Chỉ bán vài tiếng buổi chiều, mấy nồi bánh đúc nóng của cô Minh ở phố Trung Tự đã hết bay.
Video bánh đúc nóng Trung Tự chỉ 15 nghìn/bát bán 4 giờ hết bay hàng.
Nói đến các loại quà chiều hẳn không thể không nhắc đến món bánh đúc nóng mang hương vị ấm áp của những ngày gió mùa về. Còn điều gì tuyệt vời hơn một bát bánh đúc nong nóng làm ấm bụng để tận hưởng dư vị “sướng nhất trần đời” ngày thời tiết se se lạnh như thế này.
Ở Hà Nội, nếu ai đã yêu thích món ăn này chắc hẳn không thể quên được sạp bánh đúc nóng hơn 20 năm nép mình ở khu tập thể Trung Tự chiều nào cũng tấp nập người ghé qua.
Bánh đúc nóng Trung Tự chiều gió mùa se lạnh.
Nhiều người Hà Nội thường nhắc đến con phố Lê Ngọc Hân khi nói về món bánh đúc nóng với tuổi đời hơn 30 năm, thế nhưng sạp hàng nhỏ bán bánh đúc nóng của cô Tuyết ở khu tập thể cũ Trung Tự cũng có tiếng không kém cạnh với tuổi đời hơn 20 năm.
Quán nằm khuất trong sân vui chơi của khu tập thể C2 nhưng chiều nào cũng tấp nập khách. 4h chiều, người đến quán như nượp, kín các bàn được bày ra, vợ chồng cô chủ bận “tối mắt tối mũi”, người múc bột, người xúc nhân chan nước để kịp gửi đến thực khách.
Bởi vậy, những người đến đây thưởng thức đều tự động tìm cho mình chỗ để xe thích hợp rồi chủ động tìm chỗ ngồi, gọi đồ cho cô chủ.
Sạp hàng không có biển hiệu, cửa hàng, tên tuổi nhưng luôn tấp nập khách.
Mặc dù chỉ là sạp hàng nhỏ kê vài chiếc bàn để phục vụ nhưng ở đây khá sạch sẽ. Những chiếc bát đều được dọn đi nhanh chóng sau khi mọi người ăn xong. Không gian hơi chật chội, tấp nập người đi xe qua lại nhưng có lẽ mọi thứ đều có thể bỏ qua để thưởng thức một món ăn ngon.
Bánh đúc nóng ở đây có giá vô cùng “hạt rẻ”, chỉ 15 nghìn đồng mỗi bát. Nếu so sánh về hình thức với bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân, nguyên liệu ở đây thiếu những miếng đậu vàng ươm, thế nhưng chất lượng cũng không hề thua kém gì.
Bát bánh đúc được bê ra nóng hổi, bốc hơi khói nghi ngút, lớp bánh đúc trắng tinh ẩn dưới những miếng thịt xào mộc nhĩ, hành khô, rau thơm xanh mướt, rồi sóng sánh dưới nước dùng thơm nức khiến cho bao người không cưỡng nổi cơn thèm.
Thịt bằm xào mộc nhĩ thì đậm đà, thơm nức, nước mắm dùng thì vừa ăn, nóng hổi trên cùng có rau thơm vừa ăn vừa hít hà xuýt xoa vào cái se se lạnh.
Bánh đúc ở đây nấu khéo lắm, thơm, sánh, dẻo quánh hòa quyện với nước mắm chan vừa vặn thơm mùi xương ninh. Thịt băm mộc nhỉ đậm đà vừa miệng cùng với rau mùi khiến cho hương vị món ăn được đẩy lên đến đỉnh, thơm ngon hết thảy. Thêm nữa, rắc lên chút hành khô vàng ươm đã đốn hạ bao con tim đang cồn cào cơn đói.
Bát bánh đúc chỉ có vậy thôi nhưng chẳng hiểu sao hương vị của nó hòa quyện vừa bùi vừa béo khiến bao người nhớ thương. Người đến đây không chỉ thưởng thức từng thìa bánh đúc sền sệt mà còn gọi thêm cả phần cháy được cạo dưới đáy nồi tận hưởng mùi thơm, beo béo, dai dai, ngầy ngậy. Cứ thế bát bánh đúc nhỏ mà có võ này 20 năm qua níu chân bao thực khách.
Bánh đúc trắng ngà, dẻo dẻo dính dính, sền sệt.
Ngoài bánh đúc nóng, quán còn bán chè đỗ đen, đỗ xanh.
Không biển hiệu, cửa hàng, tên tuổi nhưng sạp bánh đúc nóng Trung Tự này ngày nào cũng tấp nập khách. Chỉ mở từ 2h chiều đến 6-7h tối, ngày nào cũng hết bay hàng trong vài giờ đồng hồ mà không cần phải bán tới khuya.
Cô Minh - chủ quán vừa thoăn thoắt, nhanh tay múc bát bánh đúc vừa kể lại rằng, trước đây mẹ chồng cô đã bán bánh đúc và bánh cuốn cho mọi người. Thế nhưng bánh đúc thời ấy đơn giản lắm chỉ xào mỡ hành.
Sau khi về làm dâu, cô được mẹ chồng trao cho nghề và thay bà tiếp quản từ năm 1996 đến nay cũng được 22 năm.
Vợ chồng cô Tuyết.
Nhân thịt băm mộc nhĩ được mọi người yêu thích.
Cô chăm chú múc từng bát bánh đúc nóng cho thực khách.
Chủ yếu khách đến với quán là khách quen yêu thích sự sạch sẽ, và hương vị món ăn gia truyền này của gia đình cô. Để níu chân thực khách, bát bánh đúc nhà cô mang ra phải luôn luôn nóng hổi, thơm ngon. Đối với cô, điều quan trọng nhất để mọi người nhớ tới quán là cô luôn làm theo tiêu chí của mình “làm thật, tươi ngon”.
Khi khách yêu cầu món bánh, cô mới múc từng thìa bánh sền sệt trong chiếc xoong trắng đặt trên bếp than đỏ lửa, rồi thêm chút rau thơm, hành phi, rưới thêm phần nước mắm cùng thịt băm mộc nhĩ.
Nhân bánh đầy ắp.
Cô Minh cho biết, khi tiếp quản quán, cô phải học hỏi và tìm tòi khá nhiều để món bánh đúc được ngon hơn. Nếu trước đây món bánh đúc nóng chỉ đơn giản với nhân xào mỡ hành thì bây giờ “tân cổ giao duyên”, món bánh đúc của nhà cô có thêm thịt và nước dùng.
“Bây giờ toàn người ăn ngon mặc đẹp nên mọi thứ phải làm ngon, làm chuẩn người ta mới nhớ. Mọi nguyên liệu trong bát bánh đúc phải tương xứng với nhau để hương vị hài hòa nhất”, cô Minh cho biết.
Công đoạn cuối cùng là chan nước dùng.
Hiện tại, sạp bánh đúc nhỏ này chỉ có 2 vợ chồng cô làm. Hôm nào thời tiết mát mẻ như hôm nay, cô chú sẽ làm nhiều bánh hơn để đủ phục vụ mọi người còn hôm nào trời nắng, số lượng sẽ được rút đi. Được biết, ngày đắt khách, vợ chồng cô cũng bán hết đến 2-3 nồi bánh to cả 20kg.
Dẫu bán hàng vỉa hè vất vả nhưng hơn 20 năm nay cô Minh vẫn hăng say với nghề. Ngày nào cũng lọ mọ dậy sớm bếp núc kịp phục vụ mọi người mỗi khi buổi chiều đến. Đối với cô, niềm vui mỗi ngày đơn giản chỉ là được nhìn thấy gương mặt tươi cười, hài lòng của mọi người khi thưởng thức món ăn mình làm.
Theo Hồng Nhung - Tuấn Linh (Khám phá)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét