Rạch Gầm Xoài Mút là tên hai con rạch đổ ra sông Tiền, (một nhánh lớn của sông Mê kông). Rạch Gầm còn gọi là Ca răm (có nghĩa là con cọp); còn Xoài Mút từ tên gọi cây xoài hột, khi ăn chỉ mút hột của nó.
Rạch Gầm - Xoài Mút là nơi đầu tiên trên địa bàn phía Nam của Tổ quốc đã diễn ra một trận thủy chiến chiến lược đánh tan 300 chiến thuyền, 5 vạn quân Xiêm xâm lược và tập đoàn phong kiến bán nước Nguyễn Ánh vào đêm 19 rạng sáng 20 tháng 01 năm 1785.
Có thể nói, chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là một chiến công chống ngoại xâm lừng lẫy của nhân dân Đàng Trong, lớn nhất trong 5 thế kỷ kể từ chiến thắng Bạch Đằng ở thế kỷ thứ 13. Với chiến thắng này, nhân dân miền Nam đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc và xứng đáng là bức thành kiên cố phía Nam của Tổ quốc.
Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tọa lạc tại ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nằm cạnh bờ sông Tiền, ngay mặt tiền tỉnh lộ 864, cách Mỹ tho khoảng 12 km về phía tây. Di tích đã được đưa vào sử dụng vào ngày 20 tháng 01 năm 2005 nhân kỷ niệm 220 năm ngày chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, với diện tích 1,5 ha gồm 03 nhà trưng bày:
- Nhà trưng bày số 1: trưng bày dãy tranh ghép gốm và nhiều hiện vật liên quan đến trận đánh.
- Nhà trưng bày số 02: trưng bày bộ sưu tập hiện vật về Rạch Gầm - Xoài Mút, có khoảng 546 hiện vật lớn nhỏ bao gồm những phương tiện sử dụng và vũ khí gươm giáo của quân Tây Sơn Nguyễn Huệ và quân Xiêm.
- Nhà cổ Nam Bộ: 03 gian, 02 chái, 48 cột gỗ căm xe, mái ngói âm dương, nhà có diện tích 225m2. Đây là nơi dùng để trưng bày và tiếp khách.
Nhìn tổng quan, đây là một khu di tích đẹp, thoáng mát, thơ mộng, nằm cạnh bờ sông xen giữa khu vườn cây ăn trái, bên cạnh có nhà hàng Rạch Gầm với lối kiến trúc gỗ, tre, nứa rất mát mẻ và lạ mắt.
Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1992./.
Các hình ảnh về Di tích lịch sử dân tộc Rạch Gầm - Xoài Mút
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét