Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Chảo nước trong giữa rừng già

Chảo nước trong giữa rừng già
Được viết bởi: Duong Binh Nguyen | 22/04/2011
Bắc Kạn có suối đãi vàng
Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh
Tháng Giêng, người lần ngược rừng già nghe hát then, hát lượn, xem hội ném còn, xem chơi bắt vịt; người ngược Phủ Thông qua đèo Gió, đèo Giàng tìm hoa chuối đỏ tươi, tìm măng đắng mới nhú; người ngược sông Năng bằng thuyền độc mộc thả lưới bắt cá, tất cả cuối cùng đều tụ lại, soi mình vào chảo nước trong veo giữa rừng già. Hồ Ba Bể!
 

 
Hồ Ba Bể! Lửng lơ giữa bốn bề là núi, chứa vào lòng mình cả mấy ngàn năm trầm tích, như những thân gỗ nghiến già trẫm mình ngàn năm dưới lòng nước, tạo nên một không gian huyền thoại. Không ai tát cạn được hồ Ba Bể, không ai biết có bao nhiêu giống loài sinh sống. Chỉ biết, từ khi người ta phát hiện ra vùng nước trong xanh ấy, là lúc các giống loài biết sống hòa thuận, trên rừng dưới nước; cá chưa bao giờ hết, nước cũng chưa bao giờ vơi. Như một bộ lọc tự nhiên hoàn hảo, hồ Ba Bể đã tự tạo cho mình một vẻ đẹp của sự tự nhiên, mộc mà thanh, trầm sâu đến không ngờ.
 

 
Người Bắc Kạn có hồ Ba Bể làm niềm tự hào. Đường lên Ba Bể không rộng, lượn quanh sườn đèo. Ngày xuân có thể thấy hoa mận nở tràn quanh hàng rào nhà sàn người Tày, người Nùng, người Mông. Xe chạy ào qua những con dốc, thoáng nhìn những tầng ruộng bậc thang tăm tắp như những xấp vải đa màu. Đi vượt đèo, có khi nghe từ xa tiếng mõ trâu lốc cốc, từng bầy trâu tìm lộc non giữa những cơn mưa phùn lay phay. Đám trẻ cùng hùa nhau đốt lửa trên bãi, chơi cù, đánh đáo, chơi khăng. Phía xa, những người mẹ địu con, những cô gái áo đỏ áo xanh, quấn khăn xanh đeo vòng bạc, cùng bắt đầu dọn bãi, làm nương tra mố, trồng sắn. Khói đốt bãi xanh như những vầng mây, quẩn vào không gian, quẩn vào chân người, khiến lối vào Ba Bể bồng bềnh, gợi cảm giác kỳ lạ.
 

 
Từ thị trấn Chợ Giã, thuyền đi qua sông Năng để đến động Puông. Con sông Năng hiền hòa, chảy cả đời mình vào lòng núi, tạo thành một kỳ quan dài hơn 100m với trần cao tới 10m. Động Puông như một công trình thiên tạo, với những hình thù của đá đẹp đến kinh ngạc. Đi trong ánh sáng mơ hồ của động Puông, cảm giác bước vào một thế giới khác, huyền ảo và lạ lùng. Qua động Puông sẽ là thác Đầu Đẳng. Con thác cao hơn ba chục mét, chảy ào ạt giữa những tán lá xanh. Và những con nước trắng xóa đổ òa vào lòng hồ. Đi qua thác Đầu Đẳng, bất ngờ sẽ hiện ra một không gian tách biệt. Dường như mặt đất đã trũng xuống, núi như dựng cao hơn, những tán cây nguyên sinh la đà. Ấy là lúc được tận mắt nhìn rõ nhất, đi du ngoạn trên vùng nước non ngàn tuổi. Hồ Ba Bể.
Hồ Ba Bể. Thuyền chạy nhẹ qua những vùng nước hẹp rồi lại mở ra cả một vùng ánh sáng xanh lục mênh mông, như những hồ lô nước. Trên hồ lô nước ấy sẽ gặp những cô gái áo chàm đi thuyền độc mộc đi hái măng, đi rửa lá chuối gói bánh hay đơn giản là đi lên rừng tìm rau bầu khai; sẽ gặp những lực điền quần xắn móng lợn, ngực trần  tung lưới đánh cá và gặp cả những em nhỏ quàng khăn đỏ tự lái thuyền qua mặt hồ để tới trường. Đi trong lòng hồ cảm giác như đang trôi trên huyền thoại. Lần lượt nhìn thấy đảo Bà Góa, gò Giã Mại, lạc vào Ao tiên, mỗi gốc cây, mỏm đá nhô lên trong lòng hồ cũng chính là một huyền thoại, mà người Bắc Kạn ai cũng thuộc lòng. Ao Tiên chính là nơi các nàng tiên xuống tắm và đánh cờ. Đảo Bà Góa là nơi xuất phát của huyền thoại hồ Ba Bể. Chuyện kể rằng, xưa có bà tiên muốn thử lòng người, liền giả làm người ăn mày nghèo khổ. Đi tới đâu bà cũng bị xua đuổi, nhưng riêng mẹ con bà góa nghèo cho bà ăn cơm và ngủ qua đêm. Người ăn mày ăn cơm xong cảm kích, liền tặng mẹ con bà góa một nhúm tro, một hạt thóc và bảo: “Khi nào có lũ lụt, hãy rắc tro quanh nhà và bóc hạt thóc, lấy vỏ trấu làm thuyền nhé”. Nửa đêm, khi thức giấc, mẹ con bà góa đã thấy người ăn mày đi mất. Mặt đất rung chuyển. Bà góa đem tro rắc quanh nhà. Mưa 7 ngày 7 đêm, khi nước ngập tới nhà bà bóc vỏ trấu thả xuống. Những chiếc vỏ trấu mỏng manh đã hóa thành thuyền độc mộc. Đảo Bà Góa hôm nay chính là ngôi nhà năm ấy…
 

 
Thăm hồ Ba Bể là đi thưởng ngoạn thiên nhiên, đi tìm cái hoang sơ của trần thế, chứ không phải để đi nghỉ dưỡng. Có lẽ đây là khu du lịch suy nhất không có người đeo bám bán hàng rong, không có chuyện nhà nghỉ mọc lên la liệt. Chỉ có rừng và nước. Chỉ có ta với ta.
Dường như năm nào tôi cũng ghé hồ Ba Bể. Cảnh vẫn vậy, nhưng mỗi lần lòng mình lại khác. Đôi khi không có một lý do nào cụ thể. Đôi khi đi hồ để được chạy xe giữa hai bên là rừng nguyên sinh, cảm giác mát lạnh xuyên qua làn áo mỏng. Đôi khi để được đi trên thuyền độc mộc của một cô gái Tày dẫn vào làng người dao Khưa Quang ăn cá nướng. Đôi khi chỉ là đi tìm loài bầu khai mọc nơi đầu suối về cho mẹ nấu một bát canh tươi. Và đôi khi chẳng để làm gì cả, chỉ như một người tình, hò hẹn trở về, chỉ là muốn làm một người tình thủy chung. Nhưng Ba Bể không bao giờ bội ước. Vẫn núi này, rừng ấy, nước vẫn phẳng lặng, bướm vẫn bay trên ao tiên ảo huyền, như loài hương cũ của các nàng tiên lưu lại.
Tháng giêng tôi lại lên Ba Bể. Hai làng người Tày đang mở hội đua thuyền độc mộc bắt vịt trên hồ.
Tháng giêng tôi lại một lần trở về.
Ba Bể, người tình ngàn năm, không bao giờ bội ước…
 

 
Thông tin thêm:
* Hồ Ba Bể nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên hồ Ba Bể (thuộc thị trấn Chợ Giã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), rộng gần 500 ha, trải dài 8 km, gồm 3 hồ chính, với 3 sông chảy vào đó là sông Năng, sông Tả Han và sông Nam Cường. Hồ Ba Bể được thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới.
* Có thể đi tour 2 đêm 3 ngày từ Hà Nội lên Ba Bể, giá tour dưới 1 triệu đồng và có thể book ở bất cứ công ty du lịch nào. Tuy nhiên, bạn có thể “phượt” theo nhóm bằng xe máy để có thể chụp được nhiều ảnh đẹp và có thể rẽ vào những phiên chợ vùng cao dọc hai bên đường. Khoảng cách từ Hà Nội lên Ba Bể là hơn 200km.
* Đặc sản của khu du lịch này là rau rừng và cá đánh dưới hồ. Có thể mua được những món rau tươi nhất của người Tày, người Dao với giá rẻ đến bất ngờ. Và nếu muốn, bạn có thể mua áo chàm, vòng bạc và đàn tính làm đồ lưu niệm, loại đàn để hát then của người Tày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét