Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Bình yên làng cổ Đại Lai


Trải suốt ngàn năm với biết bao thăng trầm lịch sử, làng cổ Đại Lai (xã Đại Lai, Gia Bình) vẫn bảo lưu được không gian làng quê yên ả, thanh bình, thuần Việt. Dường như kinh tế thị trường cùng sự sôi động, ồn ào của các hoạt động giao thương, công nghiệp vẫn chưa đủ sức chạm đến vùng đất cổ xưa và đậm đặc huyền thoại lịch sử này.
Không tấp nập ngược xuôi xe cộ, không cổng làng bề thế uy nghiêm và thật khó tìm ra những ống khói lô nhô của các khu công nghiệp… làng cổ Đại Lai vẫn bình yên, lặng lẽ nép mình bên dòng sông Đuống hiền hòa, giữa đồng đất phì nhiêu rộng lớn. Sử làng còn chép, mấy ngàn năm trước, người Đại Lai đến định cư, mở mang vùng đất này. Bao công sức, mồ hôi và cả máu đã thấm đẫm trong từng mô đất để đắp đổi, dựng xây một làng quê tươi đẹp Đại Lai hôm nay.
 
Vẻ đẹp yên bình ở làng cổ Đại Lai.

Còn theo một nghiên cứu của PGS.TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học khi tìm hiểu về làng cổ Bắc Ninh đã viết: “Làng cổ Đại Lai có cư dân Việt cư trú và có nghề làm gốm từ thời Hùng Vương”. Những chứng tích còn lại minh chứng cho nhận định này là các địa danh Đống Sành, xóm Sành và nhiều dấu tích của những lò nung gốm cổ ở đây.
 Cụ Vũ Thế Nhân, 77 tuổi, một cán bộ hưu trí kể rằng: Người dân Đại Lai tự hào với bề dày lịch sử cũng như tầm quan trọng của vị trí ngôi làng mình. Bởi không phải ngẫu nhiên mà qua các triều đại phong kiến, Đại Lai được xem là vùng đất của vua quan còn lưu dấu nhiều địa danh, tên gọi như: cung Ly Trang, cung Yên Hà, Vườn Quan, Hành Khiển… Từ đó mới dẫn đến thảm án Lệ Chi Viên – một nỗi đau oan trái động trời trong sử cũ vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Đại Lai.
 
Trung tâm làng Đại Lai (xã Đại Lai, Gia Bình) đã bắt đầu mọc lên nhiều nhà cao tầng nhưng vẫn bảo lưu được không gian làng quê thanh tĩnh.

Chầm chậm đi trên con đường bê tông quanh co uốn lượn, chúng tôi vào sâu trong những ngõ nhỏ quanh làng Đại Lai. Sự thuần hậu, mộc mạc với vẻ trầm mặc, u tịch hiển hiện qua từng nếp nhà, mỗi góc ao, bờ rào và những mảnh vườn thưa vắng. Đất Đại Lai rộng và nhiều nên hầu như gia đình nào cũng có một khu vườn riêng. Trong làng bây giờ còn khoảng gần 40 ao, hồ đều do chính quyền thôn quản lý và được giữ gìn bảo vệ để điều hòa môi trường sống, giúp tiêu thoát nước, tránh úng ngập trong làng khi có mưa lũ...
Dọc trục đường trung tâm có chợ cóc và nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát nhưng vẫn chẳng thể phá vỡ không gian thanh tĩnh và vẻ đẹp yên bình của làng. Có thể, có nhiều đổi mới trong nếp nghĩ, cách làm song người dân bản địa vẫn thấy gần gũi, thân quen mà giữ lại gần như tất cả các tên gọi, địa danh xưa cũ: Bến Cả, bến Trám, bến Cống, bến Ngay, vườn Quan, Hành Khiển, vườn Bài, cửa Đền, Tam San, Đống Sành, vườn Cò, đường Am… Mỗi địa danh này lại gắn với các câu chuyện lịch sử hay những huyền thoại khác nhau để lý giải nguồn gốc và ghi dấu đậm nét về sự thăng trầm trong lịch sử cùng biết bao trầm tích văn hóa ngàn đời ở đất Đại Lai. Các thiết chế văn hóa tín ngưỡng đa dạng như: chùa, đình, đền, nghè, miếu... vẫn được người dân chung tay gìn giữ, tu sửa thường xuyên, trong đó phần lớn đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.
Đại Lai bình yên đến độ vắng lặng và chưa chịu tác động nhiều của đô thị hóa. Thế nhưng, lạ một điều khi tản bộ khắp các ngõ nhỏ để tìm kiếm nét xưa cũ thì thật khó thấy. Hình như, mọi dấu tích cổ chỉ còn trong ký ức. Ngay cả mái đình cũng chẳng thấy “màu thời gian” ở đó.
Giải đáp ngay về những hồ nghi, thắc mắc ấy, anh Nguyễn Trung Tuy, Trưởng thôn Đại Lai cặn kẽ kể lại ngọn nguồn: Xưa, làng Đại Lai được tổ chức thành các xóm khép kín có ao chuôm, tre mọc thành bờ lũy bao quanh. Mỗi xóm có điếm, có cổng và chòi canh gác. Làng có người tuần phòng ban đêm, hai đầu làng có bia “Hạ mã”. Các thiết chế văn hóa truyền thống ở Đại Lai đa dạng, phong phú… Thế nhưng, thời chiến tranh loạn lạc, Đại Lai nằm trong vùng địch chiếm đóng. Giặc giã càn quét nên từ đình, đền, chùa cho đến cổng xóm, cổng làng, nhà cổ và vô số thư tịch, tài liệu, sách sử, hiện vật cũ đều bị đốt phá, gần như mất hết. Hòa bình lập lại, người dân mới bắt tay xây đắp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn và Đại Lai vẫn chỉ là một làng quê thuần nông, mức thu nhập bình quân đầu người được tính bằng thóc, năm 2011, trung bình khoảng 560kg/người/năm.
Ở làng bây giờ hầu như chỉ có người già và trẻ nhỏ vì khoảng 1/3 dân số trong độ tuổi lao động đều đã di dân đi kiếm sống ở khắp nơi. Một điều đặc biệt là tuy tha phương nhưng bản sắc văn hóa, nền nếp, phong tục tập quán ở Đại Lai vẫn được người dân bảo lưu, gìn giữ, không có sự lai căng, pha tạp về văn hóa hay trong lối sống người dân. Đại Lai hôm nay vẫn thuộc về miền đất cổ. Người Đại Lai hồn hậu, chất phác, thật thà…
Chia tay làng cổ Đại Lai khi ráng chiều lấp lánh, gió từ sông Đuống lồng lộng thổi bung làn khói bếp lam chiều đang bồng bềnh, vấn vít từ những mái ngói nâu trầm. Cuộc sống còn đang tiếp nối, rồi đây sự chuyển mình hòa nhịp với thời đại sẽ là tất yếu nhưng tin rằng đất và người Đại Lai đủ sức giữ mãi vẻ đẹp bình yên, hồn hậu này.
Bài, ảnh: Thuận Cẩm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét