Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Thưởng thức đặc sản trên đường du xuân (P1)

Tới chùa Hương bạn đừng quên mua rau sắng và quả mơ thơm phức. Sang Bắc Ninh bạn nhớ ghé qua Đình Bảng mua bánh phu thê nghĩa tình. Về Nam Định hãy nếm kẹo lạc Sìu Châu giòn tan.

Mơ chùa Hương
Mơ chùa Hương
Mơ chùa Hương nức tiếng gần xa
Cứ vào khoảng cuối tháng 2, tháng 3 âm lịch, khi hoa gạo bắt đầu đỏ rực con đường núi quanh co dẫn lên chùa là mùa mơ chùa Hương vào vụ. Đây là loại mơ thơm ngon nổi tiếng trên đất Bắc, mùi thơm thanh mát níu chân du khách thập phương.
Mơ chùa Hương quả to, hạt nhỏ, cùi dày và mọng nước. Mơ có vị chua nhẹ, thanh mát chứ không gắt, không đắng. Thường thì người ta chỉ ăn mận, nhưng nếu thử ăn mơ chùa Hương một lần bạn sẽ nhớ mãi cái vị thơm thơm chua chua này.
Ngon hơn nếu bạn mua về để ngâm đường để uống cho mua hè, làm ô mai, xí muội, ngâm muối để làm thứ gia giảm trong nồi rau muống luộc hay ngâm rượu tạo nên thứ vang mơ nhẹ mà say.
Chùa Hương có tới bốn loại khác nhau, được cư dân phân biệt và đặt tên theo mùi vị và mầu sắc, đó là mơ đào, mơ chấm son, mơ bồ hóng và mơ nứa.
Mùa lễ hội chùa Hương kéo dài tới 3 tháng. Sau tháng Giêng đông đúc, bạn có thể thu xếp để đi du xuân. Lúc này, khách đã vãn, cảnh sắc chùa đã vào đúng độ xuân sang, cây cỏ đâm trồi nảy lộc tạo nên cảnh sắc thiên nhiên đẹp hơn.
Ngoài quả mơ, trên đường lên chùa, bạn có thể ghé qua một quán bất kỳ, thưởng thức món chè củ mài cũng là một đặc sản nơi đây. Củ mài vỏ đen, ruột trắng, nhìn hơi giống củ khoai lang nhưng to gấp hai, ba lần.
Khi nấu chè củ mài, người ta không xắt miếng, cũng không xay hay giã thành bột mà một tay cầm củ, một tay cầm con dao cau thật sắc, thoăn thoắt gạt từng miếng củ thả dần vào nồi nước đường đã đun sôi. Khi chè chín, củ dẻo mềm một cách đặc biệt, vị lại thơm ngon, ngọt mát vô cùng.
Rau sắng chùa Hương cũng là một sản vật rất đặc biệt. Gọi là rau nhưng thực chất nó là một loại cây thân mộc, ưa ánh sáng, mọc tự nhiên trên những vách núi.
Lá non rau sắng có mầu xanh thẫm, óng ả, mùi vị đậm đà nên chỉ cần vài nhánh là đã đủ nấu một bát canh cho bốn người ăn.
Canh rau sắng có thể nấu với thịt, cá, tôm... nhưng theo khách sành ăn, ngon nhất vẫn là bát canh rau sắng nấu suông, nêm thêm một chút muối cho có vị.
Bánh Sìu Châu Nam Định
Nam Định mùa xuân cũng có rất nhiều lễ hội nổi tiếng. Nếu trên đường hành hương về với quê hương của các vị vua Trần bạn cũng đừng quên thưởng thức những đặc sản bình dị nơi đây.
Đầu tiên là món chè kho dân dã. Đó là món chè được làm từ đỗ xanh mơi, đãi sạch vỏ, cho vào đồ chín như cơm, đánh tơi rồi quấy liên tục vài tiếng với đường trên bếp củi hồng cho mịn, quánh lại. Khi múc ra đĩa chỉ cần lắc lắc cổ tay là đã được đĩa chè tròn như trăng rằm, rắc thêm vài hạt vừng lên, đợi muội ăn thơm phức, ngọt sắc.
Tiếp đó là món kẹo lạc, kẹo vừng Sìu Châu. Nghe tên kẹo, người ta lầm tưởng với một thứ kẹo đến từ Trung Quốc. Ấy nhưng chắc chắc đây là món kẹo thuần Việt 100%. Từ nguyên liệu là những hạt lạc, hạt vừng bùi bùi, beo béo trồng tại chính Nam Định, tới cách nấu công phu, tỉ mẩn có chút bí kíp của người dân nơi đây.
Khách thập phương tới Nam Định thường ghé vào của hàng số 4 Hàng Sắt dưới nằm trong thành phố, sát ngay với đền Triều Châu để mua. Kẹo Sìu Châu sở dĩ nức tiếng gần xa bởi nguyên liệu của nó rất ngon. Đó là những hạt lạc “bò”, to, mẩy được rang chíu thấu, giòn thơm ngậy, mang nấu với đường chõ hoặc đường phèn cùng với mạch nha được làm từ gạo nếp hương và mộng mạ.
Quy trình nấu cũng lắm công phu, kẹo nấu trên bếp lửa có nhiệt độ duy trì trung bình khoảng 300 độ C, người nấu phải có sức khỏe, dẻo dai để quấy đều các nguyên liệu, đồng thời tỉ lệ pha giữa lạc, đường và mạch nha phải thật khéo thì mới ra thành phẩm là những viên kẹo có sắc nâu hồng, trong như hổ phách. Khi ăn cắn giòn tan, không dính răng, thơm lừng hương vị của lúa nếp, vị ngọt đậm đà.
Ngoài ra, bạn còn có thể ghé mua món bánh gai bà Thi dọc đường quốc lộ 1A, gạo Tám Hải Hậu hay món nem thính Giao Thủy cũng rất thơm ngon.
Nghĩa tình chiếc bánh Phu Thê
Vùng quê Kinh Bắc với vô vàn chùa chiền và lễ hội cũng có rất nhiều thứ đặc sản hấp dẫn du khách khắp nơi. Trong đó, có lẽ đặc biệt nhất chính là chiếc bánh phu thê tại Đình Bảng. Chiếc bánh nay bạn phải đi đường cũ (1A) vào thành phố mới có thể mua được.
Thoạt nhìn, bánh phu thê có phần kém "sắc" so với nhiều loại bánh khác. Thêm nữa, mùi hương cũng không làm "nức mũi" thực khách như các loại bánh rán, bánh khúc (cùng là một loại bánh phổ biến tại Bắc Ninh).
Thế nhưng, bánh phu thê đã hấp dẫn từ tên gọi: bánh vợ chồng, luôn luôn được bán theo cặp. Rồi tới khi thực khách bóc vỏ bánh bằng lá dong ra thì thật sự ngạc nhiên bởi màu vàng óng của bánh. Nhìn bánh đã muốn ăn, cắn một miếng bánh vàng trộn vừng đen dẻo dẻo, thơm thơm, mỏng tang là tới lớp nhân với đỗ xanh, dừa ngọt ngào, bùi béo.
Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và hương ngũ vị. Bột làm bánh phải được làm từ gạo nếp, xay bằng cối nước, sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô.
Màu vàng của bánh là do người làm lấy quả dành dành nhào bột để lấy màu sắc tự nhiên chứ không được pha phẩm màu. Người ta còn nạo đu đủ xanh, ngâm phèn rồi cắt nhỏ nhào lẫn với bột để bánh có thêm độ giòn.


Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=245981#ixzz1JroCHgl3
http://www.xaluan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét