Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Làng Liễu Giai

Liễu Giai là một làng nằm ở giữa khu “Thập tam trại” (13 trại ở phía Tây Kinh thành Thăng Long được lập nên do một vị dũng sĩ họ Hoàng người làng Lệ Mật (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên).


Lễ hội truyền thống làng Liễu Giai 
Đây là một làng nhỏ (năm 1926 chỉ có 364 người), phía Đông tiếp giáp với con ngòi chảy từ núi Cung chảy xuống (bên kia con ngòi là làng Đại Yên), phía Bắc giáp làng Vĩnh Phúc, phía Tây giáp cánh đồng làng Kim Mã Thượng, phía Nam giáp đầm Cánh Hàn và Hồ rau Muống (đầm và hồ này đã bị lấp đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước để hình thành đường Liễu Giai, khu ngoại giao đoàn Vĩnh Phúc, Đại sứ quán Nhật Bản, các công sở (như trụ sở UBND quận Ba Đình, trường Thực nghiệm...).
 
Theo một số nhà nghiên cứu, Liễu Giai có nghĩa là “con đường trồng cây liễu”. Vào thời Lý - Trần, nơi đây có nhiều dinh thự của các hoàng tử, công chúa. Họ đã trồng nhiều liễu ven các con đường ở phía Tây Kinh thành Thăng Long, để đối xứng với “Hòe Nhai” (con đường trồng hòe ở phía Đông). Hồi cuối Lê đầu Nguyễn, làng Liễu Giai là một trại thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức), đến đầu thế kỷ XX nâng lên thành một xã thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1942 lại đổi thành Đại lý đặc biệt Hà Nội). Trong làng có các họ lớn là Nghiêm (đông đinh nhất), Trần, Nguyễn, Ngô (ít đinh nhất). Do là làng nhỏ nên không chia thành giáp. 
 
Xưa kia làng Liễu Giai có ít ruộng, trong đó hầu hết là ruộng công, chia cho các suất đinh mỗi người được nửa sào, nên trong làng chỉ có một số người làm ruộng bằng cách thuê lại ruộng của các gia đình khác. Các gia đình trong làng phần lớn đi làm công tại các nhà máy Rượu bia, Thuốc lá, Điện, Thuộc da..., song chỉ là những công việc tạp, có tính thời vụ; một số đi kéo xe tay, làm mướn, chỉ có vài người làm viên chức; phụ nữ thì chạy chợ, đánh bắt tôm cá trong các hồ, đầm trong vùng. Xưa kia làng rất nghèo, cả làng chỉ có vài nhà ngói của các chức dịch và những người làm viên chức, giáo chức. Do làng ít dân, lại nghèo nên việc đóng góp xây dựng, tu bổ các công trình kiến trúc trong làng và cho lễ hội rất nặng nề. Làng có lệ bán quan viên để phụ thêm vào việc này với mức cao hơn só với các làng bên.
 
Làng Liễu giai có đình và đền, tại ngõ 343 phố Đội Cấn hiện nay..Đình thờ ông Hoàng Lệ Mật (huyện Gia Lâm, nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên) - người có công vớt được công chúa con Vua Lý Thần Tông bị thủy tặc làm hại trên sông Thiên Đức (sông Đuống), được Vua trả ơn bằng cách cho chiêu tập dân làng Lệ Mật khai lập ra khu “Thập tam trại”. Đền làng thờ Thủy Tinh công chúa (có người giải thích đó là Mẫu Thoải). Hội làng diễn ra vào ngày 23 tháng Ba. Làng không có chùa, dân làng thường đi lễ Phật ở chùa Bát Tháp và chùa làng Vĩnh Phúc.
 
Tại địa phận làng Liễu Giai còn có Nhà thờ Liễu Giai được xây dựng năm 1926, trên một khu đất rộng 6 mẫu. Nhà thờ này còn là nơi đào tạo các thầy dòng. Trong thời tạm chiếm, (1947 - 1954), đây là nơi thực dân Pháp giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người dân ủng hộ kháng chiến. Nay nhà thờ này được cải tạo thành Khách sạn La Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét