Làng Phú Mỹ xưa thuộc Tân Hiệp tỉnh Định Tường, ngày nay di tích Bến đò Phú Mỹ thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, cách Quốc lộ I khoảng 10km, nằm bên trái từ Mỹ Tho đi thành phố Hồ Chí Minh, đường đi đến di tích bằng ô tô rất thuận lợi.
Di tích Bến đò Phú Mỹ là di tích lịch sử cách mạng-nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta vào những năm 1945-1947 trong giai đoạn Pháp trở lại xâm lược nước ta. Với lần trở lại này chúng dùng thủ đoạn vô cùng tàn ác với một hệ thống kìm kẹp, càn quét tàn sát của bè lũ tay sai hết sức tàn án giả mang, đầu não là đồn Tây tại Bến đò Phú Mỹ gần 10 tên lính Pháp với vũ khí trang bị chánh qui, nên người dân nơi đây chỉ có hai con đường: một là vào đạo Cao Đài, hai là tham gia kháng chiến hoặc bỏ xứ ra đi.
Đồng bào ở đây đã chứng kiến những tội ác cực kỳ man rợ của giặc Pháp, nổi cộm nhất là tên giặc Pháp có biệt danh là "Tây Búa" do trong người nó lúc nào cũng có lận một cây búa nhỏ làm biểu tượng thị uy trang sức của nó. Chúng đã dùng búa chặt đầu những đồng chí, những người dân nghèo khó mà chúng tình nghi có quan hệ kháng chiến hoặc không chịu vào lính Cao Đài rồi bêu trên các cọc tre, treo cổ, xỏ xâu vào bàn tay từng xâu đem bắn, có trường hợp chúng đeo đá vào cổ rồi xô xuống kinh gọi là đi "mò tôm".... Số lượng người bị chúng thảm sát không thể tập hợp chính xác là bao nhiêu, chỉ đơn cử vài trường hợp sau đây: ông Nhiêu, ông Thuỷ là du kích bị giặc Pháp dùng xe kéo lê và treo cổ tại Bến đò Phú Mỹ; ông Tư Hơn, ông Sáu Sánh, ông Lựu, ông Bảy Phải, ông Lạc bị chặt đầu liệng xác xuống kinh; ông An, là bộ đội, cha con ông Tám Tui, bà Thảnh làm Hội phụ nữ bị chặt đầu gần chợ Phú Mỹ; ông xếp Đinh bị chúng cho đeo đá vào cổ rồi xô xuống kinh gọi là cho đi "mò tôm"…
Trong một đợt càn quét của giặc Pháp cùng với lính Cao Đài chúng bắt được 15 người dân và du kích, giam trong chiếc ghe chài. Nhóm người này phá cửa chạy thoát chỉ còn ông Tư (Công an xã) bị bắt trở lại, bọn chúng đem ông Tư đi chặt đầu, xẻ thịt bắt dân và ghe buôn phải mua với giá cái đầu là 50 đồng bạc Đông Dương, mỗi xâu thịt 1kg giá 5 đồng, chúng còn treo bày thịt người ở bờ kinh ép mọi người đi ngang qua phải mua. Đồng bào buộc lòng phải nhận mua và lén đem đi chôn.
Đã hơn 60 năm qua, nhưng mỗi khi nhắc đến là người dân nơi đây không khỏi bàng hoàng nhớ về một thời kỳ đầy man rợ mà thực dân Pháp đã gây ra đối với dân làng Phú Mỹ. Khu bót Tây xưa nay đã xây dựng bia căm thù với bức phù điêu chạm nổi những hình ảnh, sự kiện thảm sát dã man của thực dân Pháp với đồng bào, đồng chí tại xã Phú Mỹ: tên Pháp đang giơ cao cây búa chặt đầu người, tên khác đang xách đầu người bị chặt... Những hình ảnh đau thương gợi nhớ một thời đất nước, nhân dân ta sống dưới ách thuộc địa của thực dân Pháp như nhắc nhỡ chúng ta về tội ác đất không dung, trời không tha mà kẻ thù đã gây ra cho đồng bào ta trong những năm 1947-1949.
Di tích được được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1994./.
Các hình ảnh về di tích lịch sử Bến đò Phú Mỹ
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét