Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Xuất hiện loài cá lạ trên núi Cấm

Ở độ cao trên 700m, vậy mà núi Cấm, xã An Hảo (Tịnh Biên) vẫn tồn tại loài cá quý hiếm trong các hang đá, khe suối. Người dân ở đây đặt tên cho loài cá này là cá Vùng Dục.
Anh Tống Văn Trí, sống ở Vồ Bà cho biết:  Khoảng tháng 5 âm lịch, mưa xuống, những con suối đều đầy nước, đây cũng là điều kiện cho chúng sinh sôi nảy nở với số lượng lớn. Đến tháng 12 âm lịch nhiều con suối cạn dần, cá Vùng Dục bắt đầu tìm thức ăn, bà con ở đây trang bị cần câu móc mồi trùn rồi “săn” cá Vùng Dục. Len lỏi qua các con suối lớn nhỏ, trung bình mỗi ngày, anh Trí câu cả ký cá Vùng Dục…
Loài cá Vùng Dục nặng trung bình từ 800 gram-1 kg, thân giống cá lóc ở đồng bằng. Chúng sinh trưởng  khá nhanh trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên núi.
Câu cá trên núi (17/02/2011)
Núi Cấm là ngọn núi hùng vĩ và cao nhất vùng Thất Sơn (An Giang), cao 716 mét. Nơi đây có nhiều thảm thực vật, động vật đa dạng và phong phú. Ngoài chim, thú và các loài bò sát ra, trên núi Cấm còn có một loài cua núi và một loài cá núi rất độc đáo ít nơi nào có.
Cua núi thường sinh sống trong khe và các hang hốc dưới lòng suối, hiện đang bị săn lùng ráo riết. Còn cá thì thường xuất hiện ở khe suối và dọc theo các thung lũng có mực nước sâu khoảng 1 tấc. Loài cá này có tên là “chành vụt”, có người gọi là “tầm vụt” hoặc “vùng vụt”, rất hiếm thấy ở đồng bằng sông nước. Hình dáng cá chành vụt cũng giống như cá lóc, nhưng vảy mịn hơn, đuôi đỏ và có thể đổi màu tùy theo lúc. Chúng hoạt động kiếm ăn ở các hang, hốc, kẹt đá, nơi có luồng chảy. Mỗi hang gồm nhiều con. Khi đẻ, trứng nở ra giống như ròng ròng.
Loài cá này con lớn nhất nặng khoảng 200 g, thịt thơm, ngon và ngọt đậm giống như thịt cá lóc. Món ăn hấp dẫn nhất là kho tiêu và nướng trui chấm mắm me. Đây là nguồn thực phẩm “trời cho”, giúp cho những gia đình nghèo khó trên núi có điều kiện cải thiện các bữa ăn.
Theo lời các vị lão nông, loài cá này đã xuất hiện trên núi từ mấy chục năm về trước nhưng không ai săn bắt. Nay do nhu cầu cuộc sống, nhiều người bắt đầu khai thác bằng cách câu và cắm câu, đông nhất là trẻ con. Do đó, nếu ngành du lịch và các cơ quan chức năng không có biện pháp chỉ dẫn cách khai thác để bảo tồn, chắc chắn trong một tương lai không xa loài cua núi và cá núi trên núi Cấm sẽ bị tận diệt, làm ảnh hưởng đến sự cân bằng hệ sinh thái.

Thành Hiệp
Nguồn: Báo KHPT
DT (st)


THÀNH CHINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét