Khoảng năm Quí hợi (1623) dân Đại Việt từ vùng Ngũ Quảng đã đến xứ Đồng Nai khai hoang mở ruộng mỗi ngày một đông. Thấy được mối lợi chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi) đã thỏa thuận với quốc vương Chân Lạp cho lập hai đồn thu thuế tại Sài Gòn (tức Chợ Lớn) và Bến Nghé (tức Sài Gòn). Sau đó, chúa Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền) vào đầu năm Kỷ Mùi (1679) lại lập thêm đồn Tân Mỹ tức Tân đồn cũng ở vùng đất ấy. Việc chúa Nguyễn liên tiếp lập mấy đồn thu thuế chứng tỏ xóm làng chợ phố đã trù mật sung túc.
Khoảng tháng tư năm Kỷ Mùi (1679) có khoảng 3000 người trung thành với nhà Minh vì bị nhà Thanh đàn áp nên chạy sang nước ta tỵ nạn. Họ vốn là bọn cướp biển khét tiếng ở vùng Hoa Nam, theo Trịnh Thành Công chiếm Đài Loan chống lại nhà Thanh một thời gian nên có đầy đủ chiến thuyền và khí giới. Lúc ấy ở Bắc Hà đang có biến. Những người Minh này ở từ xa mới đến, y phục ngôn ngữ bất đồng, hư thực chưa rõ, chúa Nguyễn chưa giải quyết ngay. Họ đang lúc cùng quẩn mà chạy sang nước ta, đến cửa biển Đà Nẵng bày tỏ lòng trung thực để xin được làm người dân mọn. May nhờ có quần thần bàn bạc nên đưa họ vào đất Đồng Nai vì vùng đất này đang khai phá. Do đó chúa Nguyễn cho làm tiệc an ủi, khen ngợi, cho họ nhận chức hàm cũ, rồi sai Xá sai Văn Trinh (phụ trách pháp luật) và Tướng Thần lại Văn Chiêu (phụ trách thuế vụ) đưa thơ báo tin cho quốc vương Chân Lạp rồi cho hộ tống họ vào Nam. Nhóm Tổng binh ba châu Cao, Liêm và Lôi là Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) và phó tướng Trần An Bình đến đất Bằng Lăng lập Nông Nại đại phố (cù lao Phố - Trấn Biên). Nhóm Tổng binh Long Môn là Dương Ngạn Địch và phó tướng là Huỳnh Tấn đến Mỹ Tho lập Mỹ Tho đại phố. Họ qui tập thuyền buôn các nước Tây Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Việt, Đồ Bà (Java)... tới lui buôn bán tấp nập. Mấy năm sau kinh tế Mỹ Tho phát triển nhanh chóng, nên vào năm Mậu Thìn (1688) tháng sáu, đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (chúa Ngãi), phó tướng Long Môn là Huỳnh Tấn nổi lòng tham lam, giết chủ tướng Dương Ngạn Địch rồi dời quân đến xứ Nam Khê (xứ rạch Năn, nay thuộc vùng Vàm Cỏ) chiếm cứ vùng hiểm yếu, đắp lũy, đóng chiến thuyền, đúc đại bác, không cho thương nhân qua lại, cướp bóc người địa phương và cầu viện Chân Lạp. Phó vương Chân Lạp báo cáo, tháng mười năm ấy chúa Nguyễn liên tiếp sai Thống suất Mai Vạn Long, rồi Cai đội Nguyễn Hữu Hào cùng nhiều quân tướng đánh dẹp, dụ được Huỳnh Tấn và giết chết tại Rạch Gầm. Sau đó chúa Nguyễn giao quân Long Môn cho Tổng binh Trần Thượng Xuyên quản lý. Họ Trần nhập hai toán quân ở Nông Nại và Mỹ Tho rồi chia ra đóng tại rạch Cái Cá (Ngư Khê) cù lao Giêng.
Mỹ Tho đại phố là một thương cảng xuất nhập khẩu hàng hóa. Nằm dọc theo sông Tiền hễ nơi nào có đông cư dân là có những khu thị tứ vệ tinh như Chợ Gạo, Bến Chùa, Cái Bè, Long Hồ, Sa Đéc, Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, Tân Châu, Châu Đốc, và lên tận các khu thị tứ của Chân Lạp. Những khu thị tứ này làm nhiệm vụ cung cấp những mặt hàng nông sản, thổ sản cho Mỹ Tho đại phố xuất khẩu đồng thời cũng nhận hàng hóa của nước ngoài được Mỹ Tho đại phố phân phối và bán cho người tiêu dùng.
Tuy gọi là "đại phố" nhưng Mỹ Tho lúc bấy giờ có chừng hơn trăm căn phố vựa hàng nằm dọc theo hai con đường (nay là đường Nguyễn An Ninh và đường Nguyễn Huỳnh Đức) ngó mặt xuống vàm Mỹ Tho (rất tiếc đoạn vàm rạch này đã bị lấp năm 1935-1936). Dãy phố phía Đông nằm trên địa phận thôn Mỹ Chánh rất sung túc, lưng dựa vào Gò Cát. Năm Nhâm Tý (1792) chúa Nguyễn xây thành Trấn Định tại Gò Cát, các thương nhân cũng xây Toàn Bửu hội quán làm trung tâm giao dịch. Dãy phố phía đông nằm trên một cù lao (cù lao Cầu Dài) trên địa giới thôn Điều Hòa, việc qua lại khá bất tiện nên kho vựa thưa thớt hơn. Hai thôn Điều Hòa và Mỹ Chánh là hai thôn sung túc vào bậc nhất nhì của vùng đất này. Phía hậu, cộng đồng cư dân Hoa Việt ở lẫn lộn. Họ thường làm nghề nông: làm ruộng, làm vườn,... đặc biệt là trồng cau để chế biến xuất khẩu. Tại Mỹ Chánh có nghề làm vôi ăn trầu, nấu rượu. Tại Điều Hòa đặc biệt có hai xóm Minh Hương làm nghề đánh cá, một xóm Việt làm nghề đưa đò, đi trạm... Theo Gia Định thành thông chí tại Gò Cát có nhiều nhà nấu rượu. Rượu Gò Cát được bán tận kinh đô, nổi tiếng ngon.
Tại đại phố có chợ Mỹ Tho (chợ Cũ) ngó ra vàm Cầu Kè, có từ thời Dương Ngạn Địch. Đến năm 1826 đời Minh Mạng, nhà Nguyễn xây thành Định Tường trên đất Điều Hòa và Bình Tạo, ông Dương Văn Tuyên đã xây thêm một ngôi chợ Mỹ Tho mới (chợ Mới) bên cạnh nên có tên là chợ Tân Thành (địa điểm tại chợ Mỹ Tho ngày nay).
Rạch Mỹ Tho có hai vàm nên trong bài thơ "Mỹ Tho tức cảnh" của Học Lạc có câu:
Lớn ròng chung rạch chia đôi ngã
Cũ mới phân ranh cũng một đò.
Đoạn vào Mỹ Tho tả (bên trái) cong và nhỏ hơn vàm Mỹ Tho hữu (bên phải), nhưng rất quan trọng vì là một cái ụ ghe khổng lồ của Mỹ Tho đại phố. Trịnh Hoài Đức cho biết thuyền buôn các nước đã đến Mỹ Tho như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn. Khi đến nơi thì thuyền phải vào ụ, thả neo, rồi lên bờ mướn phố (khách sạn) ở tạm. Sau đó chủ thuyền buôn đã đến nhà chủ vựa - chủ chành (tức chủ hóa sạn) giới thiệu hàng hóa, nhờ chủ vựa kê khai toàn bộ trình sổ thuế. Chủ vựa thương lượng giá cả mua sỉ toàn bộ hàng hóa tốt xấu không còn sót món gì. Từ khi có Toàn Bửu hội quán thì có Ban Trị sự làm trung gian giới thiệu. Đến ngày trương buồm về nước, nếu chủ thuyền muốn mua thứ gì thì cứ kê khai trước, người chủ vựa theo đơn đặt hàng mua giùm, chủ khách đều tiện. Thanh toán hóa đơn rõ ràng rồi, khách cứ đàn hát vui chơi, được nước ngọt sạch sẽ lại chẳng lo trùn hà ăn thủng ván thuyền, chỉ đợi tới ngày lui thuyền chở hàng đầy khoang mà về xứ. Thuyền buôn các nước tới lui tùy theo mùa gió. Thường họ đến vào mùa xuân, thuận theo gió Đông Bắc. Qua mùa hạ thuận theo gió Nam mà về. Nếu cuốn buồm đậu lâu quá, từ Thu sang Đông gọi là "lưu Đông".
Thuyền buồm các nước thời bấy giờ đều làm bằng gỗ nhẹ và mỏng, do đó muốn vững vàng khi ra khơi thì phải chất các loại hàng nặng cồng kềnh ở khoang dưới, còn các loại hàng nhẹ thì chất khoang trên. Thuyền buôn các nước thường chở đến Mỹ Tho đại phố các loại hàng có giá trị cao và nhẹ như tơ sợi, vải bố, giấy mực, dược liệu, đồ sành sứ.... do đó ở khoang dưới thường chất thêm gạch đá, kim loại và lu chứa nước. Khi về, thuyền buôn thường mua gạo nếp, cau khô, gỗ quí... và bên trên thường chở thêm ngà voi hoặc một số dược liệu đặc biệt như Hậu phác, Đậu khấu hoặc một số cây cỏ làm thuốc nhuộm như chàm, vỏ già, vỏ đước...
Mỹ Tho đại phố là một trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa, là một phố thị trung tâm có nhiều vệ tinh xung quanh. Sự thành hình và phát triển Mỹ Tho đại phố tùy thuộc vào sự hình thành và phát triển kinh tế của vùng đất đồng bằng vừa mới khai phá. Tuy nhiên, nhiều lần kinh tế Mỹ Tho đại phố bị suy sụp do chiến tranh, do thù trong giặc ngoài... Lần thứ nhất vào năm Mậu Thìn (1688) do Huỳnh Tấn nổi loạn. Lần thứ nhì do quân Xiêm xâm lược vào năm Ất Tị (1705) và lần thứ ba do chiến trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785.
Có thể nói Mỹ Tho có vị trí trung tâm nên nước ngoài nhiều lần muốn đánh chiếm, định cắt đứt vùng đất nầy thành hai mảnh để dễ dàng thôn tính. Thế nhưng sau mỗi lần suy thì Mỹ Tho đại phố lại được khôi phục.Sau đó, vào khoảng năm Nhâm Tý (1792), theo Gia Định Thành thông chí thì hai đại phố nầy có khôi phục nhưng không bằng trước. Vì vậy về sau các sử gia thường qui tội cho Tây Sơn. Thực tế, vào giai đoạn nầy lực lượng của Nguyễn Ánh ở tại Gia Định rất mạnh, tình hình an ninh đảm bảo nên các chủ vựa giàu có ở Mỹ Tho hoặc Trấn Biên đều rút về Sài Gòn đại phố (nay gọi là Chợ Lớn). Thỉnh thoảng cũng có thuyền buôn đến Mỹ Tho hay Trấn Biên nhưng ở đây không còn người mua sỉ, bán sỉ, bắt buộc họ phải tự đi bán lẻ, nhiều phiền phức. Tiếp theo, nhà Nguyễn lại áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng, không buôn bán với người nước ngoài, trừ Trung Quốc. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà Nguyễn lại lập ải Mỹ Tho, có tính chất ngăn sông cấm chợ, nhưng sau đó cảm thấy bất ổn nên vào đầu năm 1848, đời Tự Đức lại bãi bỏ. Tuy nhiên do kẻ hở của luật pháp, hai quan đầu tỉnh Định Tường lúc bấy giờ là Tuần phủ Đỗ Quang và Án sát Lê Văn Thành đã che chở cho bọn lái buôn người Tàu làm bậy, bị Hội đồng xử cách chức, đánh đòn và lưu đày.
Đến đời Pháp thuộc, Mỹ Tho vẫn còn là "đầu đường sáu tỉnh", là đầu mối của ga xe lửa đến từ Sài Gòn và bến tàu thủy đi miền Tây, đi Campuchia, tuy nhiên vị trí trung tâm xuất khẩu đã chuyển về vùng Chợ Lớn.
Trương Ngọc Tường
Đồn Mỹ Tho - Thành Trấn Định
Nguyễn Ngọc Huy
Sau nhiều biến cố, năm Nhâm Tý (1792) Mỹ Tho lại trở thành trung tâm kinh tế thương mại sầm uất. Nhận thấy chợ Mỹ Tho đã trở thành một trung tâm kinh tế chính trị thật sự, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho dời lỵ sở dinh Trấn Định từ giồng Kiến Định về Mỹ Tho thuộc thôn Mỹ Chánh nhưng nhận thấy nơi này chưa có thành trì che chở nên chúa Nguyễn Phúc Ánh hoàn thiện nó bằng việc cho xây thành Trấn Định "Thành là chỗ để ngăn quân bạo ngược, giữ yên cho dân, tất phải có vách cao, hào sâu, phòng sự bất ngờ, ấy là việc lớn tốt vậy".
Thành Trấn Định đắp tại địa phận làng Mỹ Chánh, tổng Kiến Hòa, huyện Kiến An. Thành này do ông Trần Văn Học vẽ theo kiểu thành Vauban của Tây Âu nhưng ứng dụng Dịch lý của phương Đông trong việc xây thành trì.
Hình dạng tòa thành.
Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức: Đồn Mỹ Tho (thành Trấn Định) được đắp bằng đất có "dạng hình vuông, chu vi 998 tầm, có mở hai cái cửa ở phía tả và phía hữu, nơi cửa có cầu treo bắc ngang hào, hào rộng 8 tầm, sâu 1 tầm, bốn mùa nước ngọt có nhiều tôm cá, dưới cầu có dòng nhỏ để thông với sông lớn Mỹ Tho, ngoài hào có đắp lũy đất, có cạnh góc lồi lõm như hình hoa mai, chân lũy mặt tiền ra 30 tầm thì đến sông lớn. Trong đồn có kho gạo, kho thuốc súng, trại quân và súng lớn, tích trữ đầy đủ, nghiêm túc, mặt sông rộng lớn. Năm Giáp Dần 1794 trên đồn có đặt súng lớn,...". Theo sách Đại Nam Thực Lục (1): Tháng Giêng Nhâm Tý 1792, vua (chúa) sai đắp Thành Mỹ Tho. Thành được đắp bằng đất, góc thành có dạng như hoa mai, chu vi 499 trượng, phát quan quân các dinh đến ứng dịch, vua ngự đến xem.... Còn theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, phần tỉnh Định Tường (2) ghi rằng: "Bảo cũ Mỹ Tho ở địa phận huyện Kiến Hòa, cách lỵ sở tỉnh Định Tường chừng một dặm về phía Đông. Chu vi chừng 4 dặm, mở hai cửa tả hữu. Hào rộng 4 trượng, ngoài cửa có bắc cầu treo. Ngoài cửa hào có dạy đắp bằng đất có góc như hình con hổ. Bảo được dựng từ năm Nhâm Tý (1792) đầu đời trung hưng, nay bỏ, dấu cũ vẫn còn."
Theo như sử liệu của hai sách đã dẫn, và dựa vào cách quy đổi hệ thước đo của thời kỳ này ra hệ mét là 1 thước ta bằng 0,487(3) mét thông qua số đo quy đổi ra hệ mét của tòa thành Bát Quái (thành Quy Gia Định) được in trong sách "Địa chí Văn hóa TP.HCM" nhân kỷ niệm "Sài Gòn 300 năm" do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chấp bút, ta có thể tính ra một cách tương đối số đo của thành Trấn Định này vì thành Trấn Định là ngôi thành thứ nhì (sau thành Bát Quái Gia Định) được xây thời chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Chu vi : 998 tầm (4) X (5 thước x 0,487m) = 2.430,13 m
Tính ra mỗi cạnh khoảng 607,53 mét
Với cách quy ra mét này, ta nhận thấy số liệu của sách Gia Định thành thông chí có số đo thành vuông Trấn Định nhỏ hơn thành Quy ở Gia Định (chu vi thành Quy: 2555,78 m, mỗi cạnh khoảng 638,94 m = 131 trượng 2 thước). Khi ấy Gia Định là kinh đô ở trong Nam, mà Mỹ Tho thì chịu sự cai quản của Gia Định nên phải xây nhỏ hơn thành ở kinh đô khoảng 30 mét mỗi cạnh.
Vậy thì số đo của sách Đại Nam Thực Lục nói điều gì:
Chu vi thành: 499 trượng X (10 thước ta X 0,487m) = 2430,13 m
Tính ra mỗi cạnh khoảng 607,53 mét.
Vậy thì dù cho cả hai sách dùng hai đơn vị đo là tầm... hay "trượng" đều đúng với so đo quy ra mét của thời nay với mỗi trượng = 4,87 mét hay mỗi tầm = 2,435 mét.
Điều này hợp lý, tính theo số liệu của Đại Nam Thực Lục, ta thấy thành Trấn Định chỉ nhỏ hơn tòa thành Quy (thành Bát Quái) ở Gia Định khoảng 30 mét mỗi cạnh. (cạnh thành Quy dài: 638,94 m, và cạnh thành Trấn Định dài 607,53 m). Vả lại, cụ Trần Văn Học mới vẽ đồ bản để xây thành Bát Quái có hai năm trước đấy thôi (1790), hai năm sau cụ sử dụng lại số liệu bản vẽ cũ của chính mình, chỉ chỉnh sửa cho nhỏ hơn chút ít và đắp tường thành thẳng chứ không lồi ra lõm vào như thành Bát Quái, chỉ cần cho chu vi của thành Trấn Định nhỏ hơn thành Bát Quái ở kinh đô là được.
Thành Trấn Định có dạng hình vuông, có mở hai cái cửa ở phía trái và phải, nơi cửa có cầu treo bắc ngang hào, hào rộng 8 tầm (19,48 m), sâu 1 tầm (2,435 m). Bốn mùa nước ngọt có nhiều tôm cá, dưới cầu có dòng nhỏ để thông với sông lớn Mỹ Tho. Ngoài hào có đắp lũy đất, có cạnh góc lồi lõm như hình hoa mai, chân lũy mặt tiền ra 30 tầm (73,05 m) thì đến sông lớn.
Còn số đo của sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: chu vi thành khoảng 4 dặm, Hào rộng 4 trượng (x 4,87 m) = 19,48 mét.
Như vậy về quy mô, thành Trấn Định xây vừa nhỏ hơn vừa đơn giản hơn so với thành Bát Quái ở Gia Định Kinh. Chỉ có 2 cửa Tả và Hữu so với 8 cửa của thành Bát Quái. Có cầu treo bắc ngang hào nước.
Hào thành Trấn Định chỉ rộng 19,48 m (8 tầm) hoặc (4 trượng) so với 75,49m (15 trượng 5 thước) của thành Bát Quái và Hào chỉ sâu 2,44 m (1 tầm) so với 6,82 m (15 thước) của thành Bát Quái. Vị trí của thành vuông Trấn Định này nằm lọt vào trong khu vực ngày nay là đường Nguyễn Huỳnh Đức (Quan lộ xưa). Học Lạc, Lộ Ma và vắt qua Đinh Bộ Lĩnh ra đến gần bờ sông Tiền. Qua chuyến đi tìm hiểu thực tế tại phường 8, Miễu Bà Cố tại hẻm khu phố 3, đường Học Lạc xưa là bên ngoài hào thành thuộc góc thành Tây Bắc. Còn góc thành Đông Nam là ngã ba Sở Rác giáp với Nguyễn Văn Nguyễn (Tạ Thu Thâu cũ) và Đinh Bộ Lĩnh (5). Còn một phần Trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (Trường Mỹ Phúc cũ) thì nằm trên một phần hào thành phía Đông Nam xưa. Khu vực này bị bỏ hoang và còn tồn tại đến đầu những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước với cỏ dại, cây cối um tùm và nhiều rắn rết, chỉ bị san ủi phát quang khi chính quyền cũ cho nối dài lộ Học Lạc và xây Cư Xá Kiến Thiết từ năm 1964 - 1965. Nhưng cả hai sách đều không ghi tường thành cao bao nhiêu hay dầy bao nhiêu (6).
Từ khi vua Minh Mạng lên ngôi, năm 1826 vua cho dời lỵ sở Trấn Định từ làng Mỹ Chánh qua làng Điều Hòa và Bình Tạo bằng cách cho đắp một thành mới có chu vi nhỏ hơn. Từ đó, thành Trấn Định trở nên hoang phế.
Tài Liệu Tham Khảo:
1/ Gia Định Thành Thông Chí Trịnh Hoài Đức. Do Hậu Học Lý Việt Dũng dịch, NXB Đồng Nai xuất bản 2005.
2/ Đại Nam Thực Lục_ Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Tập 1 do Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đào Duy Anh _ tổ phiên dịch Viện Sử Học dịch.
3/ Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (từ năm 1757 1945) của tác giả Nguyễn Duy Oanh. Tủ sách sử học_Phủ Quốc vụ Khanh Đặc trách Văn hoá Sài Gòn, xuất bản 1971.
4/ Địa chí Văn Hoá TP.HCM. Do GS Trần Văn Giàu chủ biên, phần Lịch sử do Nguyễn Đình Đầu chấp bút. NXB TPHCM_xuất bản 1987.
5/ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của. Do nhà in Imprimerie Rey, Curiol & Cie. in năm 1895 tại Saigon.
6/ Lịch sử Đảng Bộ phường 8 Mỹ Tho.
7/ Tờ Đoạn mại bằng chữ Hán thị thực năm nhâm Thân (1872) của gia tộc Họ "Đoàn Hữu" hiện do cô Huỳnh Thị Xuân Hồng giữ, đường Nguyễn Huỳnh Đức KP3, P2 Mỹ Tho.
8/ Bản đồ: Carte Topographique de la province de Mytho & LLLLArrondissement 1885. tỷ lệ 1/100.000.
9/ Bản đồ Mỹ Tho và Mỹ Chánh bản L 8021 tờ 76 51. tỷ lệ 1/10000. xuất bản 01/1972.
-----------------------------------------
(1) Đại Nam Thực Lục, Chính Biên, đệ nhất kỷ, quyển VI, bản dịch của Viện Sử Học, Tập Một, tr 271.
(2) ĐNNTC, tập 5, do NXB Thuận Hoá in 2006, mục tỉnh Định Tường, phần cổ tích trang 124
(3) Theo sách "Địa chí Văn Hoá TP.HCM" in năm 1987, phần Sài Gòn phát triển trong thời các chúa Nguyễn (1698 1801) tr 179 của TG Nguyễn Đình Đầu chấp bút. Ông dưa theo sach quan chế của Paulus Huỳnh Tịnh Của _ 1888, Tự điển của Tabert 1838 có dẫn lại tự điển của Bá Đa Lộc viết về thước mộc thời này là 0,487 mét. Mà 10 thước là 1 trượng nên 1 trượng = 4,87 mét.
(4) Theo Tự Điển "Đại Nam Quốc Âm Tự Vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của in năm 1895 tại Saigon do nhà in Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Trang 950, có 2 từ "Tầm", từ "Tầm" đầu tiên giải thích: "Đồ đo dài bằng năm thước mộc". Vậy thì một Tầm = 5 thước mộc = 5 thước ta. Bài này chọn Tầm bằng năm thước ta.Còn tham khảo hầu hết các sách tự điển như Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị, Khai Trí xuất bản 1967. Hán Việt từ Điển của Đào Duy Anh,... đều giải nghĩa từ "Tầm" : Tám thước (Xích) là một Tầm.
(5) Theo Lịch sử Đảng bộ phường 8 Mỹ Tho:thì dấu vết thành Trấn Định xưa toạ lạc trên một phần khu phố 3, 4, 5, 7 thuộc địa bàn phường 02 và 08 ngày nay
(6) Chỉ có thể phỏng đoán tường thành cao khoảng 3,5 mét đến 4,5 mét mà thôi, độ cao này tham khảo thành cổ Diên Khánh xây 1793, sau thành Trấn Định 1 năm..
Mỹ Tho - và những bến xe xưa...
"...Đời người ai cũng một lần ra đi,
chuyến đi có thể trở về là nơi bến xe.
Còn chuyến đi - có khi - mãi mãi không về là
... đường ra mặt trận..."
Là người dân của thị xã Mỹ Tho từ những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, ai cũng biết Mỹ Tho xưa có rất nhiều bến xe lớn, nhỏ. Các bến xe này nằm ở các địa điểm mà khách có thể dễ dàng tìm đến khi muốn làm một cuộc hành trình đi các nơi.
Bến xe lớn nhất Mỹ Tho lúc đó nằm ở trung tâm Phường 4 (tức Chợ Phường 4 bây giờ), phía Bắc giáp sông Bảo Định, nơi có lò bánh mì Minh Cảnh từng là điểm tập kết của bộ đội ta trong chiến dịch Mậu Thân, phía Nam giáp đường Nguyễn Tri Phương (Ấp Bắc bây giờ); còn hai hướng Đông và Tây lúc đó là khu nhà của dân. Bến xe khách Mỹ Tho ngày ấy có nhiều loại xe để phục vụ khách hàng, có thể kể đến xe đò hiệu DESOTO của các hãng xe Ngọc Châu, Á Đông, Thuận Thành...còn xe "lô" thì có hãng xe Minh Chánh, với những chiếc xe lô hiệu FORD, thấp lùn, to ngang và chạy rất đúng giờ, không ngừng dọc đường để rước khách. Ở đường Trần Hoàng Quân (Tết Mậu Thân bây giờ) cũng có một bến xe khách nữa, nó nằm ngay vị trí trụ sở của tòa soạn báo Ấp Bắc hiện nay (đây cũng là điểm tập kết và tiến công của bộ đội ta trong chiến dịch Xuân Mậu Thân lịch sử). Xuôi về chợ Cũ, trên đường Nguyễn Huỳnh Đức (đường vào "Bến tắm ngựa" ở Phường 2), có một bến xe đi tuyến Mỹ Tho - Chợ Gạo (chỉ tới bến phà Chợ Gạo, khách muốn đi tiếp thì sang sông rồi đi xe tuyến Chợ Gạo - Hòa Đồng, hay Chợ Gạo - Gò Công tùy ý), bến này có đủ cả xe Lam, xe đò nhỏ và cả...xe ngựa (nhưng phần nhiều là xe Lam). Những chiếc xe Lam ngày xưa cũng nhiều loại, có chiếc Lambro 350 mui kín còn sử dụng đến bây giờ, lại có loại xe Lambro 350 mui hở, phần chỗ ngồi của tài xế chỉ có một miếng bạt nhô ra, che trên đầu bác tài thôi (loại này bây giờ hầu như không thấy nữa!). Ngày xưa, những khi về quê ngoại, tôi thường đi xích lô xuống bến xe chợ Cũ, đi xe Lam về quê mà chỗ ngồi "ưng ý" nhất của tôi thường là...bên cạnh bác tài, vì ngồi ở đó có thể nhìn ngắm thỏa thuê suốt lộ trình mình đi, khoái phải biết! Sau khi cầu Chợ Gạo (bắc ngang qua rạch Kỳ Hôn) được đưa vào sử dụng, thì có thêm tuyến xe Mỹ Tho - Gò Công tên gọi là Công-Mỹ, chủ yếu chở khách bằng loại xe FORD nhỏ, sức chứa chừng 10 - 15 người, chạy tốc hành. Ngược về phía Tây, trên con đường nằm cạnh giếng nước nhỏ (bên hông Trung tâm Văn hóa - Thông Tin Tiền Giang bây giờ) cũng hình thành một bến xe Lam, chạy tuyến Mỹ Tho - Bình Đức và ngược lại. Đời người, hình như ai cũng một lần có dịp ra bến xe, nếu mình không đi thì cũng là tiễn ai đó ra đi. Bến xe vô tình làm một chứng nhân thầm lặng cho biết bao cuộc chia tay, bao cuộc trùng phùng của người đi, kẻ ở. Hồi còn nhỏ, chúng tôi rất thích - bây giờ nhớ lại còn...mắc cỡ - ngửi mùi khói xăng của xe! Nó say say, nồng ấm chúng tôi đặt cho nó cái tên là mùi "lên đường", vì mỗi khi ngửi được mùi xăng xe này thì dứt khoát phải có người ra đi, đi về đâu chỉ có họ mới biết! Nhưng đâu phải ai cũng khoái cái mùi này, có nhiều bà, nhiều chị lỡ ngửi phải mùi khói xe là nôn thốc, nôn tháo ra... Nói đâu xa, bà chị của tôi mỗi lần về quê ngoại, lên xe Lam là cứ "ụa" liền tù tì, thế nên, sau này mỗi khi có việc gì phải về quê, tôi thường đi một mình, khoái hơn vì vừa được "tự do" không bị nhắc nhở, ràng buộc bởi bà chị cứ luôn miệng "...ngồi cho vững, ngồi xích vô trong, coi chừng té..." nghe phát mệt!
Bây giờ, bến xe khách Mỹ Tho đã được dời tuốt ra ngoại ô thành phố, nơi bến xe cũ bây giờ là chợ Phường 4 sầm uất, mua bán tấp nập. Còn các bến xe Lam ngày xưa bây giờ không còn tồn tại, cũng như xe Lam bây giờ thi thoảng mới thấy một chiếc cũ xì, cũ mèm, máy nổ như sấm nổ, phun khói đen ô nhiễm môi trường mỗi khi vận chuyển. Cũng thi thoảng mới thấy một chiếc xe Lam "Tuk-Tuk" nhập từ Thái Lan về, cũng giông giống như xe Lam cũ ngày xưa, chỉ có cái mới hơn và máy nổ êm hơn một chút vậy thôi! Đôi lúc, muốn tìm một chiếc xe Lam để ngồi trên đó, nhớ lại cái kỷ niệm một thời ấu thơ nhưng nào có được, xe Lam bây giờ đâu còn làm cái nhiệm vụ đưa rước khách lũ hành, có còn chăng chỉ là trong ký ức một thời tuổi nhỏ mà thôi!...
Hoàng Đức
Chút hoài niệm về bến phà Rạch Miễu
Ngày 20/8/2008, cầu Rạch Miễu chính thức hợp long 2 nhịp chính của cầu, nối 2 bờ sông Tiền bao đời nay ngăn cách xứ dừa Bến Tre với đất Mỹ Tho, và ngày 19/01/2009, cây cầu lịch sử nối hai bờ . chính thức khánh thành đưa vào sử dụng. Điều nầy đồng nghĩa với việc phà Rạch Miễu chấm dứt vai trò của nó. Niềm vui tràn ngập song cũng không khỏi chạnh lòng với Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch liêu....
1. Phà Rạch Miễu được lập vào những năm đầu thế kỷ 20. Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong xuất bản năm 1909 có câu:
Qua sông Rạch Miễu có đò
Mỗi ngày hai chuyến vô ra hoài hoài
Phà Rạch Miễu lúc bấy giờ là một chiếc sà lan do mấy chục người hì hục chèo. Phía bên kia là Rạch Miễu, thuộc làng Tân Thạnh, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (sau năm 1945 mới nhập vào Bến Tre). Còn phía bờ bên này là đầu đường Général de Castelneu (nay là đường Nam Kỳ Khởi nghĩa). Bấy giờ xe cộ chưa nhiều, mỗi ngày chỉ có hai chuyến qua lại, chuyên chở xe kiếng, xe kéo của đám quan lại quyền quí, còn khách bộ hành chủ yếu đi bằng đò bơi, đò chèo. Khoảng năm 1924, chiếc sà lan chèo mới được thay thế bằng những chiếc phà chạy bằng động cơ.
Bến tàu Mỹ Tho năm 1925
|
Mặc dù suốt thời Pháp thuộc, phà Rạch Miễu hoàn toàn nằm trong phần đất của Mỹ Tho, nhưng sách vở, tài liệu của Pháp viết về Mỹ Tho lại không thấy nhắc đến. Có lẽ chính quyền thực dân cho rằng nó không có vị trí quan trọng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 1975, cầu Bắc dời về địa điểm mới. Tại chỗ nầy, vào năm 1966, chính quyền Sài Gòn thực hiện kế hoạch "cào nhà gom dân", cất một ngôi chợ khá khang trang lấy tên là chợ Thanh Bình, dân gian gọi là chợ Đồng Sanh, đồng thời cũng đã có kế hoạch dời cầu Bắc về đây nhưng không thành. Cầu Bắc không dời được, chợ cất rồi nhưng vẫn vắng hoe, không ai tụ tập mua bán. Cái tên Đồng Sanh là tên của một chiếc tàu thủy đưa rước khách khá quen thuộc đối với bà con Mỹ Tho. Nguyên vào đêm 23 tháng giáp Tết, đầu năm 1932, tàu Đồng Sanh gặp sự cố tại vàm Giao Hòa (ngang Chợ Gạo) làm hàng trăm người chết, có một số xác chết không thân nhân nhìn nhận buộc nhà đương cuộc phải đem chôn cất trên một cái gò cao ráo, dân gian gọi là nghĩa địa Đồng Sanh.
2. Khu vực chợ Đồng Sanh xưa từng là nơi tôn nghiêm đạo đức, cửa Khổng, sân Trình. Đó là nhà Tỉnh học Định Tường, dân gian gọi là nền văn, là cơ sở giáo dục của tỉnh Định Tường thời phong kiến.
Nhà tỉnh học Định Tường được thành lập năm Minh Mạng thứ 7 (1826), gồm có khu Văn miếu thờ Khổng tử cùng các vị Tiền hiền và là nơi giảng dạy, học tập. Thời Tự Đức nơi nầy thuộc thôn Bình Tạo, tổng Thuận Trị, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An. Dưới nhà tỉnh học Định Tường có nhà phủ học Kiến Tường ở Mỹ Trà (Cao Lãnh), nhà phủ học Kiến An (Tân Hiệp - Châu Thành) nhà huyện học Kiến Đăng ở làng Mỹ Trang (Cai Lậy) và nhà huyện học Kiến Hòa ở Tân Hóa (Chợ Gạo).
Học trò nhà tỉnh học được nhiều ưu đãi. Học trò ở đây được gọi là học sinh để phân biệt với học trò trường khác, đồng thời được cấp học bổng, lương thực sách vở. Tuy gọi là học trò song thực tế có nhiều người râu tóc đã bạc, vợ con "đầy đàn đầy đống" vẫn phải cắp sách đến trường. Học trò trường tỉnh học còn được ưu đãi nữa là nếu đã 40 tuổi mà đậu hai khoa tú tài thì được đặc cách cho thực tập rồi tùy thực tế mà bổ sung vào "chốn quan trường", trong khi thông lệ qui định tú tài còn phải xách mâm chạy hiệu, tức làm học trò lễ khi có đình đám. Tuy vậy nhưng trong thực tế hạng nầy không có bao nhiêu người. Đơn cử, vào năm Tự Đức thứ 6 (1853) cả tỉnh Định Tường chỉ có 15 người được chọn vào ngạch học sinh. Người đời sau chỉ biết có Học Lạc ở Thuộc Nhiêu, Học Trung ở Ba Dừa và Học Điềm ở Trà Lọt...
Phía trong nền văn là đàn Xã tắc. Đàn xã tắc là nơi thờ thần Đất và các thổ thần, địa kỳ. Đàn xây dựng năm Minh Mạng thứ 14 (1833), cửa quay về hướng Bắc. Xây dựng cùng lúc với đàn Thần Nông ở làng Điều Hòa, nhưng đàn Xã tắc qui mô hơn. Đàn có các tầng: tầng trên thờ trời nên có hình tròn, tầng dưới thờ đất nên có hình vuông.
Qua khỏi phà Rạch Miễu khoảng một cây số về hướng xã Bình Đức, phía bên trái có một ngôi miếu, xung quanh lỏng chỏng vài viên đá cổ, đó là di tích của miếu Hội Đồng. Nguyên thủy, miếu được xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808) tại thôn Mỹ Chánh huyện Kiến Hòa. Đến năm 1842, đời Thiệu Trị miếu được dời về đây (tức thôn Bình Tạo huyện Kiến Hưng). Đầu tiên ngôi miếu bằng gỗ, lợp tranh, đến đời Thiệu Trị, Tự Đức mới lợp ngói, theo thiết kế: Chính đường ba gian hai chái, Tiền đường năm gian hai chái.
Miếu Hội đồng là ngôi miếu thờ chung các vị thần nam nữ được sắc phong từ thượng đến trung, hạ đẳng được thờ ở các đình làng trong tỉnh. Theo Đại Nam Hội điển sự lệ, vào các đời Thiệu Trị và Tự Đức, miếu Hội Đồng Định Tường được cấp 64 đạo sắc phong tặng cho 32 thần hiệu. Miếu Hội Đồng có 2 Tự thừa quản lý và 20 miếu phu trông nom, quét dọn. Hàng năm xuân thu nhị kỳ, các quan đầu tỉnh phải tổ chức tế lễ long trọng. Đến thời Pháp thuộc, cơ sở tín ngưỡng nầy bị quên lãng. Sắc phong dời về Mỹ Chánh và Phú Hội. Đất đai do người pháp chiếm đóng, Sơn hà không còn thì Xã tắc cũng không lấy chi làm bền vững. Vì không có mái che và không người bồi đắp nên đền Xã tắc bị hư hoại rất nhanh. Hội tề làng Bình Tạo sung phần đất nầy vào công thổ. Nhưng mấy chục năm sau, nhiều người vẫn còn nhớ di tích của tiền nhân, không ai dám lĩnh canh phần đất ấy. Suốt thời gian Pháp thuộc, nền miếu Xã tắc vẫn còn là mảnh đất hoang vu.
Do ít được chăm sóc nên ngôi miếu bị xuống cấp dần cho đến khi thành lập Khu công nghiệp Mỹ Tho thì được di dời sang một điểm gần đó. Hiện nay miếu được tôn tạo bằng nguyên vật liệu hiện đại, nhưng ít ai còn nhớ truyền thống cũ. Mấy năm trước, bà con trong vùng còn lưu giữ được tấm biển hiệu của ngôi miếu. Tấm biển khắc ba chữ Hội đồng miếu, hai bên có dòng lạc khoản cho biết tấm biển nầy được làm lúc dựng ngôi miếu, tức năm 1808. Hiện nay tấm biển nầy không biết lưu lạc nơi nao.
Nhà tỉnh học Định Tường cũng chung số phận. Học sinh nhà tỉnh học, kẻ theo nghĩa quân, tham gia các cuộc khởi nghĩa Thủ Khoa Huân, Trần Xuân Hòa, người chán nản trở về quê làm nghề bốc thuốc trị bệnh giúp dân, hoặc mở trường dạy học. Các quan giáo học cũng có người tham gia vào hàng ngũ kháng chiến, ví dụ như đốc học Mạc Như Đông đã vào quân thứ Chí Hòa ngay từ những ngày đầu.v.v...
Nguyễn Ngọc Phan
Xe lửa Mỹ Tho
Trước nay, khi đề cập đến lịch sử thành phố Mỹ Tho, đặc biệt là lịch sử giao thông của thành phố dưới thời Pháp thuộc, chúng ta thường chỉ nghe nhắc nhiều đến tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Vấn đề này ít được nghiên cứu, hơn nữa các tài liệu lại tản mác, không thống nhất. Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn phác họa lại phần nào diện mạo lịch sử giao thông của một giai đoạn khá sôi động của thành phố Mỹ Tho qua việc hình thành và phát triển xe lửa Mỹ Tho.
Từ năm 1874, kỹ sư trưởng Giám đốc Sở Công chánh Nam Kỳ Eyriand de Vergnes đã chủ trương xây dựng một tuyến đường sắt chạy từ Sài Gòn sang Phnom Penh (Campuchia) qua ngõ Tây Ninh và Preyveng, nhưng dự án này không thực hiện được vì tuyến đường phải chạy qua một vùng hàng năm bị ngập lụt và gần như không có dân. Việc mở một tuyến khác qua các vùng đông dân, trù phú như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc (Đồng Tháp nay), và một nhánh đi Long Xuyên, Châu Đốc, sang Phnom Penh, kéo dài đến Hà Tiên đã được tính tới. Dự án này đã gây nên sự tranh cãi quyết liệt trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Cuối cùng ý kiến này được đa số ý kiến chấp nhận, và Bộ Hải quân Pháp chỉ cho phép xây dựng tuyến đường sắt thí điểm đến Mỹ Tho. Đến tháng 11-1879, khi Thống đốc dân sự đầu tiên là Le Myre de Vilers đến nhậm chức ở Sài Gòn, sáng kiến của Vergnes mới được xem xét một cách nghiêm túc.
Năm 1881, việc xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho được giao cho hãng thầu Fout đóng tại Pháp với thời gian ấn định là 99 năm. Thống đốc Nam Kỳ đảm bảo lợi nhuận cho mỗi cây số khai thác tối thiểu là 3.842,2 francs, tức 5,75% lợi nhuận cho số vốn ban đầu bỏ ra dự tính là 67.000 francs/km. Ngày 8-11-1882, sau khi duyệt thiết kế và các điều kiện xây dựng liên quan hướng tuyến, việc khởi công được tiến hành xây dựng ngay.[1] Việc xây dựng con đường gặp nhiều khó khăn vì phải qua nhiều sông rạch, địa hình phức tạp, đất đá để đắp đường phải chở từ nơi xa đến. Đường có khổ rộng 1m, khổ đang được sử dụng rộng rãi trong ngành đường sắt Anh, Pháp lúc bấy giờ. Tuyến đường qua 2 cầu lớn: Bến Lức và cầu Tân An. Các dốc cầu này đều cao, do đó phải kéo dài dốc cầu để tránh đắp nặng ở gần bờ và phải đắp lại nhiều lần dễ gây sụt lún. Công trường được tổ chức quy mô, tiến hành khẩn trương, có nhiều sĩ quan công binh tại chỗ cùng nhiều kỹ sư từ Pháp sang và có tất cả 11.000 lao động được huy động cho công trường này.[2]
Ngày 20-7-1885, chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông bằng phà tại Bến Lức, đến ga Mỹ Tho đã đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam. Mỗi ngày có 4 đôi tàu chạy trên tuyến đường này. Chuyến đầu tiên xuất phát từ Mỹ Tho lúc 1g30 sáng, đến Sài Gòn lúc 5 giờ. Ở đầu ga Sài Gòn, tàu cũng xuất phát trùng giờ. Chuyến thứ hai lúc 9 giờ sáng, chuyến thứ ba lúc 1 giờ chiều và chuyến 6 giờ tối. Mỗi chuyến mất ba tiếng rưỡi do phải vượt sông bằng phà. Chiếc phà khổng lồ máy hơi nước chở được 10 toa xe đưa từ Pháp sang, tương tự như loại phà vượt sông Gianh sau này. Đường ray trên phà được nối liền mạch với đường ray trên bờ bằng một thiết bị.[3] Hàng hóa lúc này vẫn phải chuyển tải sang Bến Lức và phải chờ đến tháng 5-1886, sau khi xây xong hai cây cầu Bến Lức và Tân An, xe lửa mới chạy một mạch 72 cây số từ Sài Gòn về đến Mỹ Tho.[4] Lộ trình qua ga Tân An, từ 6 giờ sáng đến 7 giờ rưỡi tối, có 5 chuyến (3 chiếc cũ, 2 chiếc mới). Chiếc xe cũ chỉ có 2 hạng, hạng ba và hạng tư, băng dài bằng cây. Chiếc mới có 3 hạng: hạng nhì, ghế đẹp; hạng ba, ghế nệm da nhưng kém hơn; hạng tư, băng cây dài. Trên sàn toa xe, hành khách tha hồ để giỏ gà vịt, heo con, trái cây, mắm muối...Chiếc xe này nếu chạy hết tốc độ 40km/h cũng mất 2 tiếng mới đi hết hành trình.[5]. Để ghi nhớ người đã hậu thuẫn tối đa cho dự án này, người Pháp đã đặt tên viên Thống đốc Nam Kỳ là Le Myre de Vilers lúc bấy giờ cho đầu máy xe lửa chạy trên tuyến đường này. Mãi đến ngày 20-5-1885, sau khi cầu Bến Lức xây xong, toàn bộ tuyến đường mới thông suốt với 3 tiếng đồng hồ chạy tàu thay vì 12 tiếng như trước kia. Tốc độ trung bình khoảng 25 km/h, nhưng mỗi lần leo cầu Tân An do đầu máy vừa cũ vừa yếu nên phải leo dốc ba bốn lần, tuột lên tuột xuống mới qua được cây cầu này. Xe lửa lúc đó còn chạy bằng hơi nước, phải dùng than củi đốt nồi supde nên chạy khá chậm, leo dốc yếu. Kinh phí dự trù ban đầu 9 triệu francs, nhưng thực tế chi đến 11.652.000 francs, một con số khá cao so với những con đường khác có độ dài tương đương ở vùng đồng bằng.[6]
Từ ngày 23-7-1886, do gặp nhiều khó khăn về tài chính, Công ty Fout đề nghị xứ Nam Kỳ mua lại tuyến đường. Sau nhiều lần thương lượng, một nghị định ký ngày 30-9-1888 được ký, việc khai thác tuyến đường này được giao cho xứ Nam Kỳ đảm nhiệm với hình thức tự quản, các nhân viên Sở Công chánh bắt đầu quản lý từ ngày 1-10-1888. Do khai thác tốn kém, nên chính quyền cho gọi thầu. Đợt thứ hai vào ngày 15-7-1889, Tổng công ty tàu điện chạy hơi nước ở Nam Kỳ nhận thầu trong 10 năm. Một phụ lục ký ngày 28-6-1893 kéo dài thời gian nhận thầu đến 31-12-1911. Năm 1911, khế ước này hết hạn, chính quyền Nam Kỳ trực tiếp đứng ra khai thác đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho.[7]
Sau một thời gian giảm số lượng hành khách từ năm 1889 đến 1891, lại tiếp tục tăng từ năm 1892 trở đi. Năm 1889, lượng hành khách là 124.000 người, năm 1893 (229.000 người), năm 1898 (283.212 người), năm 1899 (304.700 người). Lượng hành khách gia tăng một phần do có sự ưu đãi về trọng lượng hành lý của hành khách mang theo, mở thêm nhiều ga xép dọc đường, giá cước hạ. Đến năm 1892, giá cước đã hạ 2/3 so với lúc đầu và chỉ bằng 2/3 giá cước do tàu thuyền chuyên chở. Đây là tuyến đường sắt có số lượng hành khách/km nhiều nhất ở Đông Dương và cũng chỉ chủ yếu để chở khách. Mặc dù giá cước hạ nhưng đường sắt vẫn không cạnh tranh nổi với vận chuyển đường sông do điều kiện tiếp nhận ở hai đầu chưa thích hợp. Mỹ Tho nằm xa các trung tâm sản xuất lúa, tàu thuyền chở lúa đến Mỹ Tho thì đi thẳng lên Chợ Lớn để bốc dỡ cho tiện.
Do gặp khó khăn về tài chính, nên ngày 30-9-1888, Công ty Joret đã bán lại tuyến đường này cho Chính phủ Nam Kỳ và giao cho Sở Công chánh quản lí từ ngày 1-10-1888. Do việc quản lý khai thác tốn kém, chính phủ lại giao cho Tổng công ty Tàu điện chạy hơi nước ở Nam Kỳ nhận thầu trong 10 năm bắt đầu từ ngày 15-7-1889. Từ năm 1911, chính phủ trực tiếp đứng ra khai thác tuyến đường sắt Sài Gòn- Mỹ Tho. Số lãi thu được từ tuyến đường này tính đến năm 1896 là 3,22 triệu francs, đến năm 1911 là hơn 4 triệu francs.[8]
Đường sắt bắt đầu từ đầu đường De La Sommé (Hàm Nghi) đi qua bùng binh Sài Gòn (công trường Quách Thị Trang, lúc này chưa có ga Sài Gòn), vòng qua đường DDDDArras (Cống Quỳnh), Phạm Viết Chánh [9] đi xuống gặp đường Fréderic Drouhet (Hùng Vương), đường Charles Thomson (Hồng Bàng, nay còn dấu vết một đoạn đường sắt ở giao lộ Ngô Quyền - Hồng Bàng) và qua các ga Chợ Lớn (khu Thuận Kiều Plaza), chợ Phú Lâm, ngã ba An Lạc, quốc lộ 1 nay (đi bên trái và sát quốc lộ 1 theo hường Sài Gòn - Cần Thơ). Đến khu vực Bình Điền (Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), tách xa quốc lộ 1 và vượt sông Chợ Đệm ở vị trí cách cầu Bình Điền hiện nay về phía hạ lưu 300m. Sau đó, tuyến lại cặp sát bên trái quốc lộ 1 cho đến khu vực Bến Lức (Long An). Vượt sông Vàm Cỏ Đông, tuyến cắt quốc lộ 1, sang bên phải và tiếp tục cặp sát quốc lộ 1 đến thành phố Tân An. Lại vượt sông Vàm Cỏ Tây bằng cầu đường sắt Tân An. Từ Tân Hương đến Trung Lương, đường sắt chạy song song với quốc lộ 1 về bên trái. Từ ngã ba Trung Lương, tuyến đường chạy sát theo đường Ấp Bắc nối dài hiện nay, đi vào đường Lý Thường Kiệt nối dài, qua cầu sắt, đến ngã tư Lý Thường Kiệt - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chạy thêm một đoạn, đến ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - 30 tháng 4 - Lê Thị Hồng Gấm, rẽ trái sang đường 30 tháng 4, đi hết con đường này là đến ga cuối Mỹ Tho, sát cạnh chợ cũ.[10]. Có tất cả 15 ga trên tuyến đường sắt này gồm: Sài Gòn, An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh), Gò Đen, Bến Lức, Bình Ảnh, Tân An (Long An), Tân Hương[11] Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương, Mỹ Tho (Tiền Giang). Bình quân 4,7km có một ga, cự ly ngắn của các ga thể hiện tính chất vận tải khách ngoại ô của tuyến đường sắt này. Ga chính được đặt trước chợ Bến Thành (khu vực công viên 23-9 ngày nay). Vị trí của ga Mỹ Tho được chọn do là đầu mối giao thông đường sắt- đường thuỷ - đường bộ. Nhà ga Mỹ Tho tọa lạc ở địa điểm nay là công viên Thủ Khoa Huân bên bờ sông Tiền, cạnh khách sạn Minh Tân nổi tiếng một thời.
Năm 1937, trên tuyến đường này có thêm những chuyến autorail Sài Gòn- Mỹ Tho và ngược lại, đi nhanh hơn những chuyến xe lửa bình thường vì chỉ dừng lại ở những ga chính hoặc có khi chạy suốt và tốc độ cao hơn xe lửa[12].
Những năm 1946-1954, do chiến tranh nên tuyến đường sắt này chỉ hoạt động cầm chừng. Thập niên 1950, xe hơi phát triển, hệ thống đường bộ Sài Gòn- Mỹ Tho được đầu tư cùng với hệ thống đường bộ, người dân chuyển sang đi đường bộ. Sau 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm có phục hồi lại, đưa vào khai thác một số năm nhưng bị lỗ vốn nặng. Đến ngày 1-7-1958 thì tuyến đường sắt này chấm dứt hoạt động sau hơn 70 năm tồn tại.[13]
Hiện Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư Dự án đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, đang trong giai đoạn lập dự án và trình duyệt với tổng mức phí đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng từ ngân sách (gồm cả vốn ODA, vốn vay nước ngoài). Tuyến đường dài 87 km, nối từ ga tàu hàng An Bình (huyện Dĩ An, Bình Dương) đến ga Mỹ Tho (Tiền Giang), trong tương lai sẽ nối đến tận Cà Mau để hoàn chỉnh hệ thống đường sắt quốc gia.
Nguyễn Thanh Lợi
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thạch Phương, Đoàn Tứ (chủ biên), Địa chí Long An, NXB Long An - Khoa học xã hội, 1989.
2. A.Pouyanne, Các công trình giao thông công chính Đông Dương, Nguyễn Trọng Giai dịch, Nxb Giao thông vận tải, 1998.
3. Trần Hoàng Diệu - Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên), Địa chí Tiền Giang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang - Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, 2005.
4. Bộ Giao thông Vận tải, Lịch sử giao thông vận tải Việt Nam, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội, 1999.
[1] Nguyễn Trọng Giai, Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, Báo Long An cuối tuần, ngày 3-9-1994, tr.5.
[2] Vĩnh Hòa, Hoàng Tuyên, Bđd, tr.16.
[3] Vĩnh Hòa, Hoàng Tuyên, Bđd, tr.16.
[4] Lê Nguyễn, Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.136.
[5] Đào Văn Hội, Tân An ngày xưa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xb, Sài Gòn, 1972, tr.34.
[6] Phan Văn Liên, Sđd, tr.138.
[7] Nguyễn Trọng Giai, Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, Bđd, tr.5.
[8] Nguyễn Trọng Giai, Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, Bđd, tr.5.
[9] Đường này thời Pháp thuộc là một con đường nhỏ chạy song song với đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, chưa có tên (Nguyễn Đình Tư, Đường phố nội thành thành phố Hồ chí Minh, Chi cục Bản đồ và khảo sát xây dựng - Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.266.
[10] Vĩnh Hòa, Hoàng Tuyên, Bđd, tr.17; Nguyễn Phúc Nghiệp, Những trang ghi chép về lịch sử văn hóa Tiền Giang, Nxb Trẻ, 1998, tr.259.
[11] Địa chí Long An cho biết sau ga Tân An là Hòa Tịnh (Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến (chủ biên), Nxb Long An - Nxb Khoa học xã hội, 1989, tr.408).
[12] Nguyễn Phúc Nghiệp, Sđd, tr.254.
[13] Trần Hoàng Diệu - Nguyễn Anh Tuấn (chủ biên), Sđd, tr.650.
Bến tàu thủy Mỹ Tho
Năm 1881, theo đề nghị của Hội đồng Quản hạt Nam kỳ, Bộ Công chính Pháp đã thông qua đề án khởi công xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Ngày 20-7-1885 chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông bằng phà tại Bến Lức, đến ga Mỹ Tho. Mỗi ngày có 4 đôi tàu chạy trên tuyến đường này, chuyến đầu tiên xuất phát từ Mỹ Tho lúc 1g30 sáng, đến Sài Gòn lúc 5 giờ. Đường dài 72 km, gồm các ga Sài Gòn, An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phú, Trung Lương và Mỹ Tho, ga cuối cùng nầy tại điểm Vườn hoa Lạc Hồng. Tuy nhiên phải chờ đến tháng 5-1886, sau khi xây xong hai cây cầu Bến Lức và Tân An, xe lửa mới chạy một mạch 72 cây số từ Sài Gòn về đến Mỹ Tho, còn trước đó thì phải sử dụng loại phà lớn có đường ray cho xe qua. Bấy giờ Mỹ Tho là điểm cuối cùng của đường sắt phía Nam, đồng thời cũng là điểm khởi hành của nhiều xà - lúp hơi nước vận tải hàng hóa và khách về các điểm khác của Tây Nam bộ và sang Campuchia.
Tuy nhiên trước đó ít năm, việc vận chuyển đường sông đã hình thành và phát triển với số lượng tương đối đông đúc, trong đó hai chiếc tàu Altalo và tàu Mauhot đậu bến Sài Gòn là phương tiện chủ lực. Gia Định báo số ra ngày 20 décembre 1884 trong mục Công việc tàu đò đàng sông cho biết: Từ tháng Mai cho tới tháng Octobre , các ngày thứ hai, thứ tư, thứ năm, thứ bảy, 10 giờ chiều, còn từ tháng Otobre cho tới tháng Mai, từ 8 giờ cho tới 10 giờ chiều (đêm) thì đi Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, cù lao Gien (Giêng), Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng và Sa Đéc. Ngoài ra các tàu đi sang Campuchia cũng theo tuyến nầy. Gia Định báo số ra ngày 14 février 1885 cho biết Chiếc tàu Altalo với chiếc tàu Mauhot đi trong đàng ấy. Từ Sài Gòn mỗi ngày thứ ba cùng thứ 6, 19 giờ chiều thì đi Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, Cái Tàu, Tân Châu, Vĩnh Lợi, Ba Nam, Nam Vang". Ngoài ra còn một tuyến đi Gò Công, Bến Tre, Trảng Bàng, Tây Ninh và Tân An vào ngày thứ bảy, lúc 10 giờ đêm (1).
Sau khi đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho hoạt động ổn định, số lượng tàu thủy tăng lên đáng kể. Đầu thế kỷ XX, theo thống kê số xà - lúp hơi nước có 4 bến đậu thường xuyên ở Mỹ Tho là 6 chiếc, gồm: Công ty Ưng Tín Lâm (của Hoa kiều): 2 chiếc chạy tuyến Mỹ Tho Phnômpênh, ông Nguyễn Văn Kiệu 2 chiếc và 2 chiếc khác là Vĩnh Bảo và Vĩnh Thuận thuộc Công ty Vĩnh Hiệp của ông Phan Văn Tòng. Trong giai đoạn này, Mỹ Tho còn là bến đậu loại tốt nhất, vì vậy ngoài các xà - lúp của các công ty vận tải trong tỉnh, còn rất nhiều xà - lúp khác đậu ở đây. Buổi sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, cảng Mỹ Tho rất náo nhiệt và được ghi nhận là một cảng sông rất quan trọng trong vùng. Trong bài viết "Một tháng ở Nam Kỳ" đăng trên tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh có nhắc đến thú vui của khách trọ chờ tàu, chờ xe ở ga Mỹ Tho. Có những buổi đương trưa nồng nực, ngồi trên lầu cao trông xuống dưới bến, pha chén trà ngon mà đối diện đàm tâm. Có lúc đêm khuya gió mát, bắc cái ghế cao dài ngoài sân gác mà cùng nhau hùng biện cao đàm về văn chương cùng triết lý. Lại buổi chiều kia trời u ám, gió chiều như giục cơn sầu, cùng nhau thơ thẩn trên vườn hoa ngay trên bến nước, đương tìm giải quyết một nỗi tâm sự gian nan, chợt thấy chiếc thuyền thấp thoáng bên kia sông, ngọn đèn lấp ló trong bụi cây um tùm, sực nhớ đến câu: "giang phong ngư hỏa đối sâu miên"...
Từ ngày 6-10-1936, thêm một ô tô chạy trên đường sắt (autorail) chạy mỗi ngày một chuyến từ Sài Gòn Mỹ Tho và ngược lại, làm tăng thêm hành khách. Các tàu thủy đi từ Mỹ Tho đến các điểm khác ở Nam kỳ và sang Campuchia được ghi nhận vào năm 1936 như sau:
- Khởi hành lúc 7h30 từ Mỹ Tho đi Phnômpenh (qua Vĩnh Long và Châu Đốc) tàu của Cty Ưng Tín Lâm 2 lần mỗi tuần.
- Khởi hành lúc 18h từ Mỹ Tho đi Cà Mau tàu của Công ty Vĩnh Hiệp mỗi ngày.
- Khởi hành lúc 7h30 từ Mỹ Tho đi Cần Thơ và Trà Vinh là 2 chiếc của Công ty Vĩnh Hiệp mỗi ngày.
Phương tiện đường thủy/ xà - lúp hơi nước ở Mỹ Tho bắt đầu gặp khó khăn từ khoảng cuối năm 1939, do việc mở mang đường sá. Sự vận chuyển công cộng bằng xe hơi đã hấp dẫn một số đông hành khách, do vậy số hành khách trên các tàu cũng bắt đầu giảm đi. Đây cũng là thời điểm chiếc cầu quay nổi tiếng của Mỹ Tho chấm dứt vai trò của nó. Cầu Quay là công trình xây dựng năm 1895 tại chợ Mỹ Tho. Đó là cầu có nhịp tự động nối liền hai bờ gần vàm lớn Mỹ Tho con rạch thông vào kinh quan trọng và Bảo Định. Cầu dài 70 m và nhịp quay được, để cho tàu thuyền đi qua. Nhưng vào cuối thập niên 1930, tàu thuyền ít đi tuyến nầy mà chuyển sang đi tuyến kinh Chợ Gạo về Sài Gòn gần hơn, đồng thời các loại thuyền buồm trên sông cũng không còn phổ biến nên không cần thiết phải "quay cầu" để thông thương trên dòng Bảo Định nữa. Vì vậy người Pháp quyết định phá bỏ, thay bằng cầu sắt bê tông vào năm 1940.
Có thể nói, nhờ là đầu mối giao thông thủy, bộ mà Mỹ Tho ở thành vị trí trung chuyển lý tưởng và từng tự hào với câu "trên Sài Gòn dưới Mỹ Tho".
Nguyễn Ngọc Phan
------------------------------------------------------
(1) Lúc đó gọi là 10 chiều.
Xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho: Tìm dấu vết xưa
(LĐ) - Tuyến đường sắt cổ nhất Đông Dương không phải là đường sắt từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Lào Cai về Hà Nội, càng không phải là đường sắt Bắc Nam mà ngày nay ta gọi là “tàu Thống Nhất”.
Đã từng có 1 tuyến đường tồn tại 73 năm, đó là tuyến “xe lửa” Sài gòn - Mỹ Tho, tuyến đường đánh dấu sự ra đời của đường sắt VN từ rất sớm, năm 1885. Thế nhưng hiện nay tuyến đường “một thời vang bóng” này hầu như không còn để lại dấu vết gì!
Nhà ga cuối cùng vừa bị phá bỏ
Nhà ga cuối cùng trong tổng số 17 nhà ga tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho là nhà ga Gò Đen (xã Long Hiệp, Bến Lức, Long An) vừa bị phá bỏ năm 2009 để xây dựng công trình khác. Hiện trên đại lộ Hùng Vương (TPHCM) thỉnh thoảng còn lộ ra vài đoạn đường ray cũ chưa bị tháo dỡ.
Cầu cống dọc tuyến (cặp QL1A) đã bị tháo dỡ hoàn toàn, tại vị trí các cầu lớn như cầu Bình Điền, cầu Bến Lức, cầu Tân An chỉ còn các mố 2 bên bờ sông. Đi trên QL1A từ TPHCM về miền Tây, những người tinh ý có thể đặt câu hỏi: Tại sao đoạn từ TPHCM đến Mỹ Tho luôn là cầu đôi (cầu Ván, cầu Voi, cầu Tân Hương, cầu Bến Chùa...), còn từ Mỹ Tho trở đi chỉ là cầu đơn? Đó là vì 1 cầu dành cho xe lửa, cầu kia cho ô tô.
Sau khi xe lửa không còn, cầu dành cho xe lửa dùng luôn cho đường bộ đến ngày nay. Đó là tất cả những gì còn lại của tuyến xe lửa dài 70km ra đời sớm nhất Đông Dương. Riêng cầu xe lửa qua sông Chợ Đệm (cách cầu Bình Điền khoảng 300 mét về phía hạ lưu) đã bị phá bỏ cách đây vài chục năm. Cầu Bến Lức và cầu Tân An (cầu sắt, dùng chung cho cả xe lửa và ô tô) cũng bị tháo dỡ cách đây trên dưới 10 năm.
Ban đầu chính quyền thuộc địa Pháp định xây dựng tuyến đường sắt đến Cần Thơ, sau đó kéo dài tới Phnom Penh, tuy nhiên sau đó do chi phí quá lớn, nên chỉ xây dựng đoạn Sài Gòn - Mỹ Tho. Gần 11 ngàn lao động đã làm ròng rã 4 năm để đến năm 1885 tuyến đường hoàn thành.
Xe lửa... buýt
Cho tới ngày nay, xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho là tuyến có ga tàu nhặt nhất nước. Trung bình chỉ hơn 4km là có 1 nhà ga, tương đương với xe buýt Chợ Lớn – Tân An hiện nay. Xe lửa xuất phát từ ga Sài Gòn (công viên 23.9 ngày nay) đi theo các đường: Cống Quỳnh - Phạm Viết Chánh – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – Ngã ba An Lạc - Quốc lộ 1 và kết thúc tại ga Mỹ Tho nằm sát sông Tiền chỗ tượng đài Thủ Khoa Huân ngày nay.
Tổng cộng có 17 ga, ban đầu thời gian chạy mất 3 tiếng rưỡi, về sau có cầu Bến Lức thời gian chạy rút xuống còn 2 tiếng rưỡi, nhanh hơn thời gian các phương tiện hiện đại ngày nay đi từ Mỹ Tho đến trung tâm TPHCM. Vì số ga dày đặc, việc kiểm soát vé không dễ, nhất là đối với học sinh, trẻ nhỏ.
Ông Đỗ Văn Đồng (Hội VHNT Long An) cho biết, thuở ấy nhóm học sinh nhỏ các ông chuyên đi xe lửa chui, người kiểm soát vé chưa tới thì tàu đã đến ga kế tiếp. Khi “đụng” kiểm soát vé, các học trò trốn vào... nhà vệ sinh trên tàu. Thời Pháp tàu chạy bằng hơi nước, cách hàng chục cây số đã thấy cột khói kèm theo tiếng còi hụ.
Về sau có đầu máy diesel. Thời kháng chiến chống Pháp, có lần đoàn tàu chở lính bị giật mìn, mấy toa xe rớt xuống sông Bến Chùa. Để đối phó, họ cho “toa thớt” chạy trước đầu xe hơn 10 mét để dò mìn.
Sẽ có xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho?
.. |
Trong 10 năm đầu đưa vào khai thác, số lãi thu được từ tuyến đường đạt gần 30% vốn đầu tư. Tuy nhiên, khi đường bộ phát triển, lượng hành khách chuyển sang đi ô tô ngày càng nhiều, xe lửa ngày càng vắng khách. Có những ngày đoàn tàu 10 toa mà chỉ có vài chục khách.
Vì lỗ quá nên chính quyền Ngô Đình Diệm đã quyết định bỏ tuyến xe lửa này vào năm 1958. Hầu hết tuyến đường sắt này đã bị đường bộ mở rộng hoặc các khu dân cư xây dựng lấn mất. Mới đây, các địa phương có tuyến xe lửa chạy qua và những chuyên gia trong ngành GTVT đã xem xét khả năng phục hồi lại tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. UBND tỉnh Tiền Giang đã gửi công văn kiến nghị Bộ GTVT xem xét dự án này.
Tỉnh Tiền Giang cũng sẵn sàng cho kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư, tài trợ cho dự án. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT thì đây là dự án quá lớn, việc kêu gọi tài trợ, đầu tư lúc này là chưa phù hợp.
Ý kiến phản biện lại dự án này cho rằng, hành khách đi lại giữa miền Tây và TPHCM thì đã có đường cao tốc (đã và đang hoàn thành), còn hàng hoá thì lâu nay vẫn vận chuyển bằng đường thuỷ, thêm xe lửa sợ sẽ “bị ế”, điều đã từng xảy ra cánh đây hơn nửa thế kỷ.
Ý kiến ủng hộ thì cho rằng, xe lửa là phương tiện vận chuyển tiết kiệm nhất và là phương tiện vận chuyển của tương lai (chỉ tàu cao tốc mới có thể đi với tốc độ 200 – 300 km/giờ). Họ quả quyết, tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho (kéo dài thêm về miền Tây) sẽ được phục hồi, vấn đề chỉ là thời gian.
Ông Đỗ Văn Đồng (Hội VHNT Long An, nay đã ngoài 70 tuổi), người đã từng rong ruổi trên xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho xưa, có mơ ước là trong đời còn được 1 lần đi lại tuyến xe lửa xưa, sau khi ông đã đi bộ qua cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu và cầu Cần Thơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét