Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Hòn Đất

Khu mộ Phan Thị Ràng tại Hòn Đất


Hình ảnh Khu mộ Phan Thị Ràng tại Hòn Đất
Hòn Đất nghĩa rộng là một huyện của tỉnh Kiên Giang, nghĩa hẹp là một trong 3 hòn núi nổi lên giữa đồng bằng cách thành phố Rạch Giá khoảng 30 km theo hướng Hà Tiên. Nên xứ Hòn Đất còn gọi là xứ Ba Hòn, gồm Hòn Sóc, Hòn Me và Hòn Đất.
Bà con nông dân Hòn Đất ăn cơm trưa bên bức phù điêu miêu tả cuộc chiến đấu khốc liệt ngày nào
Từ thành phố Rạch Giá theo Quốc lộ 80, qua thị trấn Hòn Đất một quãng ngắn, rẽ tay trái vào con đường nhựa chạy 12 km là đến Hòn Đất.
Hòn Me nằm gần Hòn Đất, còn Hòn Sóc nằm đoạn giữa con đường nhựa. Quốc lộ 80 chạy gần biển Tây nên khi rẽ trái đến Hòn Đất, leo lên đỉnh Hòn Đất cao chừng 200m, nghe trong gió như có mùi biển mặn.
Xứ Ba Hòn là vùng đất gò, đất cao, chăn nuôi trâu bò khá phát triển cùng với rừng và những vườn xoài, dừa, mít xen kẽ ruộng lúa mênh mông. Mùa nào thức nấy, xứ Ba Hòn xanh tươi quanh năm với nhiều sản vật, mấy năm nay thịt trâu, lẩu trâu đã trở thành một đặc sản ẩm thực hấp dẫn du khách gần xa.
Tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức kể về cuộc đụng độ khốc liệt giữa ta và địch hơn 100 ngày xoay quanh núi Hòn Đất, hòn núi cuối cùng nằm mạn Nam trong ba hòn núi.
Thuở đó, Hòn Sóc bị địch chiếm giữ, Hòn Đất là căn cứ của Huyện ủy, Hòn Me là căn cứ của Huyện Đội huyện Hòn Đất, lực lượng cách mạng ở trong các hang đá, hốc đá, gộp đá như trận đồ bát quái mà kẻ địch vây hãm suốt 100 ngày kín xung quanh không tiêu diệt được.
Để hình dung sự phức tạp của các hang đá, xin dẫn câu chuyện của ông Trương Thanh Hồng, Phó giám đốc Đài PT-TH Kiên Giang, kể với PV Tiền phong trong chuyến về Hòn Đất đầu tháng 12/2007.
Ông nói, năm 2003, cơ quan ông xây dựng Trung tâm phát sóng phát thanh và truyền hình trên đỉnh Hòn Me. Một lần khảo sát, các ông phát hiện trong một ngách hang đá có một bộ xương người.
Cạnh bộ xương có một thùng đạn đại liên đựng tài liệu, gồm nhật ký chiến trường, các biên bản họp chi bộ và các mệnh lệnh chiến đấu…
Xác minh biết được thùng tài liệu là của ông Huyện Đội trưởng Hòn Đất thời chiến tranh, ông đã hy sinh, tuy nhiên phần mộ của ông đã có trong nghĩa trang liệt sỹ.
Vậy bộ hài cốt mới phát hiện là của ai? Đến nay chưa xác định được dù biết chắc là của bộ đội ta. Sau giải phóng đã có rất nhiều đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ ở xứ Ba Hòn này, nhưng khó khăn vì hệ thống hang, hốc, gộp đá trong lòng các hòn núi rất rối rắm.
Con đường lên Hòn Me cao chỉ chừng 200m mà có tới 19 khúc cua, có khúc cua chênh vênh bên vực thẳm hun hút ngọn cây cổ thụ với lau lách, gai góc đã cho thấy sườn núi cũng phức tạp nhường nào!
Thế hiểm của đất và sự oanh liệt của con người xứ Hòn còn có thể cảm nhận ở hai tấm đá hoa cương lớn khắc tên liệt sỹ dựng ở lưng chừng núi Hòn Đất.
Đá đen, tên vàng, tấm bên trái nhìn từ dưới lên khắc tên 493 liệt sỹ, tấm bên phải khắc tên 467 liệt sỹ. Những tấm đá hoa cương đặt trên bệ cao, có mái ngói che nhìn xa ngỡ như hai căn nhà xây vào vách núi, vừa có vẻ bi thiết, dữ dội, vừa có vẻ ấm cúng núi non.
Từ hai tấm đá hoa cương bước xuống 37 bậc đá sẽ gặp mộ của nữ liệt sỹ, Anh hùng Phan Thị Ràng. Ngôi mộ được che mái ngói uốn cong như ngôi miếu nhỏ và mái ngói được đỡ bởi 12 cột xi măng vững chãi, uy nghi.
Bà Phan Thị Ràng là nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết Hòn Đất nên nhiều người vẫn thân thương gọi ngôi mộ này là “mộ chị Sứ”.
Thực ra, bây giờ đã phải gọi là bà, bà Phan Thị Ràng sinh năm 1937 ở xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang) theo cách mạng năm 1950 khi mới 13 tuổi và hy sinh vào rạng sáng ngày 9/1/1962 khi mới 25 tuổi ở chân núi Hòn Đất này.
Cuộc đời thực của bà Phan Thị Ràng trở thành nhân vật trong tiểu thuyết dữ dội và tuyệt đẹp dường như không phải thêm thắt. Khi các chiến sỹ quân giải phóng bị vây hãm 100 ngày trong hang núi, được thế hiểm của núi non quê hương che chở, kẻ địch vũ trang tận răng và tập trung sát chân núi nhưng vẫn không “chạm được sợi chân lông”.
Tuy nhiên, những người ở trong hang núi hùng vĩ giữa mùa khô Nam Bộ lại có “gót chân Asin” là thiếu nước uống. Bà Phan Thị Ràng đã khôn khéo và dũng cảm đi hứng nước ở ngọn suối Lươn bằng chiếc nồi đất sản phẩm của xứ Hòn để tiếp tế cho bộ đội trong hang.
Đêm 8/1/1962, bà sa vào tay giặc và kẻ địch nham hiểm đã bỏ thuốc độc vào suối Lươn, đồng thời nới vòng vây cho bộ đội ta đi lấy nước. Trước khi chết, bà Phan Thị Ràng kịp hét vào vách núi báo cho bộ đội trong hang biết nước suối đã có độc. Bà cứu cả một đoàn quân cũng là cứu một chiến thắng oanh liệt.
Cây dừa treo cổ bà Phan Thị Ràng ở khoảnh đất bên trái mộ bà, nhìn từ dưới lên, nay không còn. Nơi đó, nay xanh tươi một vạt dừa lớn lên từ ngày giải phóng, không phải vạt dừa khô héo khói lửa chiến tranh.
Phía trước mộ bà Phan Thị Ràng, chân núi Hòn Đất, hồi nào khét mùi thuốc súng với máu chảy và tiếng kêu la vang động đất trời, bây giờ là khoảng sân rộng ấm ánh nắng thanh bình.
Chính giữa khoảng sân, một hố bom sâu bây giờ thành hồ trồng hoa súng cho khách hành hương trước và sau khi viếng mộ bà Phan Thị Ràng, thanh thản dạo quanh.
Hai bên sân có hai tấm phù điêu tả cuộc sống chiến đấu của quân và dân Hòn Đất một thời, đứng trầm mặc. Bóng cây xoài, dừa tỏa mát rượi nhiều khỏanh sân.
Có một nhóm bà con Hòn Đất làm ruộng hay làm vườn, buổi trưa ngồi ăn cơm dưới bóng cây, bên bức phù điêu. Cuộc sống máu lửa trên bức phù điêu gần đó mà cũng đã thật xa xôi như cả núi Hòn Đất đã ngập trong màu xanh tươi mát, khó hình dung khung cảnh bốn mươi năm trước.
Hòn Đất nay thuộc xã Thổ Sơn (Hòn Đất, Kiên Giang). Ở chân núi, lối vào mộ bà Phan Thị Ràng, hồi nào tập trung súng đạn đe dọa chết chóc, nay là chợ Thổ Sơn có nhiều hàng hóa.
Sản vật Xứ Hòn và sản vật của cả nước, của nhiều nước trên thế giới trưng bày trong tủ kính, trên kệ, trên giá đủ màu sắc rực rỡ. Hai dãy cửa hàng làm nên một đoạn phố khá sầm uất trước mộ bà Phan Thị Ràng, trong đó có tiệm vàng, cửa hàng điện tử, tin học.
Đoạn phố trùm trong bóng cây mát rượi. Đứng ở đây nhìn lên núi Hòn Đất, mái ngói đỏ trên ngôi mộ của bà Phan Thị Ràng như cũng ánh màu xanh, không biết của cây cối xung quanh hay của tuổi 25 vĩnh viễn của bà.
Theo Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét