Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Lý Thái Tổ - phố mang tên vị Vua định đô Thăng Long

ANTD.VN - Lý Thái Tổ (974-1028) tên thật là Lý Công Uẩn, vốn xuất thân là một quan võ. Ông là người nổi tiếng về lòng trung nghĩa và từng là tướng dưới quyền Lê Hoàn, được Lê Hoàn yêu quý và gả con gái cho. 
ảnh 1Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) là công trình kiến trúc Art Deco hoàn hảo nhất ở Hà Nội
Biến cố cung đình đẫm máu
Chính vì võ nghệ tinh thông và lòng trung thành của mình, ông đã thăng tiến rất nhanh. Năm 1005 Lê Hoàn mất, triều đình rối loạn, các Hoàng tử tranh giành ngôi báu. Hoàng tử Lê Long Việt trở thành Vua Lê Trung Tông nhưng chỉ được 3 ngày, Lê Trung Tông bị em ruột của mình là Lê Long Đĩnh sát hại. Biến cố cung đình đẫm máu. Khi xảy ra biến loạn, các quan văn võ đều chạy tránh nạn, chỉ riêng Lý Công Uẩn vẫn ôm xác Lê Trung Tông khóc mà không mảy may lo sợ trả thù.
Chính vì lòng dũng cảm và trung nghĩa hiếm có nên Lê Long Đĩnh khi trở thành Vua Lê Ngọa Triều đã rất cảm mộ, không những không phạt tội Lý Công Uẩn mà còn tiếp tục trọng dụng ông. Lý Công Uẩn trở thành “Tứ sương quân phó chỉ huy sứ” rồi sau đó được thăng “Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ” - một chức võ quan cao cấp chỉ dành cho hoàng tộc hoặc quốc thích.
Năm 1009, Vua Lê Ngọa Triều mất. Triều đình tôn Lý Công Uẩn lên làm Vua với sự phò tá đắc lực của Đào Cam Mộc và Thiền sư Vạn Hạnh. Thiền sư Vạn Hạnh vốn là thầy dạy cũ của Lý Công Uẩn và là một vị thiền sư nổi tiếng lúc bấy giờ. Lý Công Uẩn lên ngôi, lấy hiệu là Thuận Thiên (thuận theo lòng trời) và chỉ 1 năm sau (1010) ông đã quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Phố Lý Thái Tổ vốn là một khúc đê cũ của sông Hồng. Nếu ai muốn biết sự dịch chuyển của sông Hồng ra phía Đông thế nào thì có thể nhìn dấu vết từ những con đê cổ này. Phố Lý Thái Tổ là đê nên bây giờ ta vẫn có thể thấy đường phố cao hơn so với những khu vực xung quanh. Thời Pháp, phố Lý Thái Tổ được gọi là đại lộ Courbet - một trong những tuyến đường quan trọng nằm trong khu vực hành chính trung tâm, rất gần với bờ Hồ và Nhà hát Lớn.
ảnh 2Vườn hoa Con Cóc (tên chính thức là Vườn hoa Diên Hồng) có đài phun nước cổ nhất Hà Nội (xây dựng năm 1901) với 4 con cóc bằng đồng phun nước cùng 8 con rồng chầu 
Công trình kiến trúc Art Deco hoàn hảo
Tòa nhà đáng chú ý nhất trên phố có lẽ là chi nhánh của Ngân hàng Đông Dương, nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tòa nhà này có một vị trí quan trọng trong kiến trúc Hà Nội vì nó được coi là công trình tiêu biểu nhất của kiến trúc Art Deco ở Hà Nội. Art Deco là một trường phái nghệ thuật mang tính triết chung có nguồn gốc từ Pháp những năm 1920 và sau đó lan ra toàn thế giới. 
Các tòa nhà mang phong cách kiến trúc Art Deco có kiểu dáng hiện đại, đa số là mái bằng, sử dụng vừa phải các trang trí trên mặt tiền. Nằm ở vị trí đẹp và với quy mô to lớn, được trang trí những phiến đá hồng nhạt ốp phía bên ngoài, chi nhánh Ngân hàng Đông Dương cũ được coi là kiến trúc Art Deco hoàn hảo nhất ở Hà Nội.
ảnh 3Tòa nhà số 38 phố Lý Thái Tổ (nằm trong khuôn viên Cung thiếu nhi Hà Nội) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với người Pháp
Lịch sử ly kỳ ở đài phun nước cổ nhất Hà Nội
Ngay gần đối diện với Ngân hàng Nhà nước là Vườn hoa Con Cóc. Tại sao gọi là Vườn hoa Con Cóc? Vì ở vườn hoa này có một đài phun nước được xây dựng năm 1901 với 4 con cóc bằng đồng phun nước cùng 8 con rồng chầu đá xuống. Đài phun nước này nếu nhìn thoáng qua có vẻ khá bình thường nhưng tìm hiểu nguồn gốc thì nó có một lịch sử rất ly kỳ.
Vườn hoa này ban đầu thuộc khu vực có tên là Quảng trường Chavassieux Chavassieux. Chavassieux Chavassieux (1848-1895) là ai? Đó là một viên quan cai trị người Pháp ở Đông Dương. Ông này từng giữ chức Chủ tỉnh Tây Ninh, Khâm sứ Trung kỳ, Thống sứ Bắc kỳ và quyền Toàn quyền Đông Dương và mất ở Hà Nội. Đặt tên một địa danh theo tên một vị quan cai trị là điều rất thông thường thời Pháp thuộc nhưng điều đặc biệt ở đây là tiểu sành đựng di hài Chavassieux được đặt trên đỉnh đài phun nước của vườn hoa mang tên ông. Tôi đã đứng quan sát đài phun nước cổ này rất lâu và quan sát khối quách đá đựng di hài của một viên quan cai trị người Pháp.  
Tại sao di hài ông ta không đưa về nước? Vì sao di hài được đặt ở trên đài phun nước? Có phải vì ông ta chết ở Hà Nội và có sở nguyện được gửi xác ở nơi này? Đó có lẽ là một câu hỏi lý thú tiếp tục được tìm hiểu. Chỉ  biết rằng Vườn hoa Con Cóc (tên chính thức là Vườn hoa Diên Hồng) sở hữu đài phun nước cổ nhất Hà Nội.
Đây là đài phun nước có kiến trúc tinh tế, hài hòa dù đã có những dấu vết thời gian nhất định, những đai thép quấn quanh giữ cho các khối đá đứng vững đã hoen gỉ và một cái cây khá lớn đã mọc rất gần cái quách đá của viên quan người Pháp kia. Một cái quách đá được đặt trên một đài phun nước, có lẽ đó là một điều rất đặc biệt và khác thường trong một kiến trúc cổ ở Hà Nội.
ảnh 4Phố Lý Thái Tổ ngày nay 
Tòa nhà ghi dấu ấn của lịch sử Việt Nam
Trên phố Lý Thái Tổ còn có một tòa nhà ghi dấu ấn đáng nhớ của lịch sử Việt Nam hiện đại. Đó là tòa nhà số 38, vốn là câu lạc bộ dành cho người Pháp hiện nằm trong khuôn viên Cung thiếu nhi Hà Nội. Chính tại tòa nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với người Pháp. Trong 30 năm đấu tranh vệ quốc, ngành Ngoại giao Việt Nam có 3 Hiệp định quan trọng mang tính cột mốc. Đó là Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946; Hiệp định Genève năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1972.
Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 tuy chưa phải là hiệp định chấm dứt chiến tranh như 2 Hiệp định sau đó nhưng nó có một ý nghĩa rất lớn. Đó là Hiệp định dùng để củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ, hạn chế các thế lực thù trong, giặc ngoài, chuẩn bị lực lượng cho những bước tiếp theo của cách mạng Việt Nam.
Nhà văn Uông Triều
Theo thời gian, những dấu vết trên con phố xưa có chỗ còn nguyên vẹn, có nơi phai nhạt dần và có chỗ đang thành phế tích. Tôi đi dọc con phố và suy tư về những gì đã từng diễn ra ở nơi này, ngắm những cây long não cổ thụ đã có tuổi hơn trăm năm. Đời cây. Đời người. Lịch sử. Biến đổi. Thăng trầm. Giờ đi tìm những góc xưa, phố cũ để hoài niệm thương nhớ một thời dĩ vãng.

Huyền thoại lịch sử ẩn giấu ở phố Lê Thái Tổ

  Nhà văn Uông Triều
ANTD.VN - Có lẽ hiếm con phố nào ở Hà Nội có một vị trí đẹp như phố Lê Thái Tổ. Phố nằm sát hồ Gươm và mang tên vị anh hùng cứu nước và cũng là nhân vật làm cho hồ ở vị trí trung tâm Thủ đô Hà Nội thành một địa danh mang trong mình một huyền thoại lịch sử.
ảnh 1Ở vị trí trung tâm giữa khu 36 phố phường, huyền thoại liên quan tới Lê Lợi khiến hồ Gươm có vị thế như ngày nay
Huyền thoại Lê Lợi trả gươm
Lê Thái Tổ, tên thật là Lê Lợi (1385-1433) là thủ lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn, người đã dựng cờ khởi nghĩa và quét sạch giặc Minh xâm lược, chấm dứt 20 năm nước Việt bị đô hộ. Lê Thái Tổ cũng là vị Hoàng đế mở màn cho triều đại Hậu Lê, triều đại kéo dài lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam và ở những thời kỳ đầu, nó đã có nhiều đóng góp lớn lao và tiến bộ vượt bậc cho kinh tế, văn hóa nước nhà. Đã có câu ca ngợi thời thái bình thịnh trị khi đó.
“Đời Vua Thái Tổ, Thái Tông
Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. 
Huyền thoại về Lê Lợi thì rất nhiều, chỉ bàn thêm về việc ông đã tạo ra một huyền thoại ở hồ Gươm, và chính nhờ huyền thoại này, hồ Gươm cùng với rùa thần trở thành những thứ thiêng liêng, mang tính giao hòa với trời - đất.
Ai cũng biết xoay quanh những anh hùng, các vĩ nhân luôn là các huyền thoại. Huyền thoại làm cho các danh nhân cao quý hơn, giải thích những điểm khuất mờ mà đôi khi khó lý giải rõ ràng về sức mạnh và trí tuệ của họ. Với cây gươm quý và rùa thần, huyền thoại Lê Lợi trả gươm hình thành, từ đó một chiếc hồ bình thường, thậm chí không đẹp và nổi tiếng bằng hồ Tây bỗng trở nên quan trọng hơn. Những tên gọi cũ của hồ phai nhạt đi và hồ giữ lại huyền thoại sáng giá nhất của mình, tất nhiên cũng cần nhắc đến sự đóng góp của các nhà viết sử và giới văn chương để những huyền thoại này được bay bổng và lan truyền. Ở vị trí trung tâm giữa khu 36 phố phường và quan trọng nhất, chính là đóng góp của một huyền thoại liên quan tới Lê Lợi mà hồ Gươm có vị thế như ngày nay.
Và một con đường bao quanh Bờ Hồ được đặt tên theo người đã tạo ra huyền thoại cho nó, tôi cho rằng đây là một điều rất thú vị và ý nghĩa.
ảnh 2Phố Lê Thái Tổ ngày nay 
Dấu ấn của vị vua khởi thủy triều Lê
Ở đường Lê Thái Tổ, dấu ấn của vị vua khởi thủy triều Lê rất đậm nét. Ngoài huyền thoại trả gươm thần còn có tượng đài Vua Lê được dựng ở vị trí rất đẹp nhìn ra hồ Gươm. Người cho dựng bức tượng này là Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải và có lẽ tôi sẽ trở lại với nhân vật nhiều mâu thuẫn này ở một dịp khác. Tượng Lê Thái Tổ được dựng trên một trụ đá cao, kiến trúc mang nửa phong thái Tây Âu, nửa Á Đông. Đó là bức tượng Vua Lê Thái Tổ mặc áo hoàng bào, đội mũ bình thiên, tay cầm gươm trong tư thế ném trả xuống hồ. Nhưng khi viết đến đây thực lòng tôi lại nhớ đến một câu thơ man mác của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê
Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ”. 
Cái sự man mác ấy chính là một nỗi niềm hoài cổ khi đi dọc con phố một thời hào hoa bậc nhất này giờ cơ bản không còn nhiều dấu tích. Ở đầu phố, ngay trước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bây giờ vốn là trụ sở Báo L’Annam Nouveau (nước Nam mới) của một nhân vật lừng danh trong nền báo chí Việt Nam: Nguyễn Văn Vĩnh và theo thời gian, những biến cố, thăng trầm của lịch sử, tên tuổi và trước tác của ông dần trở lại và được đánh giá đúng mức.
ảnh 3Trụ sở tòa báo Tương lai Bắc Kỳ thời Pháp thuộc, về sau là trụ sở Báo Hà Nội mới cho đến ngày nay. Một tòa nhà đẹp trên phố Lê Thái Tổ nhìn ra hồ Gươm 
Phố của những câu chuyện nghề báo
Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) ở thời kỳ đỉnh cao, có lúc nắm trong tay 7 tờ báo cả thảy, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp và có những tờ là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. “Đăng cổ tùng báo” là một trong những tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ ở miền Bắc và “Trung Bắc tân văn” là tờ nhật báo đầu tiên của nước Việt. Khi ông Nguyễn Văn Vĩnh mất, đông đảo giới báo chí cả nước khi ấy đã đến đưa tiễn ông với vòng hoa phúng viếng: “Kính viếng Ông tổ của nghề báo”.
Ngoài được biết đến là một nhà báo nổi tiếng, Nguyễn Văn Vĩnh còn được coi là một trong bốn học giả xuất sắc nhất thời bấy giờ: Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố). Nguyễn Văn Vĩnh đã từng có một cuộc tranh luận kéo dài và nảy lửa với người bạn thân của mình là Phạm Quỳnh khi ông này đang làm Thượng thư cho triều đình Huế. Đây là một cuộc tranh luận cực kỳ có tiếng vang thời ấy về quan điểm “trực trị” hay “quân chủ lập hiến” và có ảnh hưởng lớn tới mức chính quyền đương thời đã nhiều lần yêu cầu ông phải ngừng bút.
Lịch sử có những đánh giá khác nhau về Nguyễn Văn Vĩnh nhưng có những điểm sau không thể không khâm phục ông. Từ một cậu bé nghèo phải kéo quạt thuê trong lớp học, học mót mà sau Nguyễn Văn Vĩnh trở thành thủ khoa, làm việc cho chính quyền thuộc địa khi mới 14 tuổi. Ông từng từ chối nhận chức Thượng thư (Bộ trưởng) của triều đình Huế, từ chối nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh cao quý của Pháp. Và điều tôi khâm phục nhất với ông, khi chính quyền yêu cầu ông chọn lựa 1 trong 3 điều kiện: Từ bỏ viết báo, ngồi tù (dù chỉ một ngày) và sang Lào tìm vàng thì ông đã chọn cách thứ ba dù biết rằng đó là cách đầy hiểm nguy và quyết không từ bỏ nghề báo. Cuối cùng, ông đã chết trên một con thuyền trôi trên một nhánh sông Sê Pôn bên Lào, tay vẫn cầm chặt cây bút và quyển sổ... Thi hài ông sau đó được đưa về Hà Nội và được tổ chức tang lễ rất long trọng trong 3 ngày liền.
Nói thêm một chi tiết đáng chú ý nữa. Nguyễn Văn Vĩnh chính là cha đẻ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, tác giả của bài thơ “Chùa Hương” nổi tiếng. Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) là đứa con của mối tình giữa ông Vĩnh và người tình của mình, bà Phan Thị Lựu. Đứa con của mối tình lãng mạn được sinh ra trong khi nước Pháp đang khốn đốn khi giao tranh với nước Đức nên ông bố liền đặt tên con là Nhược Pháp. Nguyễn Nhược Pháp cũng viết báo giống cha và từng viết cho tờ L’Annam Nouveau có trụ sở trên phố Lê Thái Tổ bấy giờ. Ngoài viết báo và tham gia chính trị, Nguyễn Văn Vĩnh còn là một dịch giả có tiếng, người đã dịch những tác phẩm của Victor Hugo, Balzac, Molière… sang tiếng Việt từ rất sớm. Ông cũng là một trong những người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục và là người Việt duy nhất cùng 3 người Pháp ký vào đơn đòi thả tự do cho Phan Chu Trinh.
Tiếp tục về báo chí, phố Lê Thái Tổ xưa còn có trụ sở của một tòa báo lớn của Pháp L’Avenir Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ) với một tòa nhà rất đẹp quay mặt ra hồ Gươm. Tòa nhà này hiện là trụ sở Báo Hà Nội mới và may mắn là một trong những tòa nhà hiếm hoi trên phố Lê Thái Tổ còn giữ được kiến trúc gần như nguyên vẹn của buổi ban đầu.
Phố Lê Thái Tổ bây giờ lúc nào rợp bóng cây xanh và nhiều tiếng chim. Trên con phố hiền hòa và yên bình này lúc nào cũng rất đông người qua lại và  tôi tự hỏi, trong những người đang đi dạo quanh hồ ấy, có phải thực sự không còn ai “bàn chuyện Vua Lê?”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét