Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Âm vang lễ hội Thập Đình


Hội Thập Đình là lễ hội truyền thống với quy mô và không gian văn hoá rộng lớn, nhằm tưởng niệm, tôn vinh Trạng nguyên khai khoa, Thái sư Lê Văn Thịnh một danh nhân khoa bảng, bậc hiền tài có nhiều công lao với dân với nước; phát huy những thuần phong mỹ tục, giáo dục truyền thống hiếu học khoa bảng đối với các thế hệ trẻ, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và quý khách khắp mọi miền đất nước về với hội và đã làm nên nét văn hiến độc đáo của văn hoá xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.
Lễ hội Thập Đình của 10 làng thờ Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh được diễn ra tập trung tại đình thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, là quê nội của ông.

 
Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình.

Thư tịch cổ cho biết: Lê Văn Thịnh sinh năm Canh Dần (1050) tại thôn Bảo Tháp, có tên nôm “Gủ Tháp” thuộc xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nho học. Thân phụ là Lê Văn Thành là một nhà nho nghèo vừa dạy học vừa làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người nghèo khổ. Thân mẫu là Trần Thị Tín quê ở thôn Thi Xá (nay là thôn Vân Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ) một phụ nữ nhân hậu đảm đang. Ngay từ nhỏ, Lê Văn Thịnh đã được cha mẹ cho ăn học và nổi tiếng là thần đồng tinh thông hàng ngàn quyển sách về Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi đầu tiên gọi là “Minh kinh bác học” để chọn nhân tài xây dựng đất nước, Lê Văn Thịnh đi thi đỗ đầu và được đời sau tôn vinh gọi là “Trạng nguyên khai khoa”.
Sau khi thi đỗ, Lê Văn Thịnh được bổ chức Thị độc vào triều dạy vua Lý Nhân Tông học bấy giờ còn nhỏ tuổi. Năm 1076, ông được triều đình bổ chức Thị lang bộ Binh. Đến năm Giáp Tý 1084, vua cử ông đến trại Vĩnh Bình thuộc biên giới Việt Trung để giải quyết vấn đề cương giới giữa hai nước. Với tài ngoại giao xuất sắc ông đã đòi về cho nước ta 6 huyện 3 động mà nhà Tống lấn chiếm. Sau khi đi sứ về, Lê Văn Thịnh được triều Lý thăng đến chức Thái sư và giữ chức vụ này suốt 12 năm liền. Trên cương vị Thái sư, ông đã giúp triều Lý về mọi mặt như: thiết lập triều chính, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục... Nhưng đến năm 1096, Thái sư Lê Văn Thịnh bị bọn gian thần triều đình ghen ghét đố kỵ tài năng và vu oan vào tội “hoá hổ giết vua” ở hồ Dâm Đàm (tức Hồ Tây-Hà Nội). Vua Lý Nhân Tông kính trọng ông là thày dạy, không nỡ để ông bị xử tội chết, mà cho lưu đầy ở miền Thao Giang. Mặc dù bị lưu đày, nhưng ông vẫn sống một cuộc đời có ích cho dân cho nước cho dân. Đến khi hơi tàn sức kiệt ông tìm về quê hương, đến xã Đình Tổ (Thuận Thành) thì trút hơi thở cuối cùng ở đó. Dân làng Đình Tổ đã đem thi hài ông chôn cất và tôn thờ làm Thành Hoàng làng.
 
Đình thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình là nơi diễn ra lễ hội Thập Đình.

Thái sư Lê Văn Thịnh mất, dân làng Bảo Tháp đã lập đền thờ ông tại khu đất vốn xưa là nhà của ông và còn thờ phụng ông làm Thành Hoàng ở đình làng. Dân các làng xã là quê nội, ngoại và nơi ông từng dạy học cũng xin thờ ông làm Thành Hoàng. Có tới 10 làng xã thờ phụng ông làm Thành Hoàng làng. Sau đấy, Thái sư Lê Văn Thịnh đã được minh oan. Vào thời Lê Trung Hưng, đền Lê Văn Thịnh được triều đình cho trùng tu với quy mô lớn. Đó còn là việc triều đình soạn Thần tích, ban sắc phong cho Thái sư Lê Văn Thịnh và dựng bia đã ghi khắc lại lai lịch công trạng của ông.
 Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh vốn được khởi dựng từ thời Lý ngay sau khi ông mất. Đến thời Lê và Nguyễn, Đền được trùng tu tôn tạo với quy mô rất lớn. Còn đình Bảo Tháp nằm ở trung tâm của làng còn giữ nguyên được kiến trúc điêu khắc thời Nguyễn to lớn, cổ kính, thâm nghiêm. Hiện quần thể di tích đền, đình thờ Thái sư Lê Văn Thịnh còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá như: thần phả, sắc phong, bia đá, rồng đá, ngai bài vị, hoành phi, câu đối, chuông đồng, khánh đá, ghi chép, phản ánh về người được thờ. Đặc biệt, trong khuôn viên của đền đã phát hiện một “Rồng đá” rất lớn nặng hàng tấn, dài hàng chục mét, trong tư thế đầu nhô lên miệng cắn vào thân, oằn mình đau khổ, phản ánh về nỗi oan khuất của Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh. Với những giá trị to lớn trên, Đền thờ Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia, Quyết định số 226/QĐ-BT ngày 5-2-1994. Nhân dịp kỷ niệm “Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”, Đền thờ Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh đã được chọn là một trong những di tích trọng điểm được Nhà nước trùng tu tôn tạo với quy mô lớn và gắn biển “Công trình kỉ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội”.  
 Hội Thập Đình được mở vào mồng 6 tháng 2 (âm lịch) vào các năm Thân, Tý, Thìn thuộc về 10 làng là quê hương nội ngoại của Thái sư Lê Văn Thịnh và những nơi ông từng có công như dạy học, xây dựng thuần phong mỹ tục, xưa thuộc 3 tổng là: Tổng Đông Cứu và Đại Lai huyện Gia Bình gồm các làng: Bảo Tháp (còn gọi là Gủ Tháp), Yên Việt  (Gủ Vọt), Cứu Sơn (Gủ Hương), Hương Vinh (Gủ Nội), Đông Cao, Hiệp Sơn (Thị Thôn), Chi Nhị, Địch Trung (Trung Thành), Huề Đông. Tổng Bồng Lai huyện Quế Dương có làng Vân Xá.  Những làng xã trên, nay thuộc 5 xã, thị trấn gồm (Đông Cứu, Gia Bình, Song Giang, Đại Lai, Cách Bi) và 2 huyện (Gia Bình, Quế Võ). Những làng trên lại được phân thành “Ngũ đình nội” và “Ngũ đình ngoại”: Ngũ đình nội là những làng thờ cả hai vị Thành Hoàng là Doãn Công (danh tướng của Hai Bà Trưng) và Thái sư Lê Văn Thịnh, gồm: Bảo Tháp, Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn. Còn Ngũ đình ngoại là những làng chỉ thờ một trong hai vị Thành Hoàng làng trên, gồm: Chi Nhị, Địch Trung, Vân Xá, Huề Đông, Cứu Sơn.
Để chuẩn bị cho lễ hội Thập Đình, ngay từ trong năm, chức sắc quan viên của 10 làng phải họp bàn để phân công việc cho các làng xã. Thôn Bảo Tháp có 2 ngôi đền (danh tướng Doãn Công và Thái sư Lê Văn Thịnh) được tôn vinh là “Đình Cả”, có trọng trách trong việc tế lễ và làm cỗ bàn để đón các hàng từ. Làng Bảo Tháp có gần chục mẫu ruộng công để lo việc đình đám, giao cho Quan đám và các giáp cấy lúa, trồng màu để lo lễ vật tế Thánh. Lễ vật tế Thánh bao gồm lễ Tam sinh (bò, lợn, gà), cùng bánh trái, hoa quả, hương đăng. Đặc biệt, làng Bảo Tháp được bầu Chủ tế là người có chức sắc, có gia đình vợ chồng song toàn, con cháu ngoan ngoãn, không có tang, không có tật. Chức sắc quan viên của các hàng từ trước ngày lễ hội phải về đình Bảo Tháp để túc trực chuẩn bị sẵn sàng cho lễ hội.
 Vào hội, ngay từ sáng mồng 5 tháng 2 (âm lịch), đình và đền Bảo Tháp đã được mở cửa để làm lễ mộc dục, bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt. Chiều ngày mồng 5, làng Bảo Tháp tổ chức rước bình hương từ 2 đền (thờ danh tướng Doãn Công và Thái sư Lê Văn Thịnh) về đình làng. Ngày mồng 6 chính hội, 10 làng thuộc về hội Thập Đình đồng loạt rước kiệu Thánh từ đình làng mình đến tập trung tại Đình Cả để tế lễ công đồng. Làng Bảo Tháp (Đình Cả) trước đó rước kiệu Thánh ra đầu làng để đón các hàng từ. Các làng bên này sông Đuống thì theo đường bộ rước đến. Còn làng Vân Xá bên kia sông Đuống phải chèo thuyền qua sông. Các đám rước đến làng Bảo Tháp đông đủ thì tập trung ở ngã ba Đống Vải thuộc đầu làng Bảo Tháp, theo thứ tự kiệu của các làng lần lượt được rước vào đình Bảo Tháp. Đi đầu là làng Bảo Tháp, tiếp theo là Yên Việt, Hương Vinh, Đông Cao, Hiệp Sơn, Cứu Sơn, Chi Nhị, Thi Xá, Trung Thành, Huề Đông. Đám rước của 10 làng đi từ Đống Vải qua Đống Ngấn, qua Ao Cả, qua cửa đền Hạ (thờ danh tướng Doãn Công), rồi tiến vào đình Bảo Tháp. Đám rước hội Thập Đình rợp trời với cờ, kiệu, tàn, lọng, chiêng, trống, siêu đao, bát bửu… cùng quan viên tế, các bô lão, đông đảo nhân dân 10 làng và quý khách thập phương.
 Khi đám rước về đến đình Bảo Tháp thì tập trung ngoài Tiền tế để cùng tế công đồng. Quan Viên tế gồm 39 người là đại diện của 10 làng đều đội mũ, đi hia, áo thụng tế: Chủ tế mặc áo màu đỏ có bối tử, bồi tế áo đỏ trơn, quan viên tế còn lại mặc áo xanh, trang nghiêm chỉnh tề. Khi tế, quan viên tế từ ngoài Tiền tế vào đến Đại đình, theo nhịp trống chiêng 7 và 3 để tế. Quan viên tế Thánh 3 tuần tế: Sơ Yến, Á Yến, Trung Yến. Giữa 3 tuần tế có dâng rượu vào trong Hậu cung, đọc trúc văn, ẩm phước và hoá văn tế. Sau khi tế lễ xong, các làng khác xin rước chân nhang thờ Thánh từ đình Bảo Tháp về đình làng mình để tế lễ và mở hội. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: đốt cây bông, đu cây, thi vật, tuồng, chèo, cờ người… thu hút hàng ngàn người.
Bài, ảnh: Th.s Đỗ Thị Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét