Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Nguyên sơ suối Tiên


Vẻ đẹp nguyên sơ của suối Tiên (Phú Quốc)
(Website Kiên Giang) – Đến với Phú Quốc là đến với biển xanh cát trắng miên man sóng vỗ, cũng là đến với những dòng suối mà tên gọi đã trở nên quen thuộc – suối Tranh, suối Đá Bàn. Song nếu có một ít duyên may cộng với một ít đam mê khám phá, bạn sẽ có thể biết thêm nhiều điều thú vị…
Đến Phú Quốc lần này, cô bạn mới quen công tác ở phòng văn hoá huyện hỏi cánh nhà báo chúng tôi: Các anh (chị) có nghe đến suối Tiên lần nào chưa, nếu chưa thì để em dẫn đi cho biết. Tụi tôi gật đầu cái rụp, hăm hở lên đường.
Từ thị trấn Dương Đông đi về ấp Suối Đá (xã Dương Tơ) chừng 5km, đến ngã ba rẽ trái vào đường đất đỏ đi thêm khoảng 2km là tới chân suối Tiên. Tại đây, chúng tôi gửi xe tiếp tục đi bộ thêm một đoạn đường ngắn nữa mới đến suối. Đường vào suối Tiên khá hẹp, chỉ có thể đi bằng xe hai bánh, được cái là đường dễ đi, lại khá hấp dẫn vì uốn lượn quanh co giữa rừng nguyên sinh bạt ngàn. Hai bên đường vào suối Tiên mọc khá nhiều sim rừng. Vào mùa sim chín rộ (tháng 12 tới tháng 2 âm lịch), người dân địa phương hái sim về ủ cho lên men để lấy mật sim, sau đó đem pha với rượu gạo sẽ cho ra món rượu sim – một đặc sản nổi tiếng không kém gì nước mắm và hồ tiêu của Phú Quốc.
Dưới chân suối Tiên chỉ có duy nhất gia đình bác Trần Văn Bé (63 tuổi), người ở Ô Môn (thành phố Cần Thơ) di dân ra đảo khai khẩn đất hoang làm rẫy gần 20 năm nay. Theo lời kể của bác Trần Văn Bé thì một người bạn chiến đấu thấy gia cảnh bác quá nghèo đã khuyên bác ra đảo khẩn hoang, làm ăn sinh sống. Đất lành chim đậu, thấy vùng đất mới không phụ lòng người, bác Bé trở về quê bán hết nhà cửa, ruộng đất đưa cả nhà ra theo. Mấy năm nay nghề trồng tiêu gặp khó khăn do tiêu rớt giá, bác Trần Văn Bé chuyển sang trồng cây ăn trái và trồng tràm trên diện tích 15ha, thu nhập mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng. Con đường mòn dẫn vào suối Tiên chính do một tay bác làm ngày này qua ngày khác mà thành. Vào mùa mưa suối nhiều nước, cuối tuần nào cũng có khách đến tham quan tắm suối nên bác Trần Văn Bé kiêm thêm dịch vụ giữ xe, bán cà phê, nước uống với giá hết sức bình dân. Khách có nhu cầu đặt cơm gà thì điện thoại đặt trước. Giống như hầu hết người dân sống lâu năm trên đảo, gia đình bác Bé ai cũng hiếu khách và rất nhiệt tình. "Sống ở đây quanh quẩn ra vô chỉ có người trong nhà, nên lâu lâu có khách tới cũng vui" – bác Trần Văn Bé tâm sự.
Suối Tiên chảy từ trên núi xuống với tổng chiều dài ước lượng trên dưới 1km. Giống như suối Đá Bàn, suối Tranh, lòng suối Tiên cũng có những tảng đá to và khá bằng phẳng có thể trở thành những "thạch bàn" cho khách nhàn du nghỉ chân. Suối chảy len lỏi theo núi đá, đoạn dưới suối tạo thành thác nhỏ và một hồ nước khá rộng. Sau chặng đường khá xa với đoạn cuối cùng phải cuốc bộ, nhảy qua vô số tảng đá, du khách chỉ muốn ngay lập tức đắm mình trong làn nước mát lạnh. Bơi lội thoả thích, nếu thấy mệt thì có thể đưa lưng vào thác để nước suối "mát xa thiên nhiên". Nếu muốn có một buổi picnic tươm tất, các bạn nên chuẩn bị mua đầy đủ đồ ăn, thức uống mang theo. Vì khi đã vào đến suối rồi, bạn sẽ không nghĩ đến việc đi ra rồi lại đi vào. Phần vì khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thu hút lòng người, phần vì đường khá xa.
"Phần lớn khách đến suối Tiên rất lịch sự, ăn uống xong gom rác ra ngoài bỏ đàng hoàng. Nhưng cũng có không ít bạn trẻ thiếu ý thức, ăn nhậu rồi vứt rác tại chỗ, rất hôi. Lâu lâu tôi phải ra suối dọn rác một lần" – bác Trần Văn Bé nói.
Nếu không thích tắm biển và muốn khám phá cái gì đó mới lạ một chút thì suối Tiên, với vẻ đẹp còn nguyên sơ sẵn sàng chào đón bạn. Còn gì có thể tuyệt hơn một kỳ nghỉ cuối tuần với vài người bạn thân, dẹp bỏ mọi lo âu, phiền muộn để hoà mình vào nhịp thở trong lành, tươi mát của thiên nhiên. Với tôi, lần tham quan suối Tiên đầu tiên này sẽ là một kỷ niệm đẹp không thể nào quên./.
Q.Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét