Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tản mạn vài ghi chép về cù lao Thới Sơn


Cù lao Thới Sơn được khai hoang cùng với tiến trình khai hoang vùng đất Nam bộ của người Việt. Theo quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, thôn Thới Sơn được thành lập vào khoảng giữa thế kỷ XVIII và nổi tiếng trù phú: "Cù lao nầy ở phía Tây đại giang Mỹ Tho, chu vi 5 dặm, bãi Tôn (tục danh cù lao Hộ) ở đằng Nam, lấy cây cao làm bình phong, đất bồi khí vượng, dân thôn Thái Sơn ở cù lao ấy". Được biết, Trịnh Hoài Đức (1765-1825) là một nhà thơ, nhà văn và là một sử gia nổi tiếng ở nước ta vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Quyển Gia Định thành thông chí của ông cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng nhất về vùng đất Nam bộ.
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng chép tương tự: "Ở phía Tây sông Mỹ Tho và phía Nam huyện Kiến Hưng, chu vi 5 dặm, bãi Tôn (tục gọi cù lao Hộ) phụ ở phía Nam, lấy cây cao làm tiêu chí, đất đai màu mỡ, cảnh tượng thịnh vượng, dân thôn Thới Sơn ở đấy".
Tài liệu Địa bạ Minh Mạng được lập năm 1836 cho biết, toàn bộ diện tích canh tác của thôn là 268 mẫu đều được trồng cau. Điều này chứng tỏ, ngay từ rất sớm, người dân Thới Sơn đã biết chuyên canh hóa nghề vườn với cây trồng chủ yếu là cau; bởi vì, cau là loại trái được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước do phong tục ăn trầu cau còn rất phổ biến lúc bấy giờ; đồng thời, trái cau còn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhất là thị trường châu Âu do cau được sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp dệt đang lúc phát triển mạnh ở đây vào thế kỷ 18.
Đặc biệt, đoạn sông Tiền chảy ngang qua cù lao Thới Sơn là nơi diễn ra trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút vang dội vào ngày 19/01/1785 của nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân Tiền Giang, tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm xâm lược cùng với 300 chiến thuyền. Trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thới Sơn là địa phương nằm trong "vành đai diệt Mỹ" Bình Đức, mà một trong chiến công chói lọi nhất của quân dân vành đai là vào ngày 09/01/1967 đã đánh chìm chiếc xáng múc Jamaica Bay - một chiếc xáng múc vào loại hiện đại bậc nhất của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á - khi đang thổi cát sông Tiền xây dựng căn cứ Đồng Tâm của sư đoàn 9 bộ binh Mỹ ở xã Bình Đức.
Dưới thời nhà Nguyễn, từ năm 1802 - 1836, thôn Thới Sơn thuộc tổng Kiến Thuận ; từ năm 1836 - 1861, thuộc tổng Thuận Trị, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Vào đầu thế kỷ XX, theo quyển Địa chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902, làng Thới Sơn thuộc tổng Thuận Trị, tỉnh Mỹ Tho với diện tích đất trồng trọt là 660 ha và dân số là 1.100 người. Theo Địa chí tỉnh Tiền Giang năm 2005, xã Thới Sơn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với diện tích tự nhiên 1.211,639 ha và dân số là 5.746 người. Đến ngày 01/9/2009, theo Nghị quyết 28/NQ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo, xã Thới Sơn thuộc TP Mỹ Tho, với 4 ấp Thới Thạnh, Thới Thuận, Thới Hòa và Thới Bình, có tổng diện tích là 1.211,64 ha, trong đó đất nông nghiệp 558,22 ha, đất phi nông nghiệp 652,13 ha, đất chưa sử dụng 1,29 ha, dân số có 5.505 người.
Từ khi cầu Rạch Miễu được đưa vào sử dụng, xã Thới Sơn ngày càng khởi sắc. Trong những ngày cuối tháng 10/2009, tin xã Thới Sơn được chọn làm nơi diễn ra chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới làm cho nhân dân cả tỉnh nói chung và nhân dân Thới Sơn nói riêng rất phấn khởi. Nếu đúng như vậy, Thới Sơn sẽ được cả thế giới biết đến; từ đó, ngành du lịch Tiền Giang và khu du lịch Thới Sơn sẽ có cơ hội vươn lên với sức bật mới vô cùng mạnh mẽ.
Thới Sơn quả là viên ngọc quý trên sông Tiền sẽ ngày càng lấp lánh, rạng rỡ, đúng như cách giải thích theo kiểu chiết tự từ "Thới Sơn" trong Địa chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902: Thới - tốt đẹp, yên vui, thịnh vượng; Sơn - núi.
Nguyễn Phúc Nghiệp

Ngọt ngào cù lao Thới Sơn

authorHuy Anh 

(Dân Việt) Cuối tuần về miệt vườn sông nước, thăm cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) để được hòa trong thiên nhiên trong lành, mát mẻ, lại được thưởng thức món trà pha mật ong từ những tổ ong trong vườn, thật không còn gì sảng khoái bằng.

   
Nét duyên miệt vườn
Nằm ở hạ lưu sông Tiền, xã Thới Sơn, ngoại thành TP.Mỹ Tho (Tiền Giang),cù lao Thới Sơn còn có tên khác là Cồn Lân. Từ nhiều năm nay, nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài muốn tìm hiểu đời sống của miệt vườn Nam Bộ. Với khách trong nước, lượng khách bán theo tour du lịch ngắn ngày dạng 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm kết hợp một số điểm tham quan khác tại tỉnh Bến Tre cũng đang tăng mạnh.
ngot ngao cu lao thoi son hinh anh 1
Xuồng đi dưới những hàng dừa nước trên kênh rạch. (Ảnh: Huy Anh)
“Điểm hấp dẫn của Thới Sơn là đến đây, bạn như lạc vào một thế giới khác, phương tiện di chuyển hợp lý nhất là xuống đò chèo xuôi theo những con rạch chạy giữa hàng dừa nước và cây bần. Nhìn lên trời xanh chỉ thấy qua kẽ lá, không khí dưới sông mát rười rượi, lại được hít hà mùi phù sa, mùi bùn non thoảng trong gió, đó là những trải nghiệm khiến nhiều du khách vô cùng thích thú” - anh Lâm Kiên - một hướng dẫn viên du lịch thuộc Công ty Du lịch Xanh cho biết.
Đến Thới Sơn, bạn sẽ được hòa nhập vào cuộc sống của người dân nơi đây khi cùng tham gia sinh hoạt với họ. Những ngôi nhà vườn lẩn khuất trong bóng vườn cây trái xum xuê, đất đai thổ nhưỡng ở đây đặc biệt thích hợp với 2 loại cây nhãn và sapoche, khi vào mùa trái chín, hương của nhãn, của sapoche bay ra ngào ngạt khắp vườn khiến bạn không thể bước chân đi mà chưa thưởng thức chúng. Chỉ với vé vào vườn 50.000 đồng, bạn sẽ được ăn no nê trái cây trong vườn và khi về, còn được mua thêm hoa quả làm quà với giá ưu đãi.
Loại hình du lịch miệt vườn vừa bán trái cây, vừa phục vụ các dịch vụ ăn uống và thưởng thức âm nhạc tài tử hiện nay đang khá phát triển ở Thới Sơn.
Các nhà vườn lớn thường thuê một nhóm nhạc tài tử từ 4-5 người để hát phục vụ theo yêu cầu của khách, dưới bóng những gian nhà chòi, du khách ngồi quanh ban nhạc và yêu cầu những bản nhạc tình ca quê hương được các nghệ sĩ miệt vườn trình bày bằng chất giọng đặc trưng phương Nam của nghệ thuật đờn ca tài tử.
“Tôi rất thích đi du lịch mà lại được thưởng thức cả văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi mình đến thế này. Ngoài nhà vườn, ở cù lao Thới Sơn còn giữ được rất nhiều nhà cổ được bài trí đúng theo lối xưa với sập khảm trai, tủ thờ cẩn xà cừ, câu đối chạm trổ sơn son thiếp vàng. Chắc chắn nơi đây sẽ là một điểm du lịch hút khách”- ông Nguyễn Tiến Thành- một du khách đến từ TP.HCM chia sẻ.
Đặc sản dân dã 
Cư dân ở cù lao Thới Sơn có rất nhiều ngành nghề truyền thống được truyền lại từ nhiều đời nay như trồng cây ăn trái, làm kẹo dừa, làm đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ từ thân cây dừa, nuôi ong lấy mật, đánh bắt thủy hải sản… Trong đó 2 nghề có nhiều nhân công lao động nhất là làm kẹo dừa và đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa. Đi trong làng, bạn có thể ngửi thấy mùi hương kẹo dừa bay ra từ các lò nấu, hấp dẫn đến độ không thể không dừng chân. Cơm dừa sau khi được chế biến qua nhiều công đoạn sẽ được trộn với một tỷ lệ bột nhất định và đưa vào sên trên những chiếc chảo lớn đặt trên lò than rực hồng. Người thợ dùng những chiếc cán vá lớn làm từ gỗ thân cây dừa, đảo qua đảo lại trong một vũ điệu vô cùng đẹp mắt. Khi chuyển sang màu nâu ngà, kẹo dừa được đổ ra khuôn và cắt, bao giấy và đóng hộp. Nếu muốn, bạn có thể tham gia vào một trong những quy trình này để trải nghiệm cảm giác làm  thợ thực thụ.
Bên cạnh đó, có rất nhiều quầy hàng bán đồ lưu niệm từ dừa để bạn tha hồ chọn lựa, thảm xơ dừa, giỏ xách kết từ lá dừa, muỗng, thìa, đũa… tiện từ gỗ dừa, những bức tượng nhỏ trang trí cũng từ vỏ dừa, thân dừa với giá chỉ từ 20.000  đồng/món.
Chỉ có đến cù lao Thới Sơn, bạn mới được thưởng thức một loại nước uống vô cùng độc đáo với sự pha trộn giữa trà, rượu thuốc, phấn hoa, mật ong và trái tắc. Ngoài ra, những món quà mang nét đặc trưng nới đây mà bạn có thể mua về làm quà như kẹo dừa, dầu dừa, rượu rắn.
  Ẩm thực ở Thới Sơn cũng rất đặc trưng của vùng sông nước như món cá nướng, lẩu cá kèo, cá lóc hấp bầu, cá tai tượng chiên xù... Ngoài ra bạn còn có thể yêu cầu các nhà vườn chế biến món gà nướng lu, gà bọc bùn nướng mọi cũng vô cùng hấp dẫn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét