Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Người Dao ở Phú Thọ

-05-2010
Nhà văn NGUYỄN HỮU NHÀN
Người Dao ở Phú Thọ hiện có hơn 11.000 người sống trong 28 bản động ở hai huyện miền núi Thanh Sơn và Yên Lập. Đồng bào thuộc hai nhóm khác nhau: người Dao Đeo Tiền (Dao Tiền) thuộc nhóm Tiểu Bản và người Dao Quần Chẹt thuộc nhóm Đại Bản.
Theo văn cúng và các tài liệu điền dã dân tộc học thì người Dao nói chung di cư từ Trung Quốc vào Việt Nam từ nhiều thời gian và con đường khác nhau, chủ yếu họ đi theo đường biên giới Việt - Trung. Những cuộc thiên di lớn do nhà Minh cấp “thông hành”, được nhà Lê tiếp nhận cho đồng bào đi bằng 7 xà lan, qua vịnh Bắc Bộ vào cửa sông Hồng lên Ba Hạc (Bạch Hạc - Việt Trì) rồi họ chia nhau theo ba con suối lớn, thực ra là ba con sông Hồng, sông Đà và sông Lô để du canh du cư phá rừng làm nương rẫy.
Dẫn đầu cuộc thiên di này là bà Đặng Thị Hành, Bàn Đức Hội và Triệu Thánh Thông. Ba vị này được nhiều cộng đồng người Dao ở Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung thờ làm thành hoàng.
Theo giao hẹn trước khi xuất phát, nếu xà lan nào gặp nạn gió bão, cuốn đi xa thì phải nhảy lên xin khất (hứa) với trời, phật, tiên thánh, tổ tiên là sau này chúng con sẽ làm tết nhảy để tạ ơn các đấng và các hồn đã che chở cứu giúp chúng con cập được bến bờ của miền đất hứa.
Ngày nay, trong các bản động của người Dao chỉ những họ nào đi trong 4 xà lan gặp nạn mới phải làm tết nhảy. Các họ đi ở 3 xà lan không gặp nạn, không có tết nhảy. Tết nhảy của người Dao vì thế là tết tạ ơn chứ không chỉ là nghi thức hành lễ tín ngưỡng của tín đồ Đạo giáo như nhiều nhà dân tộc học kết luận; vì không riêng người Dao mà cả người Tày, Cao Lan, Kinh, Mường... đều bị ảnh hưởng của Đạo giáo.
Theo hẹn ước từ trước khi xuống thuyền (xà lan) thì thuyền nào cập bờ trước sẽ phải đi ở xa, trên cao và được làm anh. Vì thế người Dao Tiền theo bà Đặng Thị Hành được ở vai anh nhóm Dao Quần Chẹt do ông Bàn Đức Hội dẫn đầu. Hai nhóm này trước đây không kết hôn với nhau. Còn nhóm nữa theo ông Triệu Thánh Thông ngược theo sông Lô tản đi các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Ngày 12 tháng Giêng hàng năm, người Dao cả nước lại về Tân Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ để giỗ tổ là vì vậy.

Người Dao Tiền. Ảnh: Nguyễn Chính.
Người Dao Tiền ở xa trên ngọn sông Đà. Đồng bào sống du canh du cư nên phong tục khác xa với nhiều nhóm tộc người khác. Họ đeo tiền kim khí sau cổ áo và phụ nữ nhóm này mặc váy là để tưởng nhớ đến vị thành hoàng Đặng Thị Hành lúc sinh thời mặc váy và đeo rất nhiều vàng bạc ngọc ngà. Các thầy cúng người Dao cũng mặc váy cúng khi hành lễ, để tưởng niệm bà Hành chứ không chỉ là sự hồi cổ thời mẫu hệ - việc cúng tế do phụ nữ thực hiện.
Về hôn nhân: Đồng bào hiện vẫn giữ tục ngủ thăm. Ngủ thăm để biết chắc chắn hai người lấy nhau sẽ sinh con đẻ cái. Vì thế, giường các cô gái lớn chưa chồng thường kê ở cuối nhà cạnh cửa ngách để đêm đêm con trai tiện cạy cửa vào ngủ thăm. Nếu cô gái bằng lòng thì anh con trai có thể ngủ liền hai ba tháng cho đến khi cô gái có mang. Nếu cô gái không bằng lòng mà anh con trai định cưỡng bức thì có thể bị chém chết. Do tục này mà đầu giường các cô gái luôn để sẵn con dao sắc.
Khi cô gái có mang, già làng cho gọi tất cả những anh đã từng ngủ thăm với cô gái đến. Mỗi anh mang theo một con gà nhỏ và chai rượu để làm lễ cúng buộm. Riêng anh chàng ngủ với cô gái có mang phải mang lễ đến bằng một con lợn ba bốn chục cân, một chai rượu và một tập giấy bản làm tiền âm.
Cúng buộm xong, so tuổi nếu không lấy được nhau thì đứa trẻ sinh ra được cúng làm ma nhà vãi (ông bà vãi). Nó làm con ông bà vãi, gọi người đẻ ra mình là chị. Cô gái đã biết sinh đẻ càng dễ lấy chồng hơn những cô gái tơ. Đó là vì đồng bào quý người. Con đẻ, con nuôi, con cùng dòng máu hoặc khác dòng máu (do vợ ngoại tình) người ta đều quý như nhau. Ngoại tình nếu bị bắt thì nộp lễ cúng buộm xong là thoát tội.
Chỉ ở những bản động hạ sơn ở gần người Mường, người Kinh thì tục này mới được xóa bỏ dần. Các địa phương ở trên cao như xóm Cỏi, xã Xuân Sơn, xóm Tân Hồi, Hạ Bằng (xã Kim Thượng), xóm Xinh Tàn, xã Thượng Cửu... thì tục ngủ thăm vẫn duy trì. Xưa người đàn ông Dao Tiền lấy làm tự hào vì vợ mình xinh đẹp mới được nhiều anh đến ăn nằm.
Tục bỏ con: Vì trước đây đồng bào sống du canh du cư nên người ta cần có nhiều lao động và con người cần khỏe mạnh, khôi ngô. Vì thế, khi sinh ra, người ta chỉ giữ nuôi những đứa bé khỏe mạnh. Nếu đứa bé bị tật hay bệnh bẩm sinh thì người ta bỏ ngay.
Người đàn bà khi sinh nở đều nằm cạnh bếp. Khi đứa bé ra đời nếu lành lặn khôi ngô thì đặt nó xuống đất cho làm ma nhà mình. Nếu không thì thả ngay vào sọt đem treo trong rừng vắng.
Ngày nay, tục này đã được bãi bỏ do các cuộc vận động xây dựng làng bản văn hóa, nhưng cách đây chưa lâu ở xóm Dù, xã Xuân Sơn, vợ chồng một nhà Mường là anh Vấn, chị Tiệp đi nương về đã nhặt được đứa bé người Dao Tiền bị treo bỏ trong rừng trúc (rừng dang). Anh chị đem đứa bé về đưa đi Hà Tây chỉnh hình chữa khỏi bệnh khoèo chân. Nay nó là đứa con ngoan của anh chị.

Vùng núi Thanh Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Viethavvh.
Tục tang ma: Trước đây cũng do du canh du cư nên người Dao Tiền càng coi trọng phần hồn, không coi trọng phần xác. Xác chết thì tiêu đi nhưng hồn còn mãi mãi. Hơn nữa, du canh du cư có khi rời nhà đi xa hàng trăm cây số nên không thể về thường xuyên thăm viếng mồ mả, nơi lưu giữ thi hài tổ tiên.
Do vậy, khi nhà có người chết người ta bỏ ngay xác ra vườn. Nhờ bốn người khỏe mạnh vác ra rừng. Đi một đường, về một đường đề phòng bị ma đánh. Ra rừng, người ta dùng cây nhọn đào đất để chôn xác người. Kiêng đào bằng cuốc xẻng sắt làm cho ma bị tối mắt không biết đường về Dương Châu đại diện là đất tổ người Dao. Do chôn vùi qua loa, xác người chỉ làm mồi cho thú dữ.
Gia đình người chết sau đó mới đắp ngôi mộ giả ở nơi khác để làm ma cho người chết. Nếu gia đình có của thì làm ma tươi cho người chết tức là cúng ngay sau khi qua đời. Nếu nhà nghèo chưa có thịt chua, gạo, lợn thì phải chờ lâu, có khi hai ba năm mới làm ma khô cho người chết.
Ngày nay cũng nhờ các cuộc vận động hạ sơn sống định cư và xây dựng nếp sống văn hóa mới, các bản động của người Dao Tiền đều có khu nghĩa địa hợp vệ sinh. Tục ma chay của người Dao Tiền cũng đã tương tự như phong tục của người Mường, người Kinh và các nhóm tộc người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét