Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Ngũ Vị Nương Nương

Tháng Hai là tháng lễ hội, từ Bắc vào Nam, đình đền miếu mạo đều có hội hè đình đám. Ðặc biệt nhiều nơi tổ chức lễ Kỳ Yên (Cầu an).

Theo “Gia Ðịnh thành thống chí” của Trịnh Hoài Ðức thì Kỳ Yên cúng xuân thu nhị kỳ. Cúng mùa Xuân để cầu xin cho mùa màng trong năm được tốt đẹp hay vào mùa Thu sau khi gặt hái để tạ ơn cho vụ thu hoạch thóc lúa đầy bồ. Lễ Kỳ Yên vào dịp xuân kỳ bao giờ cũng đông vui tấp nập hơn mùa Thu. Lễ hội kết hợp với thưởng xuân nên thu hút rất đông người tham dự.

Miếu Ngũ Vị.

Ðó là buổi lễ quan trọng nhất trong năm nhằm cầu xin thần linh phù giúp cho mùa màng phú túc, quốc thái dân an. Thật ra tùy các Phúc thần, Nhiên thần... được thờ mà mỗi đình tổ chức cúng một ngày khác nhau kéo dài suốt năm. Người ta có thể tìm thấy vô số đình miễu nằm rải rác khắp nơi trong lòng thành phố. Ðình Nhơn Hòa (cầu Ông Lãnh) thờ Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn và Ðịnh Tường Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng cúng vào ngày 15, 16, 17 Tháng Hai ta, đình Bình Ðông (quận Tám) cúng vào ngày 12, 13 Tháng Hai, miếu Ngũ Vị Nương Nương quận 1 cúng ngày 20, 21...

Việt Nam vốn là xứ nông nghiệp, kinh tế chủ yếu chăn nuôi, trồng trọt, đánh cá... Ðời sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Thiên tai mất mùa không biết xảy ra lúc nào nên buổi lễ cầu an đầu năm thật quan trọng. Trong sự cúng bái thành tâm, niềm tin của con người gởi gắm vào thần linh, trông chờ các vị ấy giáng phúc, ngăn ngừa tai họa

Vì ảnh hưởng tới đời sống của cả một vùng, một làng, một xã, một thôn... như thế nên cúng Kỳ Yên không thể sơ sài qua loa. Tùy theo mức kinh tế trong vùng, tùy đình miễu to hay nhỏ mà lễ Kỳ Yên được tổ chức ra sao. Nhưng dù trọng thể hay đơn sơ thì các buổi lễ đều rất trang trọng. Thông thường Kỳ Yên cúng trong hai ngày. Ngày thứ nhất rước sắc thần và dâng hương, ngày thứ hai tế gồm chánh tế và lễ cảm tạ Thần hoàng bổn cảnh tức là vị thần ở địa phương đó và các vị Tiền hiền, Hậu hiền. Tám vị thần nông nghiệp gồm thần Lúa, thần Lúa Giống, thần Nông, thần phụ tá thần Nông, thần Bờ Ruộng, thần Kinh Mương, thần Côn Trùng. Còn Thần Hổ chính xác là thần Mèo chuyên bảo vệ mùa vụ, chống chuột bọ phá hoại. Các vị thần đó hiệp sức phù hộ cho mưa thuận gió hòa, nhờ đó mà cuộc sống người dân no đủ, bình an.

Ngoài ra, các đền theo phong tục miền Bắc như đền Trần Hưng Ðạo (Sài Gòn) có đánh cờ người, đền Hát Môn (Vạn Kiếp)... hát chầu văn, các đình miễu Nam bộ có lễ xây chầu là nghi thức đánh trống và đại bội là một số hoạt cảnh giải thích nguồn gốc của con người do các diễn viên hát bội trình diễn. Cuối cùng là nhạc tế, nhạc lễ, múa lân hoặc hát bội vào buổi tối với các vở hát kinh điển kết thúc có hậu như Ðào viên kết nghĩa, Lưu Bị cầu hôn, Phụng Nghi Ðình, San Hậu. Hiện nay ngày càng ít diễn viên theo bộ môn Hát Bội, ngoài một số ít đoàn hát bội lớn tồn tại nhờ hưởng trợ cấp của nhà nước thì rất hiếm các đoàn hát bội nhỏ chuyên đi hát cúng đình. Vì thế thay vì hát bội, các nhóm cúng đình chuyển qua hát cải lương và hồ quảng.

Ðình thường thờ thành hoàng làng, các vị anh hùng dân tộc hay Bà Chúa Xứ cai quản địa phương. Ðó là những nơi thờ tự lớn. Ngoài ra còn rất nhiều miễu nằm đó đây trong thành phố, trong đó phải kể đến các ngôi miếu Ngũ Hành. Loại miếu này thường bắt gặp khắp nơi, có thể là gian thờ trong khuôn viên của một ngôi đình lớn hoặc nằm một mình riêng rẽ. Một số miếu Ngũ Hành khang trang rộng rãi nhưng với đà phát triển của thành phố hiện nay, đa số miễu nằm lọt giữa các dãy nhà cao lớn, nhất là trong khu phố, đường hẻm cũ, diện tích miếu Ngũ Hành lắm khi chỉ là một gian nhà giữa khu gia cư đông đúc, chật chội, thậm chí chỉ khiêm nhường là một trang thờ nép góc hẻm nhỏ, ven bờ tường...

Một ngôi miếu như vậy nằm sâu trong con hẻm quận 1. Ðó là miếu Ngũ Vị Nương Nương đã tồn tại gần tám mươi năm nay và theo lời kể của ông Thủ từ thì khá linh. Xưa kia, đất phường còn vắng vẻ, chưa đông đúc như bây giờ. Vào khoảng năm 1955, thời kỳ giao tranh với Bình Xuyên, Bà đã đạp đồng báo trước điềm rủi, quả nhiên sau đó nguyên khu vực bị cháy rụi. Miếu Bà được xoay lại rồi xây gạch, lợp ngói khá khang trang. sau này, tuy ngôi miễu mái cong vẫn còn đó nhưng do bỏ phế nhiều năm nên tường ố, gạch vỡ... Gần đây khôi phục lại việc thờ cúng, khi làm lễ, phải mượn tạm một góc hiên chùa gần đó.

Miễu là vị trí quen thuộc của phường xóm; như cây đa, đình làng một thuở, một nơi chốn ngày xưa... Có ngôi đình được trùng tu, sơn phết khang trang lộng lẫy, cùng lúc có nóc miễu cũ kỹ, rêu phong nằm nép ven tường nhà nhưng dù nhỏ bé, cũ kỹ đến đâu, các ngôi đình miễu vẫn không hề lạc lõng giữa chốn phồn hoa, phố thị, không bị thời gian và con người quên lãng. Ngôi miếu thân thuộc như một bàn thờ chung của xóm giềng. “Năm Mẹ” hiện diện đó như một thần linh gần gũi, là chỗ linh thiêng cho tín ngưỡng ban sơ hướng tới. Bà Tám đi chợ tạt ngang cúng nải chuối, chị Mười ghé vào lầm thầm khấn vái cầu xin. Ông Tư, ông Bảy sẵn sàng cúng tiền sửa trang, tô tượng...

Bàn thờ Ngũ Vị.

Ngày 20, ban tế lễ bắt đầu cúng cầu an trước Ngũ Vị. Ðây là năm vị tượng trưng cho Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, mà theo triết lý Ðông phương là những yếu tố khởi thủy cấu tạo nên vật chất. Mỗi vị khoác áo màu sắc khác nhau: xanh, đỏ, vàng, trắng, đen tiêu biểu cho hành riêng của mình. Ðặc biệt trong tín ngưỡng dân gian, ngũ hành xuất hiện dưới hình thức “nương nương,” vì cũng giống như tục thờ Mẫu ở miền Bắc, phụ nữ bao giờ cũng biểu hiện cho sự phồn thịnh, sự sinh sôi nẩy nở, thể hiện đúng đặc tính của ngũ hành là kết hợp với nhau, tương sinh, tương khắc để tạo nên vô vàn vật chất biến hóa. Vì thế miếu Ngũ Hành còn gọi là miễu Bà, miễu Ngũ Hành Nương Nương...

Sáng sớm ngày 21, cả xóm đổ xô ra xem lễ rước nước. Một vị đi đầu tụng kinh cầu an, kế đó ông trưởng tế cung kính bưng chiếc bình đặt trên khay phủ khăn điều, một người cầm lọng che bình, ông nhạc công đàn nhị chậm rãi bước sau cùng kéo vĩ. Ðám rước thong thả đi tới lộ, đến bờ sông chống xuống ra giữa rạch múc đầy bình nước. Khi quay về, ông thủ từ đứng đón sẵn tận ngoài cổng, trịnh trọng đón lấy bình nước đặt lên ban thờ.

Nghi lễ từ xưa đáng lẽ phải tiến hành như vậy nhưng thực tế vài năm nay đã không còn duy trì. Con rạch bị ô nhiễm trầm trọng ngay cả 1úc triều lên vẫn đen kịt. Tiếng là rước nước nhưng không còn ai ra giữa sông múc nước nữa mà lễ chỉ cử hành đến bờ sông rồi quay về, cũng không còn khăn đống áo dài mà chỉ là quần tây, sơ mi, áo thung. Ông thủ từ cung kính đặt lên ban thờ mấy chai nước suối để thập phương muốn xin lấy khước thì thỉnh về.

Sở dĩ có lễ rước nước và “Bà Thủy” có phần quan trọng hơn các Bà khác vì Việt Nam từ xưa vốn là một nước nông nghiệp, lương thực chủ yếu là lúa nước, mùa màng bội thu hay thất bát đều phụ thuộc vào mưa thuận gió hòa. Do đó cầu mưa thường không thể thiếu trong các lễ hội Kỳ Yên, Bà Thủy cũng chiếm phần quan trọng tại các khu vực gần sông rạch giao thông đường thủy. Còn như ở chốn chợ búa buôn bán đông đúc thì đương nhiên Bà Kim lên ngôi. Kim loại, gỗ, nước, lửa, đất đều là những chất liệu căn bản trong cuộc sống liên quan đến các nghề thông thường của nông dân, ngư dân, tiều phu, thợ thủ công nghiệp... quyền năng của Ngũ Hành bao trùm hầu hết các tầng lớp dân chúng ở xã hội cổ xưa. Tuy vậy, chỉ lên ngôi chút đỉnh khi rước Bà thôi, còn thì các Nương Nương vẫn được an vị ngang hàng nhau trên ngai, riêng Thổ là hành trung ương, nguồn gốc của vạn vật nên bà Thổ được ngồi chính giữa, to và cao hơn các bà khác.

Từ mấy ngày trước lễ, trang thờ đã được quét tước sạch sẽ, sơn phết mới mẻ, dây đèn điện màu chớp tắt được giăng mắc rực rỡ suốt đêm ngày, bàn thờ nghi ngút khói hương, hoa trái xum xuê. Dân trong xóm tự đóng góp kẻ vài chục, người vài trăm cho chi phí lễ hội. Người mang lễ đến bánh trái, xôi chè, cả heo quay, heo luộc,... hoặc mâm vàng, mâm bạc tức là những khay đựng hàng mã phất giấy kim nhũ hay ngân nhũ để cầu Bà phù hộ độ trì, người khác thì trả lễ Nương Nương đã đáp ứng cho lời cầu xin năm ngoái.

Trong hai ngày cúng đình, người dân địa phương và các nơi lũ lượt kéo đến với hoa quả bánh trái, xôi chè, cả heo quay, heo luộc,... làm lễ vật cúng tế.

Sau khi cúng chiến sĩ trận vong và cúng ngọ, từ mười hai giờ trưa trở đi bắt đầu bóng rỗi. Trên mấy chiếc chiếu trải dưới đất, ban nhạc gồm đàn cò, ghi-ta, bộ gõ và mấy bà bóng thay phiên ca liên tục lập đi lập lại nhiều lần với nội dung cầu an. Lễ Cầu An ở Nam bộ thường có sự hiện diện của bà bóng. Mặc dù thờ trọng vọng nữ thần nhưng phụ nữ chỉ chạy vòng ngoài chứ không được hành lễ. Công việc quan trọng này được giao cho các bà bóng vốn là người “tiên thiên bất túc.” Các bà nhận lãnh trách nhiệm giao tiếp giữa cõi trần với cõi hư vô vốn được coi là cõi không âm dương. Bà bóng mang những lời cầu khấn của cõi trần đi và mang thông điệp từ cõi trên về. Các bà hiện nay rất mô-đen, vào những dịp lễ trọng đại như thế này, họ mặc áo dài gấm... chít eo kiểu mới nhất, má phấn môi son kỹ càng.

Bóng rỗi cứ lai rai kéo dài đến tối thì chuyển qua hát Ðịa-Nàng. Ðó là chặp bóng tuồng, tức là kết hợp giữa bóng và hát bội. Nàng là tiên nữ Hằng Nga xuống trần gian tìm huê viên hái lộc cầu an cho dân chúng nhưng lạc đường, không biết lối về phải nhờ đến thổ địa. Ðịa nguồn gốc xưa kia vốn là mẹ Ðất, sau này chuyển sang chế độ phụ hệ mới biến thành ông. Sau khi khó dễ hồi lâu, cuối cùng ông Ðịa cũng dẫn tiên nữ đến nơi đến chốn. Nội dung chỉ tập trung chúc mừng năm mới, cầu an khang cho bá tánh thập phương, cầu tài đảo vũ. Trong bộ đồ tuồng sặc sỡ, cả hai đã quăng bắt nhịp nhàng những bài ca đối đáp rất hài hước khiến người xem cười rộ từng chập, đứng coi hoài không chán. Ðịa Nàng cứ thế muốn kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ cũng được.

Ở những đình miếu lớn, phần hoàn mãn này là Hát Bội hay Hồ Quảng, nhưng đây chỉ là một bàn thờ Ngũ Vị trong xóm lao động nghèo, lễ Kỳ yên dù thế nào cũng được tổ chức đều đặn hàng năm. Và buổi tối, khi Ðịa-Nàng múa hát dưới mấy ngọn đèn néon sáng rực, bà con chòm xóm í ới rủ rê, con nít bồng bế lũ lượt kéo nhau đi xem chen chúc. Người lách ra, kẻ chen vào trong tiếng đàn điện tử, tiếng ca hát qua micro mở to hết cỡ, tiếng cười nói ồn ào. Không khí náo nhiệt của một đám cúng đình tưởng chừng chỉ có ở những ngôi đền lớn, những đình làng của một thời xa xưa thì vẫn còn tồn tại nơi đây, rải rác khắp nơi trong lòng thành phố Saigon. Trong những góc miễu Ngũ Vị nhỏ xíu này, mạch sống văn hóa dân gian vẫn lưu chảy mạnh mẽ không ngừng.


Nguyễn Thị Hàm Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét