Canh Hoạch hay còn gọi là Kẻ Vác, nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội, nổi tiếng với nghề làm quạt. Tương truyền, quạt Canh Hoạch có cách đây gần 200 năm do cụ Mai Đức Siêu truyền nghề cho dân làng.
Đến nay, Canh Hoạch vẫn là làng nghề sản xuất quạt giấy lớn nhất ở nước ta và đáng quý hơn, người dân ở đây vẫn đang gìn giữ kỹ thuật làm quạt sừng có châm kim hoa văn tinh xảo.
Kỳ công quạt sừng
Quạt sừng được bày chật lối đi trong nhà anh Hướng
Chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Văn Hướng, cháu nội của cụ Trần Văn Niệm - người được vinh dự làm quạt tặng Cụ Hồ năm 1946. Đây cũng là gia đình còn lại ở Canh Hoạch làm quạt sừng. Chị Trịnh Thị Liệu - vợ anh Hướng - vui vẻ mang ra những mẫu quạt cho chúng tôi xem.
Hai thanh sừng trâu ở nan cái (nan ngoài cùng) chiếc quạt được gọt giũa cẩn thận, đen bóng và cứng cáp. Những nan quạt bên trong được chọn từ cật tre đã qua xử lý mối mọt, thanh nào cũng mịn màng chứ không xơ như những thanh nan thường. “Một chiếc quạt sừng loại tốt có thể dùng được vài chục năm mà khung quạt chưa hỏng” - chị Liệu cho biết.
Sừng trâu để làm quạt được đặt mua về từ Thường Tín, Hà Nội. Sừng mua về là những thanh nhỏ còn thô và được chế biến theo yêu cầu của khách. Anh Hướng chia sẻ: “Quạt làm muốn ưng ý thì từng thanh sừng phải được mài bằng dao và giấy nhám. Bây giờ có máy mài nhưng tôi vẫn giữ thói quen làm bằng tay của các cụ truyền lại”.
Những chiếc quạt sừng như thế này có giá dao động 5.000-12.000 đồng/chiếc tùy kích cỡ to nhỏ
Thông thường thanh sừng chỉ được mài nhẵn và làm bóng mà không có họa tiết cầu kỳ. Khi khách hàng yêu cầu thì nghệ nhân có thể tạo thêm những nét trang trí đơn giản lên thanh sừng.
Tre để làm quạt giấy bình thường có thể không cần chọn lựa và xử lý kỹ nhưng tre để làm quạt sừng nhất định không thể chọn cẩu thả. Tre phải được chọn từ những cây tre già, ngâm nước hàng tháng trời sau đó được ngâm thuốc để xử lý mối mọt. Đặc biệt, người thợ chỉ lựa phần cật của thân tre để làm nan cho quạt sừng. Từng thanh nan sau đó được người nghệ nhân vót, gọt bằng đôi bàn tay thuần thục của mình.
Giấy dó làm quạt mua từ Bắc Ninh, được dán vào khung quạt bằng một thứ keo tự nhiên đặc biệt đó là nước quả cậy. Theo anh Hướng, nước quả cậy nhà anh dùng được mua từ một mối quen ở Hải Phòng từ thời xa xưa. Quạt được phơi khô, sau đó mới đem đi châm kim tạo thành các mẫu hoa văn tinh xảo.
Nếu quạt sừng là thứ chỉ thấy ở Canh Hoạch, Việt Nam thì châm kim hoa văn quạt lại càng là thứ độc nhất vô nhị. Đây là một thủ pháp kỹ thuật phức tạp và độc đáo, không phải ai cũng có thể làm được. Nghệ nhân duy nhất còn có thể châm kim cho quạt giấy hiện nay là bác Mai Thị Choi, 55 tuổi, người làng Canh Hoạch.
Bác Choi cho biết điều đặc biệt của kỹ thuật châm kim là không cần vẽ sẵn hình mẫu, mà hình ảnh như từ trong óc cứ hiện dần ra theo bàn tay cầm kim rê đi thoăn thoắt trên nền tím thẫm của quạt, nào là rồng chầu mặt nguyệt, long cuốn thủy, hổ vần cầu, bộ tranh tứ linh, tranh bốn mùa... Cầm quạt soi lên trời sẽ thấy hình vẽ hiện lên như một bức họa mà đường nét là những lỗ kim liền nhau.
Chính bởi sự cầu kỳ đó mà từ xưa quạt sừng ở Canh Hoạch đã được dâng lên vua quan triều đình hay để bán cho những thương gia giàu có.
Gìn giữ tinh hoa
Chiếc quạt sừng “gia truyền” đã tồn tại hơn 30 năm mà không hề bị mối mọt
Anh Hướng tâm sự: “Đã có nhiều người làng đến nhà tôi học nghề nhưng không theo được vì nghề này cần sự cầu kỳ và tỉ mỉ. Hơn nữa, so với một số nghề phụ khác thì làm quạt bây giờ thu nhập thấp, người ta cũng vì kế sinh nhai mà chuyển nghề". Bởi vậy từ nhiều đời nay dòng họ Trần ở Canh Hoạch luôn truyền nghề làm quạt sừng cho một người con trai và con dâu.
Cụ Trần Văn Đần sinh được sáu con trai, nhưng chỉ có mình anh Hướng theo bố làm quạt từ bé và kế nghiệp đến bây giờ. Chị Liệu chia sẻ: “Có lần nghĩ đến việc bỏ nghề để làm lồng chim với mức thu nhập cao hơn, nhưng nhớ lại những lời bố chồng dặn dò là tôi không thể từ bỏ được cái nghề này”.
Gia đình anh Hướng hiện có hai người con trai, cả hai đều được dạy nghề làm quạt sừng để phụ giúp bố mẹ nhưng anh chị vẫn tỏ ra lo ngại việc đời sống kinh tế sẽ kéo con mình ra khỏi nghề gia truyền này.
Kỹ thuật châm kim đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay và trí sáng tạo của người thợ để tạo nên những hoa văn trên quạt
Bác Choi, truyền nhân duy nhất của làng về kỹ thuật châm kim, cũng rất muốn được truyền nghề lại cho thế hệ sau. Bác Choi cho biết châm một chiếc quạt loại to cũng chỉ kiếm được 2.000-3.000 đồng, mỗi ngày chỉ có thể châm được 50.000 đồng. Với mức thu nhập ít ỏi như vậy nên thanh niên trong làng không ai có ý theo học nghề của bác. Ngay cả cô con gái út đang học lớp 11 cũng có ước mơ là bác sĩ chứ không phải một nghệ nhân nối nghiệp mẹ.
Chợt nghĩ quạt sừng đã mang lại bao danh tiếng cho làng Canh Hoạch thì nay lại có bấy nhiêu âu lo, thổn thức cho số phận tương lai của nghề… Mai này ở Canh Hoạch, ai sẽ còn làm quạt sừng và châm kim hoa văn quạt giấy?
Công đoạn vót nan quạt
Những chiếc quạt đã đóng “sừng”
Mài phần sừng cho quạt nhẵn
Bác Mai Thị Choi thực hiện kỹ thuật châm kim hoa văn lên chiếc quạt lớn. Bác cho biết chỉ cần 30 phút là có thể châm xong và giá tiền công là 3.000 đồng/chiếc
Chỉ cần đưa ra ánh sáng ta sẽ thấy rõ những hoa văn trên quạt sừng
Theo TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét