Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Nghĩa tình với Lương Phi

Đường vào Căn cứ Cách mạng Ô Tà Sóc – Lương Phi
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Lương Phi đã có những người con ưu tú đi làm cách mạng, bảo vệ vững chắc cơ sở trong vùng địch, anh dũng chiến đấu và mãi mãi không bao giờ trở về! Từ đó, góp phần làm rạng danh một xã Anh hùng LLVTND, nơi ra mắt của Mặt trận tỉnh và có căn cứ của Tỉnh ủy ở Ô Tà Sóc – núi Dài lớn.
Di tích lịch sử - cách mạng

Ô Tà Sóc là một vùng sơn lâm hiểm trở. Từ năm 1962 đến 1967, nơi đây là căn cứ của Tỉnh ủy An Giang, có các cơ quan trực thuộc: Quân sự, An ninh, Binh vận, Dân vận, Mặt trận, Tuyên huấn, Tổ chức, Kiểm tra và các đoàn thể Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ. Với hệ thống hang động và đường mòn nối liền các cơ quan từ Bụng Ông Địa – Lương Phi (Tổ giao liên Tỉnh ủy) đến Ô Vàng – Lê Trì (Ban An ninh, Binh vận, Đài Minh ngữ), vồ Út Mươi (Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh) có bán kính gần 3 km; mà trung tâm điểm là điện Trời Gầm, nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy.

Từ căn cứ này, Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo quân và dân tỉnh nhà tấn công tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phi ở vùng rừng núi và ven biên giới; mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến; kiên cường đấu tranh phá tan hệ thống “ấp chiến lược” và “kế hoạch bình định”; góp phần đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, ngụy.

Thắng lợi đấu tranh vũ trang, chính trị và thành quả cách mạng đã đạt được trong thời gian này đã củng cố vững chắc vùng giải phóng và xây dựng lực lượng 3 thứ quân, lực lượng cách mạng trong vùng địch, chuẩn bị điều kiện cho thời cơ mới tiếp theo. Khi Tỉnh ủy và các cơ quan dời đi nơi khác, Ô Tà Sóc là căn cứ dự phòng của tỉnh và được các đơn vị như Phân ban Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tiền phương cùng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực Miền tiếp tục bám trụ và chiến đấu oanh liệt, đương đầu với hơn 360 trận càng quét lớn nhỏ, với mọi loại phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại của Mỹ, ngụy. Ta tiêu diệt địch, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh, giữ vững căn cứ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng hy sinh.

Tỉnh An Giang và 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND; là có phần đóng góp không nhỏ của những người có mặt ở Ô Tà Sóc trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt này. Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Ô Tà Sóc (núi Dài lớn – Lương Phi) đã được Bộ Văn hóa – Thông tin quyết định Di tích Lịch sử - Cách mạng cấp quốc gia và lễ đón Bằng công nhận cũng đã được UBND tỉnh tổ chức trọng thể ngày 3-2-2004.

Nơi ra mắt Mặt trận tỉnh

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh An Giang là tiền thần Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang ngày nay và ngôi chùa Khmer Tà Miệt trên (xã Lương Phi) cũng là nơi ra mắt trong những năm 1970. Tham dự cuộc tọa đàm lần đầu tiên về đề tài này, ông Phan Văn Mỳ (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang) kể: “Đêm đó, tôi không có dự, do đi công tác mới về, mệt quá nên nằm ở nhà nghỉ. Nhưng, má tôi có đi dự, bà con trong xóm xúm nhau mượn đèn măng-sông, lớp che rạp, lớp mượn bàn ghế…”. Theo ông, hồi đó, nhân dân Lương Phi rất háo hức đi dự lễ ra mắt Mặt trận Dân tộc giải phóng của tỉnh, bởi tin tưởng vào cách mạng và quyết lòng bảo vệ cơ sở.

Với địa thế ngôi chùa Tà Miệt trên, hậu giáp triền Ô Cây Chương và đụng chân núi Dài lớn, mặt tiền là con đường mòn (nay là Tỉnh lộ 55B) và kéo dài xuống đồng trống. Do vậy, địa điểm tổ chức lễ có “phương án 2”, nhân dân dự đông mà gặp bất trắc vẫn có đường… rút lui vào núi! Ông Nguyễn Phi Thường, cựu chiến binh Lương Phi, tán thành với phân tích đó. Qua nhiều ý kiến đóng góp của Phòng Lịch sử Đảng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), cựu chiến binh và sư sãi, à cha chùa Tà Miệt; TS Ngô Quang Láng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao & Du lịch cho rằng, nơi đây rất xứng đáng được công nhận Di tích Lịch sử - Cách mạng, để xúc tiến công việc này, cần có sự phối hợp của Mặt trận tỉnh, huyện và địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Dân, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, bày tỏ mong muốn “tìm về cội nguồn” một cách chính xác, đáp ứng nhu cầu công tác giáo dục truyền thống trong hệ thống Mặt trận toàn tỉnh; vừa ghi nhận công lao đóng góp, che chở của nhân dân và cán bộ xã Lương Phi đối với Mặt trận tỉnh thời kỳ chiến tranh; đồng thời, Mặt trận tỉnh cũng dự kiến xây dựng “Bia kỷ niệm” tại chùa Tà Miệt trên. Theo đó, Lương Phi là xã được chọn “thí điểm cuốn chiếu” xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 114 hộ nghèo, với sự tài trợ của Công ty Xổ số kiến thiết An Giang. Đây là xã Anh hùng, căn cứ kháng chiến và có đông đồng bào Khơ-me đầu tiên của huyện Tri Tôn và ngay cả toàn tỉnh, năm 2009 đã hoàn thành 100% việc chăm lo nhà ở cho hộ nghèo và gia đình thuộc diện chính sách.

PHAN TRỌNG ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét