Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Hòn Củ Tron


Ngồi trên tàu cao tốc, sau khi qua khỏi hòn Sơn Rái một đỗi, nhìn về hướng Tây Nam, chúng ta sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của một cụm đảo xanh mờ giống như một thế trận vững chãi giữa trùng khơi. Đó chính là quần đảo Nam Du với 21 đảo lớn nhỏ, trong đó Củ Tron là hòn lớn nhất, thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách xa bờ Rạch Giá khoảng 83 km.

Muốn đến Nam Du, chúng ta có thể khởi hành từ cầu tàu Rạch Giá và chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ là tới hòn Củ Tron, thuộc xã An Sơn, trung tâm của quần đảo. Tại đây, nhìn về phía trái là hòn Ông, trước mặt là hòn Dầu và sau lưng là hòn Ngang với nhiều hòn đảo khác lô nhô, quây quần bên nhau tạo thành một vùng non nước hữu tình. 

Hòn Củ Tron có một chiều dài lịch sử khá hấp dẫn. Theo truyền thuyết dân gian, vào những năm cuối thế kỷ 18, chúa Nguyễn Ánh đã chạy ra cụm hòn này lánh nạn. Vì thiếu thức ăn và nước uống, nên Nguyễn Ánh sai đoàn tùy tùng đào giếng lấy nước ngọt và đào củ nầng có hình tròn tròn ăn cho đỡ đói. Sau khi lên ngôi, để ghi nhớ lại những kỷ niệm của một thời bôn ba, nhà vua đã có chiếu dụ đặt tên cho hòn này là “Củ Tròn”, nhưng lâu ngày đọc trại ra thành “Củ Tron”. Do đó, cho tới nay, hòn Củ Tron vẫn còn nhiều địa danh gắn liền với những huyền thoại của một thời Nguyễn Ánh dừng chân lánh nạn như bãi Giếng, bãi Ngự...

Hòn Củ Tron nay có tên là hòn Lớn, đẹp và thu hút nhiều du khách nhờ có nhiều cảnh quan hấp dẫn và không khí lúc nào cũng sôi động, vì đây là trung tâm của xã đảo - xã An Sơn. Tại đây cũng như hòn Ngang, hòn Mấu... đa số cư dân đều sống bằng nghề đánh bắt hải sản và nuôi cá lồng bè, chỉ một số ít khai thác lâm sản, làm rẫy và mua bán. 
Đến Củ Tron, điểm dừng chân trước tiên là bãi Chệt, vừa là bến tàu, vừa là làng chài đông đúc. Nơi đây cũng có một truyền thuyết khá ly kỳ. Vào một thời xa xưa, tại vùng biển này đã diễn ra cuộc ác chiến giữa tàu người Trung Quốc và tàu Hà Lan, kết cuộc hàng trăm người Trung Quốc đã bỏ mạng, thây tấp vào bờ nên từ đó mới có tên là đảo “Chệt”.

Kế đến là bãi Ngự và bãi Giếng, tuy mỗi nơi mang một dáng vẻ riêng, nhưng cả hai đều hiện lên một vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ, hấp dẫn nhất là làng chài. Hàng ngày, hàng giờ nhịp sống luôn diễn ra sôi động mà đặc trưng là nghề câu mực và đánh bắt hải sản. Về đêm, hàng trăm chiếc thuyền câu mực giăng đèn lấp lánh ngoài khơi trông như những chòm sao lung linh, huyền ảo. Tại đây còn có một nhóm người thợ lặn chuyên ra khơi lặn sâu dưới hai ba mươi thước nước để săn bắt các loài cá quý như cá bóp, cá mú, cá ngát...

Dọc theo hai bên bờ là những bãi cát mịn màng, lấp lánh và những con sóng vỗ tràn bờ. Ngoài khơi có vô số ghe thuyền đánh bắt neo đậu và nhiều lồng bè nuôi cá giống như một chợ nổi trên sông. Kỳ thú nhất là những ghềnh đá chông chênh cùng với những tảng đá lớn nhỏ, chồng chất lên nhau tạo thành những hình thù kỳ quái giúp cho khách tham quan càng khám phá càng say mê.

Chiều mát, chúng ta sẽ leo núi tham quan ngọn hải đăng, được coi như con “mắt biển” canh giữ cho vùng trời Tây Nam . Từ độ cao 309 m, chúng ta phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh quần đảo giống như một tuyệt tác của thiên nhiên, đẹp nhất là lúc bình minh hoặc ráng chiều mờ ảo càng làm cho không ít du khách nao lòng. Về đêm, từ bãi Giếng nhìn qua bãi Nam hòn Ngang cách đó 7 km, ánh sáng từ “đô thị trên sông” mờ ảo giống như một dải ngân hà của đại dương.

Sau một ngày khám phá hòn Củ Tron, sáng hôm sau, chúng ta có thể bao thuyền sang hòn Ngang, hòn Mấu... Cuộc sống ở đó cũng sôi động không kém gì hòn Lớn. Hàng ngàn tàu thuyền, ghe xuồng san sát bên nhau, trên bờ nhà sàn cọc tre nối tiếp nhau giống như một bức tranh quê muôn sắc muôn màu.

Đến với Củ Tron, ngoài việc tham quan, nghỉ dưỡng, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều món ngon vật lạ mà ít nơi nào có, như món cá xanh xương (cá nhái) nướng bẹ chuối, các loại ốc nhảy, ốc đụn, vọp, hàu sữa... mỗi món ngon đều có những nét riêng độc đáo. Sau mỗi chuyến đi trở về vẫn còn vương mãi cái dư vị ngọt ngào của Nam Du.
Bằng sức sống mãnh liệt của mình, suốt mấy chục năm qua, bà con ngư dân đã làm thay đổi bộ mặt Củ Tron, biến một vùng đảo hoang vu đầy huyền thoại trở thành một quần đảo sung túc, giàu đẹp và ngày càng thu hút đông đảo khách đến tham quan để hiểu rõ hơn về một vùng biển đảo bao dung, một ngư trường rộng lớn, một cái nôi đã từng cưu mang nhiều thế hệ ngư dân từ khắp mọi miền đất nước. Đến Củ Tron, chúng ta mới có dịp thấy hết nỗi gian truân vất vả của những con người đầu sóng ngọn gió, suốt đời phải đối đầu với “mặt biển chân mây”, nhưng tâm hồn lúc nào cũng phóng khoáng, chân chất, hiền hòa và giàu lòng hiếu khách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét