(HNM) - Làng Cốc Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì nằm cách quốc lộ 32 và trung tâm huyện không xa, nhưng vẫn giữ được nét thanh bình với cây đa, giếng nước, sân đình đặc trưng của vùng nông thôn truyền thống. Đặc biệt, Cốc Thôn vẫn còn hàng chục ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm được bảo tồn khá nguyên vẹn. Cốc thôn yên bình, lặng lẽ; rất ít người biết đến.
Xóm nhà cổ
Theo con đường bê tông uốn lượn vào làng Cốc Thôn, chốc chốc chúng tôi lại gặp một ngôi nhà mái ngói thâm nâu, cổ kính, những bức tường đá ong xù xì được xây bằng vữa đất. Cán bộ văn hóa xã Cam Thượng Quách Thị Hồng cho hay, ở Ba Vì, Cốc Thôn được ví như "làng cổ tích" bởi đến nay còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa và kiến trúc truyền thống của người Việt tồn tại từ hàng trăm năm trước".
Cụ Nguyễn Thị Mẫn và ngôi nhà đã tồn tại hàng trăm năm.
Nằm trong con ngõ nhỏ gần đình Cốc có căn nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị Mẫn, 84 tuổi, được đánh giá là một trong những ngôi nhà cổ kính nhất làng. Cụ Mẫn cho hay, từ thời cụ về làm dâu trong gia đình đã được nghe bà nội chồng kể về ngôi nhà. Thời đó, các cụ thường tranh thủ những ngày nông nhàn vào rừng chặt gỗ, rồi cho trâu kéo về, phải tích cóp rất lâu mới đủ gỗ làm nhà. Ngôi nhà ấy đã qua sáu, bảy thế hệ. Ông Nguyễn Bá Tạo, con trai cụ Mẫn cho biết thêm, các đoàn nghiên cứu, khảo sát về thăm, đọc đôi câu đối còn lưu lại ở gian giữa đã cho rằng ngôi nhà được xây vào đời vua Tự Đức. Nhà được làm theo kiến trúc truyền thống: 3 gian, 2 buồng, 1 dĩ, mái lợp ngói mũi, cửa gỗ kiểu bức bàn, các vì kèo được khéo léo kết hợp với nhau theo lối câu đầu lộn túi, nhà được đỡ bằng hệ thống cột 5 hàng chân, tường nhà xây bằng đá ong, vữa đất… Các họa tiết trên gỗ được trạm trổ hoa văn vô cùng tinh xảo. Trong nhà, đồ thờ tự như ban thờ, án gian, câu đối, hoành phi… vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Xóm Đình chỉ có 14 nóc nhà nhưng còn 3 nhà cổ có giá trị, như nhà của ông Nguyễn Bá Thắng (anh em họ với ông Tạo) được làm cùng thời kỳ với nhà của ông Nguyễn Bá Tạo nay vẫn còn khá vững chãi với 3 gian, 2 buồng và 1 dĩ. Bà Lã Thị Du, Trưởng thôn Cốc Thôn cho biết, cả thôn có khoảng 200 nóc nhà thì có tới 60 nhà cổ có tuổi đời từ 100 năm đến 300 năm, trong đó 20 nhà có giá trị đặc biệt cả về niên đại và kiến trúc. Đặc trưng các ngôi nhà ở đây đều theo kiến trúc truyền thống với 3 gian, 2 chái, lợp ngói mũi, tường xây gạch chỉ hoặc đá ong liên kết với nhau bằng vữa đất vững chắc. Trong đó, nhiều ngôi nhà có quy mô lớn, lâu đời như nhà của ông Nguyễn Bá Tạo, Lã Hữu An, Nguyễn Đăng Đại, Nguyễn Văn Uyển... là niềm tự hào của người dân trong làng.
Nhiều nhà cổ đã xuống cấp, mối mọt, cần được bảo vệ.
Cấp bách bảo tồn
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Cam Thượng, Cốc Thôn nói riêng và xã Cam Thượng nói chung kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo. Ở Cốc Thôn, mỗi hộ thường có 3-5 sào ruộng cấy lúa và 1-3ha đồi trồng keo, trồng sắn và chăn nuôi nhỏ; dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp không phát triển. Kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Không hiểu có phải đó là lý do chính hay do người Cốc Thôn đã ý thức được việc gìn giữ những ngôi nhà cổ mà hàng chục năm nay, nhà cổ ở Cốc Thôn vẫn còn rất nhiều. Cùng với hệ thống nhà cổ, Cốc Thôn còn giữ được khá nguyên vẹn các thiết chế văn hóa như đình làng, ao làng, giếng làng… "Trong đời sống sinh hoạt, người dân Cốc Thôn vẫn giữ được nền nếp gia phong, nhiều thế hệ cùng sinh sống dưới một nếp nhà, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Chẳng thế mà ở Cốc Thôn, tệ nạn xã hội hầu như rất khó vào làng" - ông Nguyễn Bá Sơn khẳng định. Nét độc đáo nhất ở Cốc Thôn là hiện còn lưu giữ tục lệ ăn tiệc làng. Vào ngày hội làng 17 tháng Giêng hằng năm, già trẻ trai gái lại tắt bếp nhà, tụ tập đông đủ ra đình làng tế lễ tưởng nhớ công ơn của cha ông đã lập làng, cùng ăn cỗ, cỗ chỉ 4 người ngồi một mâm theo 4 góc. Lệ này có từ hàng trăm năm qua và nay vẫn được duy trì.
Mặc dù giữ được khá nguyên vẹn các nhà cổ đặc trưng của vùng nông thôn truyền thống nhưng do được làm từ quá lâu nên nhiều ngôi nhà ở Cốc Thôn đã bị xuống cấp. Ông Nguyễn Bá Tạo cho hay, từ khi làm đến nay, đã có lần ngôi nhà được tu tạo lớn, nối cột, tôn cao nền, còn những lần sửa chữa nhỏ thì rất nhiều. Hiện nay, ngôi nhà có một số chỗ bị mối mọt, gia đình rất băn khoăn không biết liệu nó còn tồn tại được bao lâu nữa. Ông Nguyễn Bá Tạo cho biết: "Nhiều người hỏi sao không xây lại nhà cho chắc chắn nhưng tôi không muốn. Tôi vẫn thích ở nhà cổ, vừa thoáng mát vào mùa hè, ấm cúng vào mùa đông. Có điều kiện, tôi mong muốn sửa chữa cho chắc chắn hơn". Đằng sau suy nghĩ giản đơn ấy, ông muốn giữ lại ngôi nhà tổ tiên bao đời để lại cho con cháu. Nhưng không phải ai cũng có quyết tâm giữ nhà cổ như ông Nguyễn Bá Tạo. Do nhiều ngôi nhà đã quá xuống cấp, không bảo đảm an toàn và bức xúc về chỗ ở nên cũng có một số ngôi nhà đã bị chủ nhân phá bỏ. Gần đây nhất, năm 2011, ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi của gia đình ông Đặng Văn Chinh được tháo dỡ để thế vào đó một ngôi nhà cao tầng khang trang hơn.
Điều lạ lùng là dù chỉ cách xã Đường Lâm (Sơn Tây) vài trăm mét nhưng số phận nhà cổ ở Cốc Thôn và Đường Lâm lại hoàn toàn khác nhau. Nhà cổ ở Cốc Thôn chưa được nhiều người biết đến và cũng chưa nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ người dân bảo tồn làng cổ, nhà cổ.
Nguyễn Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét