(VietQ.vn) - Ngoài những di tích lịch sử có giá trị, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, mảnh đất Ninh Bình còn thu hút du khách bởi những món ăn độc đáo, ngon miệng mà đậm nét dân dã Bắc Bộ.
Nếu có dịp đến Ninh Bình, bạn nhớ đừng bỏ qua các đặc sản nổi tiếng sau đây:
Gỏi cá nhệch Kim Sơn
Tỉnh Ninh Bình có nhiều nơi giới thiệu món ăn này, nhưng gỏi cá nhệch ở Kim Sơn được coi là ngon nhất. Để chế biến ra món ăn đặc sắc gỏi cá Nhệch này cần một chuỗi nhiều khâu hết sức kỳ công. Món ăn này mang hương thơm bùi bùi của gạo nếp rang, vị chua thanh thanh của dấm xen vị cay ấm của gừng với tỏi, ớt, tiêu, sả. Gỏi cá nhệch thơm và bùi, có mùi vị rất đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi không quên.
Gỏi cá nhệch ăn một lần là nhớ mãi không quên |
Miến Lươn Ninh Bình
Người ta thường chọn lươn cốm (nhỏ con), béo khoẻ, còn tươi, lưng màu hồng nâu, bụng vàng rộm. Loại lươn này nhỏ xương, thịt rắn và thơm hơn các loại khác. Còn hoa chuối cũng phải chọn được những cái bánh tẻ còn tươi nguyên. Khách hàng khoái khẩu nhất là hoa chuối goòng, tuy không được trắng bằng hoa chuối hột nhưng nó mềm, có vị chát, bùi, ngọt vừa phải, muốn trắng khi ngâm nước chỉ cần vắt thêm tí chanh vào là được. Ngoài ra miến cũng cần chọn loại được chế biến từ dong đao nguyên chất, không pha tạp, có sợi nhỏ đều, trong suốt. Các loại gia vị khác như: riềng, mẻ, nước mắm, mắm tôm, chanh quả, lá lốt, hạt tiêu, ớt đều cần tươi ngon.
Tái dê Hoa Lư
Lấy lá sung, lá mơ, bánh đa nem làm vỏ, bỏ thịt dê tái vào trong, quấn lại rồi chấm tương gừng. Bên cạnh tái dê, người Hoa Lư còn chế biến nhiều món khác như: nem dê, dê hấp, nhựa mận, dê nướng, tiết canh dê, mật, cà đem ngâm rượu, nhưng món tái dê vẫn đứng nhất bảng. Tái dê vừa là món ăn ngon dùng bồi dưỡng cơ thể, vừa là thuốc chữa một số bệnh rất hiệu nghiệm, bởi lẽ dê ăn nhiều loại lá, có chứa dược liệu rất quý.
Nem Yên Mạc
Nem Yên Mạc gói bằng lá chuối, nhưng không bó chặt, bên trong lót bằng lớp lá ổi tàu. Dù ăn ngay hay để lâu, khi gỡ nem ra vẫn rời, tơi, cho lên đĩa, gắp từng dúm nhỏ, lấy lá ổi cuộn lại chấm với nước mắm, pha chút chanh, tỏi, ớt hoặc hạt tiêu thì người ăn sẽ cảm nhận đủ các dư vị ngọt, cay, thơm.
Nhất hưởng Thiên Kim (cơm cháy)
Cơm cháy được làm từ cơm đã nấu chín, dàn mỏng ra thành hình tròn, để cho nguội và khô, rồi bỏ vào chảo dầu rán cho đến khi giòn vàng lấy ra bẻ thành từng tảng nhỏ để vào bát to.
Thịt bò thăn thái lát, tim cật lợn thái mỏng, ướp gia vị cùng với cà chua, cà rốt, hành tây, nấm hương trộn đều, xào cho chín, rồi đổ vào bát cơm cháy. Cơm cháy kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn cơm cháy giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt, đậm đà, không bao giờ quên được.
Mắm tép Gia Viễn
Là huyện đồng chiêm trũng, nên người dân Gia Viễn có nghề riu tép từ lâu. Người ta dùng tép riu để làm mắm, gọi là mắm tép. Ăn mắm tép Gia Viễn không cần cho thêm bột ngọt vẫn có vị ngon ngọt, đậm đà. Ngày nay mắm tép Gia Viễn đã trở thành món ăn đặc sản của các bữa tiệc khi có thêm đĩa rau luộc ngon.
Lợn "cắp nách"
Giống lợn này thường nuôi ở vùng miền núi Nho Quan, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc, nuôi nửa năm trở lên con trưởng thành cũng chỉ nặng hơn chục kg, đây không chỉ là món ăn đặc sản mà còn là vị thuốc bổ dưỡng, rất quý.
Có nhiều du khách không thích ăn các món chế biến từ "lợn cắp nách" ở nhà hàng hoặc khách sạn sang trọng mà lại thích thưởng thức nó trên mặt chiếu trải nơi nhà sàn tre vách nứa, dưới mái tranh mái lá, thức ăn bày trên lá chuối tươi xanh. Tất cả cùng ngồi nhấm nháp, thưởng thức lai rai các món chế biến từ "lợn cắp nách".
Thanh Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét