Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Cận cảnh khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau: Chim bồ nông

Chim bồ nông hay còn gọi là bồ nông chân xám là một trong những loài chim quý có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới nêu trên mà các nhà khoa học rất quan tâm.
Chim bồ nông chân xám có tên khoa học là FELECANUS PHILIPPINENSIS. Đây là loài chim rất lớn ở rừng ngập mặn Cà Mau hiện nay, trọng lượng mỗi con từ 5-7 kg. Chúng sống theo đàn, mỗi đàn từ vài chục đến vài trăm con.
 
Theo những người lớn tuổi, ngày xưa chim bồ nông sinh sản ở rừng U Minh Hạ, nhưng ngày nay chúng không còn ở đó nữa, nhưng ở đâu thì không ai biết, chỉ biết là vào mùa mưa - từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm, chim thường kéo về từng đàn săn mồi ở khu vực bãi bồi thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và một số vuông tôm ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Khi hết mùa mưa, chúng lại kéo nhau đi và mùa mưa năm sau lại về.
Điều đáng buồn là số lượng bồ nông trở về vườn quốc gia mỗi năm đều giảm dần. Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, năm 2005 ở khu vực bãi bồi có hàng ngàn con, thì những năm sau này, còn chỉ vài trăm con, thậm chí có năm chỉ vài chục con. 
Nạn săn bắt mang tính hủy diệt đã làm cho đàn chim bồ nông ở rừng ngập mặn ngày càng thưa thớt và vắng bóng dần.
 
Ông Tư Na ở thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, có một vuông tôm khoảng 10 ha, trong đó có 4 ha rừng đước đã hình thành một sân chim với hàng chục loài, trong đó có khoảng trên trăm con chim bồ nông về trú ngụ vào mùa mưa hằng năm. Thế nhưng số lượng cứ giảm dần và hiện nay chỉ còn hơn chục con. Ông cho biết, nạn săn trộm rất tinh vi. Bọn trộm dùng súng và các loại thuốc độc tẩm vào cá, không cách nào bảo vệ nổi.
Chim biểu hiện cho đất lành, cho sự thanh thản, tự do và bền bỉ. Đời sống của chúng làm cho cảnh sắc thiên nhiên thêm tươi đẹp và ý nghĩa. Chúng ta hãy yêu quý và quan tâm bảo vệ đàn chim./.
Phóng sự nhiều kỳ của Nguyễn Thanh Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét