Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Sức hút của Phụng Hoàng Sơn


Đồi Tức Dụp. Ảnh: T.H
Nằm trong dãy Thất Sơn huyền bí, Phụng Hoàng Sơn hay thường gọi núi Cô Tô, với đồng bào dân tộc Khơ-me còn có tên Phnom Ktô, luôn hấp dẫn người hành hương và du khách tham quan. Bởi, cảnh quan nơi đây vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ, tạo nên không khí trong lành, quyến rũ mọi người khi tới đây.


Đường lên đỉnh Cô Tô
Ở thời điểm này, Bảy Núi chưa diễn ra lễ hội quy mô, chỉ có một vài đám cúng phước và đám cưới trong phum, sóc. Thứ bảy, chủ nhật là ngày nghỉ cuối tuần, các đoàn xe hành hương, tham quan sau khi đảo một vòng núi Sam, núi Két, núi Cấm vào ngay Tri Tôn và leo lên đỉnh Cô Tô. Trước hết, viếng chùa cúng Phật, vãn cảnh; sau đó nghỉ lại qua đêm thưởng thức không khí chốn núi rừng, vì đây là một trong những địa danh kỳ bí của Thất Sơn. Không ồn ào, tấp nập như Lâm viên núi Cấm nhưng lưu lượng khách đến Cô Tô vẫn cứ lai rai, các hàng quán từ 2 bên đường vào hồ Soài So và lên núi mua bán suốt ngày. Có lẽ, mấy chiếc xe Honda đón khách là sôi động nhất, đưa và rước khách lên xuống liên tục.
Nếu trước đây, núi Cấm có xe Honda ôm… leo núi, thì bây giờ, ở Cô Tô bắt đầu có loại hình này. Cách đây 3 năm, cư dân Cô Tô và những người hảo tâm đã hùn tiền, tổ chức mở đường bê tông từ vườn xoài sát chân núi dài lên tới sân Tiên. Đây là một trong các điểm được xem là kỳ bí nhất của Cô Tô, với giai thoại Tiên từ trên Trời xuống vui chơi và còn để lại dấu tích (?). Do đó, khi tuyến đường lên đỉnh Cô Tô bắt đầu được tu sửa và nối dài thêm, thì du khách có thể đi khắp các mũi Nam Hải, vồ Hội, điện Năm Ông, chùa Bồng Lai và thậm chí lên tới… Cấp nhất với 50.000đ/người/lượt.
Với người hành hương, du khách đến từ miệt Cà Mau, Bạc Liêu, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông, thì Cô Tô luôn hấp dẫn bởi những giai thoại, dấu ấn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cô Tô có đồi Tức Dụp, là thành trì của quân và dân An Giang; có Anh hùng liệt sĩ Neáng Nghés (Nàng Sa Rết) và Anh hùng liệt sĩ Thái Quốc Hùng (chín Tiều); là biểu tượng của tình đoàn kết 3 dân tộc anh em (Kinh – Khơ-me – Hoa) trên vùng Bảy Núi. Cô Tô còn có sức hút riêng bởi khung cảnh thiên nhiên xanh mát…
Diện mạo hồ sinh thái Soài So
Phụng Hoàng Sơn – Cô Tô – núi Tô có độ cao 614 mét so với mặt nước biển,  chiều dài khoảng 5.800 mét và rộng khoảng 3.700 mét. Người hành hương và khách tham quan thường leo lên đỉnh bằng cách men theo thành hồ Soài So vào tận vườn xoài ở chân núi và bắt đầu chuyến thưởng ngoạn. Điểm dừng chân cuối cùng ở Cấp nhất, đỉnh cao nhất cũng tại cột mốc “Ngã ba Đông Dương” (nơi giáp ranh 3 xã Cô Tô, Ô Lâm và Núi Tô). Hồ chứa nước Soài So được chặn dòng từ mạch nước suối Cây Dong từ Cấp nhất đổ xuống, rồi qua hệ thống xử lý và điều dẫn phục vụ nước sinh hoạt cho cả thị trấn Tri Tôn. Đây là công trình quy mô lớn nhất ở vùng núi Tri Tôn, do ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn An Giang xây dựng. Từ trên đỉnh, nhìn xuống hồ Soài So trông thật kỳ vĩ.
Cư dân xứ núi quen gọi hồ Soài So là Suối Vàng, bởi dòng nước cứ tuôn chảy quanh năm, nó quý hơn vàng là vậy. Khoảng 20 năm qua, hồ chứa nước Soài So (rộng cỡ 5 ha và dung lượng chứa khoảng 500.000m3 nước) đã trở thành nơi cung cấp nước cho thị trấn Tri Tôn và 2 xã Núi Tô, Cô Tô. Theo nhu cầu cuộc sống, Nhà máy nước Tri Tôn được xây dựng mới và dời ra cặp Tỉnh lộ 941, hồ chứa nước Soài So cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, vì nhiều năm không được nạo vét và tu sửa lại. Đầu năm 2010 này, Phòng Nông nghiệp Tri Tôn đã tiến hành xả nước, phục vụ công tác khảo sát, thiết kế để tiến hành nạo vét lòng hồ và sửa chữa hoàn chỉnh. Phấn đấu mùa mưa già năm 2010 tới đây sẽ có thể chứa nước, đồng thời mở ra triển vọng lập vườn cây ăn trái, trồng trọt rau màu cho khu vực xung quanh.
Với đặc thù, sức hấp dẫn riêng ở Cô Tô, người hành hương, khách tham quan đến ngọn núi này ngày một đông hơn, cho thấy tín hiệu lạc quan đối với hoạt động du lịch ở vùng núi này.
Bài , ảnh: PHAN NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét