Tọa lạc bên dòng Nhật Lệ thơ mộng, ghi dấu hào hùng của một thời đất nước còn binh lửa chiến tranh, di tích Nhà thờ Tam Tòa tại Đồng Hới gợi lên trong lòng du khách những xúc cảm thật đặc biệt, nhắc nhớ về quá khứ của ngôi nhà thờ cổ kính có kiến trúc tuyệt đẹp.
Mặt trước tháp chuông - phần còn lại của di tích Nhà thờ Tam Tòa.
Được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1886 bởi linh mục Clause Bonin (cố Ninh). Đến năm 1940, linh mục René Morineau (cố Trung) đã cho tái thiết lại khang trang và hoàn chỉnh hơn…
Cửa - Đỉnh tháp - Hoa văn cửa sổ… kiến trúc Gothic thịnh hành ở Châu Âu thế kỷ XIX.
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Sáu thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Việt Trì, Vinh; 25 trong tổng số 30 thị xã của miền Bắc bị đánh phá nhiều lần, trong đó có 6 thị xã bị hủy diệt (Đồng Hới, Ninh Bình, Phủ Lý, Bắc Giang, Yên Bái, Sơn La), có những thị trấn bị phá trụi như Hà Tu (Quảng Ninh) và Hồ Xá (Vĩnh Linh)… Ngày 11/2/1965, Nhà thờ Tam Tòa đã trở thành mục tiêu tấn công của máy bay Mỹ. Toàn bộ nhà thờ bị đánh sập. Nhưng một sự “may mắn màu nhiệm” đã giữ lại gần như nguyên vẹn phần Tháp chuông dù dính đạn. Phần nhà thờ phía sau chỉ còn sót lại nền móng bằng đá và một cột trụ gạch.
Mảng tường phía sau đã bị bong vữa bởi bom đạn và thời gian nhưng vẫn còn nguyên kết cấu kiến trúc cửa đặc trưng của nhà thờ. |
Ngày nay, phần còn lại của Nhà thờ này đã thành chứng tích chiến tranh theo Quyết định số 143/QĐ-UB ngày 26/2/1997 của UBND tỉnh Quảng Bình. Di tích nhà thờ Tam Tòa đã trở thành một địa điểm thu hút khá đông du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc một nhà thờ Công giáo đặc trưng của một thời quá khứ có tuổi đời trên 100 năm. Những cửa sổ, những mái vòm hay cột gỗ, nền móng bằng đá… mang trên mình cả lịch sử và thời gian ghi dấu kiến trúc Gothic thịnh hành ở châu Âu cuối thế kỷ XIX.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét