SGTT.VN - Gần đây một số người bệnh có truyền tay nhau tài liệu chép lại từ mạng internet, phổ biến bài thuốc lọc thận bằng ngò tây. Bài thuốc khá đơn giản: lấy một bó ngò tây, rửa sạch rồi cắt thành những đoạn ngắn cho vào ấm, đổ nước sạch vô và nấu sôi trong mười phút. Sau đó để nguội, lọc lại, đổ vào một bình sạch, cho vào tủ lạnh. Mỗi ngày uống một ly sẽ thấy muối và các chất độc tích tụ thải ra khỏi thận qua đường tiểu.
Phụ nữ đang mang thai, người bị sỏi thận và viêm bàng quang, huyết áp thấp, thiếu máu không nên dùng ngò tây. Ảnh: Allison |
Tài liệu trên còn dẫn ra một số câu chuyện của người bệnh sỏi thận ở Úc, Mỹ, Pháp... từng áp dụng bài thuốc này và có kết luận của bác sĩ họ đã tiêu hết sỏi. Có người còn bày cách khác, theo công thức 1/5, nghĩa là mỗi lần mua năm đôla món nào có ngò tây thì mua thêm một đôla ngò tây ăn kèm. Ăn trong vòng một năm thì người này nhận thấy hai quả thận đã sạch sỏi, cho độ cương dương bền bỉ như đàn ông tuổi đôi mươi. Y học cổ truyền nhìn nhận như thế nào về bài thuốc đông y này?
Những công dụng của ngò tây
Ngò tây, còn gọi là rau mùi tây, tên khoa học petroselimun sativun Hoffm. Cây có xuất xứ từ khu vực Địa Trung Hải, trồng nhiều ở châu Âu để làm rau gia vị. Ngò tây có hai giống phổ biến là loại lá phẳng và loại lá xoăn. Ngoài ra còn có giống cây lấy củ. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu. Nghiên cứu hiện đại cho biết, trong từ 25 – 30g lá ngò tây tươi chứa khoảng 70mg vitamin C, bằng lượng vitamin cần thiết cho người lớn trong một ngày. Lá ngò tây cũng chứa các vitamin như B1, B2, phospho, kali, carotin; thân củ chứa khoảng 4% protein và trên 7% đường. Tại một số khu vực ở châu Âu và Tây Á, nhiều món ăn được chế biến với lá ngò tây thái nhỏ rắc lên trên. Ngò tây cũng là thành phần cơ bản trong một số món xàlách của khu vực Tây Á. Ngoài ra, ngò tây còn có giá trị như một chất làm thơm hơi thở, do nồng độ cao của diệp lục. Adam Blackman, một nhà dinh dưỡng học cho rằng ngò tây có tác dụng làm tinh thần tỉnh táo và ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của con người. Thành phần sử dụng chủ yếu của ngò tây là lá, giống như ngò tàu, mặc dù loài này có mùi vị nhẹ hơn.
Coi chừng bị sỏi thận! Trong ngò tây chứa khá nhiều axít oxalic (khoảng 1,7%), là một hợp chất tham gia vào sự hình thành sỏi thận và gây ra các thiếu hụt chất dinh dưỡng. Do đó tuỳ tiện sử dụng nhiều ngò tây sẽ có nguy cơ mắc sỏi thận chứ không thể tiêu sỏi như tin đồn. Ngoài ra, với tính năng kích thích cơ thể cao, ngò tây được chống chỉ định không dùng cho phụ nữ đang mang thai. Người bị sỏi thận và viêm bàng quang, huyết áp thấp, thiếu máu cũng không nên dùng. |
Trong đông y, ngò tây được ghi nhận có tác dụng kích thích thần kinh, giúp khai vị, dễ tiêu hoá, giải độc, dãn mạch, điều hoà kinh nguyệt... Thường được dân gian dùng dưới dạng thuốc sắc, liều từ 25 – 50g, uống để chữa các chứng như suy nhược, khó tiêu, ăn không ngon, đầy hơi... Ngoài ra, còn giã đắp để trị căng sữa, tiêu sưng, sưng vú. Trong các loại ngò tây, được sử dụng nhiều là ngò tây lá xoăn vì mùi thơm hơn, mặc dù kết quả phân tích hoá học cho thấy hàm lượng các tinh dầu trong giống lá phẳng cao hơn.
Bài thuốc còn nhiều nghi vấn
Trở lại bài thuốc lọc thận bằng ngò tây đang được nhiều người thực hành, cần nhấn mạnh một điều, hiện chưa có nghiên cứu y học nào ghi nhận hiệu quả ngò tây có khả năng lọc thận. Ngay cả các bài thuốc chữa bệnh từ ngò tây đang phổ biến, đa phần cũng đều là do kinh nghiệm dân gian, truyền miệng mà ra. Chưa có tài liệu đông y chính thống nào của Việt Nam minh chứng những tác dụng chữa bệnh đó. Một số tài liệu tham khảo của nước ngoài cũng chỉ đề cập ngò tây có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh cao huyết áp, điều kinh, lợi tiểu, chống phù, trị chứng đái són... Đến nay, quan điểm y học cổ truyền vẫn coi ngò tây là một loại rau gia vị, có tác dụng giải cảm hơn là một vị thuốc.
Ngay cả khi áp dụng bài thuốc trên như một kinh nghiệm dân gian thì cũng còn nhiều điều nghi vấn, như bài thuốc không nói rõ liều dùng nên uống bao nhiêu? Dược tính nào trong ngò tây đã lọc sạch thận, lợi tiểu như vậy? Ai là người dùng được, ai không? Các chỉ số đơn giản nhất cho một bài thuốc cũng không có thì làm sao có thể tin hiệu quả an toàn tuyệt đối. Trong khi đó, một số nghiên cứu lâm sàng mới đây ở Trung Quốc đã đưa ra kết luận dầu của các loại ngò tây có thể gây ảo giác nếu dùng quá nhiều.
Với một bài thuốc còn quá nhiều nghi vấn như thế thì rõ ràng chưa nên áp dụng mà không có sự theo dõi của các thầy thuốc.
THS.BS VÕ THỊ THU
GIẢNG VIÊN BỘ MÔN ĐÔNG Y, HỌC VIỆN
Y DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
GIẢNG VIÊN BỘ MÔN ĐÔNG Y, HỌC VIỆN
Y DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét