn (làng nhỏ, sát chân thành, bắt đầu từ chợ Bưởi cho đến Cầu Giấy) lấy vợ người Việt tên là Nguyễn Thị Liên quê ở làng So. Dân Đoài Môn gọi là Hai Nhật.
Hai Nhật hiền lành, tính tình vui vẻ và sống hòa thuận với vợ. Quán phỏ của Hai Nhật chỉ bán vào phiên chợ, rất đông khách vì phở ngon và rẻ. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, quán phở của Hai Nhật đóng cửa. Người làng Đoài Môn thấy Hai Nhật đeo lon quan ba, đi ô tô về làng mới vỡ lẽ Hai Nhật là gián điệp, mở quán phở ở chợ Bưởi để thu thập tin tức. Khi Nhật thua trận, Hai Nhật để lại vợ con rồi về nước.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Giai đoạn truớc năm 1954, vào phiên chợ Bưởi tấp nập người buôn kẻ bán, họ ngồi tràn cả ra mặt đường. Chợ đông nên ăn mày cũng kéo về ngửa nón, các gánh hát xẩm, Sơn Đông mãi võ bán thuốc cũng không bỏ qua, lại thêm cả chiếu phim thùng. Đặc biệt chợ phiên có rất nhiều hàng quà từ bún riêu, bún ốc, phở, bánh khoai đến bánh mì nóng giòn… Chợ có quán thịt chó lúc nào cũng đông khách. Các ông mặc quần ta vén lên háng ngồi xổm trên ghế uống rượu gặm chân chó. Chủ quán là người đã dừng bước chân giang hồ. Ông này chột mắt, theo đồn đại là do bị thương trong một trận huyết chiến thư hùng để giải cứu cho một giai nhân. Một năm có bốn mùa thì ba mùa ông chỉ mặc độc một cái quần “lá tọa” bằng lụa trắng đã ngả sang màu cháo lòng.
Thời bao cấp, chợ Bưởi không còn gian bán giấy, thay vào đó là bán cây giống, con giống đủ loại. Muốn mua chó, mèo hay thỏ giống về nuôi thì lên chợ Bưởi. Nhiều người thích lên chợ Bưởi vào phiên, thế nên tàu điện chen chúc. Cuối những năm 1980, chợ Bưởi bắt đầu thưa vắng vì đổi mới cơ chế đã tạo cơ hội cho chợ vỉa hè bung ra. Và khi chợ thưa vắng thì xuất hiện một quán cháo lòng khách muốn ăn phải chờ. Nhiều người ở xa nghe tiếng cũng rồng rắn đến ăn thử và quả là ngon thật. Rồi lấy lý do chợ xuống cấp và nhếch nhác, người ta đã lập dự án, huy động vốn của các tiểu thương để xây chợ mới dưới cái tên trung tâm thương mại. Công trình khởi công năm 2004 hoàn thành cuối năm 2006, đã chấm dứt chợ phiên quan trọng có lịch sử nhiều thế kỷ của Hà Nội.
Thế nhưng nhiều người buôn bán không muốn vào khu nhà bê tông kín mít nên đã thuê nhà mặt đường Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân bán hàng. Không họp theo phiên nhưng vào ngày chủ nhật, chợ đông đúc vì người đến mua giống hoa, giống cây và cả thú cưng. Chợ khác xưa nhưng hình như hồn chợ vẫn còn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét