Di tích Gò Thành thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nằm trong khu dân cư, cách chợ Ông Văn, xã Đăng Hưng Phước 200 m và cách Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo 6 km về phía Bắc.
Tên gọi Gò Thành xuất hiện khi những người Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất này; thấy trên gò có nhiều gạch, cho đó là vết tích của một thành xưa nên đặt tên là Gò Thành, với mục đích đánh dấu một vị trí trong khu vực quần cư. Đây không phải là một thành của người Miên hay nhà Nguyễn như người dân địa phương thường gọi.
Năm 1987, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã đến tham gia Hội nghị 'Thông báo khảo cổ học' tại Tiền Giang và khẳng định Gò Thành là di tích thuộc nền văn hoá Óc-Eo. Di tích đã được khai quật nhiều lần, phát hiện 12 hố thờ và mộ có dạng hình giếng nằm rải rác trên mặt gò và nhiều hiện vật bằng vàng, đồng, đá, đất nung đang được trưng bày tại nhà trưng bày trong khuôn viên di tích.
Hiện nay, khu di tích Gò Thành đã được trùng tu, tôn tạo, có tường rào bao quanh, cổng chính được thiết kế theo những hoạ tiết, hoa văn thuộc nền văn hóa Óc-Eo rất độc đáo, có một nhà bao che một số đền tháp quan trọng, một nhà trưng bày hiện vật của di tích và một đình thần trong khuôn viên rộng lớn, khang trang.
Đến tham quan di tích Gò Thành, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hố thờ từng bị chôn vùi dưới lòng đất hàng ngàn năm, gợi nhớ cho chúng ta nhận thức mới về xã hội người Phù Nam, về các quy luật phát triển lịch sử, xã hội trên vùng đất Nam bộ, trên đất nước Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Hàng năm, di tích Gò Thành thường xuyên đón nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, đặc biệt là các em sinh viên, học sinh đến tham khảo để phục vụ cho công việc học tập.
Di tích Gò Thành được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích cấp quốc gia năm 1994.
Các hình ảnh về Di tích khảo cổ Gò Thành
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét