Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Bí ẩn về người đẹp 'kế mỹ nhân' Việt xưa

Công chúa An Tư đã đã khiến tướng giặc Thoát Hoan mê mẩn, chậm trễ tấn công Thăng Long... dẫn đến đại bại, phải tháo chạy về Tàu.

Là con gái vua Trần Thái Tông, em gái út của vua Trần Thánh Tông, thuộc nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, Công chúa An Tư liễu yếu đào tơ, bất đắc dĩ trở thành người đẹp “kế mỹ nhân” dưới trướng Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt. Bà đã có công lớn góp vào chiến thắng chung của cả dân tộc, nhưng sử sách ghi chép rất sơ lược về cuộc đời bà. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết vẻn vẹn: "Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy".  
   
Khiến tướng giặc si mê… “trễ” việc nước
Tháng Chạp năm Ất Dậu (1285), hơn nửa triệu quân nguyên do Thoát Hoan cầm đầu, tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Khi giặc áp sát kinh thành Thăng Long, tình hình trở nên vô cùng căng thẳng, nhiều tôn thất nhà Trần như: Trần Kiện, Trần Lộng và hoàng thân Trần ích Tắc đã đem toàn bộ gia quyến và liêu thuộc đi đầu hàng.

Trần Khắc Trung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc không có kết quả, mà quân ta lại cần có thời gian để củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu, nên vua Trần Thánh Tông không còn cách nào khác, phải dùng đến kế mỹ nhân, tức sai dâng em gái út cho Trấn Nam Vương Thoát Hoan, để tạm cầu hòa.

Tuân theo lệnh vua và vì an nguy của xã tắc, công chúa An Tư đã từ bỏ cuộc sống êm ấm, nhung lụa trong cung đình, vĩnh biệt bè bạn để hiến dâng tuổi trẻ, đời con gái, kể cả tính mạng để lâm trận đơn độc và làm nội gián cho triều Trần. Tháng 3 năm 1825, An Tư vào dinh Thoát Hoan (ở bờ bắc sông Hồng). Ở trại giặc, công chúa đã sống như thế nào, làm được những gì – không ai biết. Song, một điều rõ rằng, bà đã phải âm thầm nuốt nhục, chiều chuộng con trai của Hốt Tất Liệt.

Công chúa An Tư. Ảnh minh họa
Đúng là “anh hùng không qua ải mỹ nhân", vì quá si mê An Tư, Thoát Hoan rơi vào ma trận tình cảm, đã chậm trễ tấn công Thăng Long, tạo cơ hội quý cho quân nhà Trần có thể rút lui một cách an toàn; và sau đó, đến tháng Tư cùng năm, phản công dữ dội ở hầu khắp các mặt trận, khiến cho quân Nguyên đại bại, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn qua biên giới.

Còn công chúa An Tư - sống hay đã chết trong loạn lạc, hay đã được đưa về Tàu? Trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong ở Trung Quốc, có ghi: “Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”. Người con gái họ Trần này có thể là công chúa An Tư, tuy nhiên chưa có chứng cứ rõ ràng khẳng định điều này.

Góp công lớn vào cuộc chiến chống Nguyên Mông

Sau chiến thắng, các vua Trần làm lễ tế lăng miếu khen thưởng công thần, truy phong tướng lĩnh, nhưng không ai nhắc đến An Tư. Thế nhưng, Dù triều Trần và sử sách có quên nàng thì các thế hệ đời sau vẫn dành cho nàng sự kính trọng, thương cảm…

Minh chứng cho điều này là với những tư liệu ít ỏi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tác tiểu thuyết lịch sử An Tư để ca ngợi và xót thương cho số phận bi kịch của nàng công chúa “vì nước quên thân”. Trong tác phẩm, An Tư có người yêu là Chiêu Thành Vương Trần Thông (con cả của Thái úy Trần Nhật Hiệu) đã hy sinh trong trận chiến này. Khi Thoát Hoan tháo chạy, nàng đã quỳ bên mộ Trần Thông và nhảy xuống sông Cái tự vẫn.

GS. Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á Việt Nam, cũng viết: “Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á - Âu. Trong chiến công chung đó, người ta ghi nhận sự đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư”.

Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ An Tư, ghi rằng: “...Một ngày trong tháng 2 năm 1285, Trung Hiếu hầu Trần Dương nhận lệnh đi thương thuyết giảng hòa, rồi sai quan hầu cận là Đào Kiên đưa công chúa An Tư sang dinh tướng Mông Nguyên (Thoát Hoan). Chẳng bao lâu, dưới sự chỉ huy kháng chiến của Trần Quốc Tuấn, quân Nguyên Mông bị dẹp tan. Trong chiến công này, rõ ràng là có sự đóng góp của công chúa An Tư, người đã hy sinh vì nạn nước”.
Vĩnh Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét