Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Cách nhận biết trái cây Trung Quốc


Khi người tiêu dùng có xu hướng "tẩy chay" trái cây Trung Quốc (TQ), người bán đánh tráo xuất xứ trái cây TQ thành hàng trong nước hoặc nhập khẩu từ Mỹ, Úc, New Zealand...
Theo bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức - TP.HCM, trái cây ngoại chiếm khoảng 15-20% tổng lượng trái cây về chợ, 50% trong đó là hàng TQ. Trái cây TQ cũng thu hoạch theo thời vụ và về Việt Nam rộ theo mùa. Hiện đang vào mùa hồng, lựu nên 2 mặt hàng này về nhiều nhất. Riêng táo, lê thì về thường xuyên quanh năm.
 Ảnh minh hoạ
Do được dùng nhiều chất kích thích, bảo quản nên hầu hết trái cây TQ có kích thước đều đặn, láng bóng và giữ được rất lâu trong môi trường tự nhiên. Để ý kỹ, người tiêu dùng có thể phân biệt trái cây TQ và trái cây xuất xứ từ các nơi khác qua những đặc điểm sau:
Cam: Cam Vinh trái tròn, nhỏ, có màu xanh vàng, vỏ thường bị nám. Cam TQ trái to, có màu vàng tươi, vỏ mỏng, trơn láng, không hạt; múi có mùi úng.
Quýt: Quýt TQ vào Việt Nam được quảng cáo là quýt nội. Quýt TQ vỏ dày, bóng và khi bóc ra 2 đầu múi thường bị khô, chai. Quýt Việt Nam vỏ mỏng, thường bị nám.
Lựu: Lựu Việt Nam trái nhỏ, hột nhiều, dày, màu da xanh. Lựu TQ to, tròn, vỏ mỏng, màu trắng hồng.
Nho: Nho TQ to tròn, có lớp vỏ màu nhạt, ăn vị chua, mềm, bở và nhiều hạt. Nho Mỹ vỏ sậm hơn, thuôn dài, vị ngọt, giòn, rất ít hoặc không có hạt. Nho Phan Rang (Ninh Thuận) quả nhỏ, chùm ngắn, màu xanh tươi.
Táo: Táo TQ quả tròn, bọc trong lưới xốp, khi bóc ra có hạt mịn như phấn bám trên vỏ (do hóa chất bảo quản bị bay hơi). Táo New Zealand, Mỹ hơi vuông, góc cạnh...
Hầu hết các loại trái cây nhập khẩu đều có chất bảo quản để giữ thời gian dài trong quá trình vận chuyển. Tốt nhất, người tiêu dùng nên sử dụng trái cây trong nước để bảo đảm tươi ngon; mua trái cây đúng mùa (vì trái cây trái vụ thường phải "xử lý" chất kích thích tăng trưởng, bảo quản nhiều hơn). Để hạn chế hóa chất tồn dư, người tiêu dùng nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút và gọt, bóc vỏ trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn trái cây có ruột bị nhũn, màu khác thường và có mùi lạ.
Theo NLĐ


Tẩy chay hoa quả Trung Quốc nghi chứa chất vô sinh

(VietQ.vn) - Thông tin hoa quả Trung Quốc chứa chất cấm được bày bán trong nước đã khiến cho người tiêu dùng hoang mang và tẩy chay các loại hoa quả không đảm bảo an toàn chất lượng.
.
Sức tiêu thụ hoa quả Trung Quốc giảm
Tại các chợ đầu mối hiện nay, nguồn hoa quả chủ yếu vẫn được nhập về từ Trung Quốc với các loại lê, táo, cam, mận, lựu... Ngay một số loại hoa quả được gắn mác nhập khẩu từ Australia, Mỹ như nho, mận, lê, nhưng trên thực tế, chủ yếu vẫn là hàng Trung Quốc.
Thông tin trên báo Lao động cho biết, trong vài ngày trở lại đây, trước những thông tin hoa quả Trung Quốc có chứa chất diệt nấm có thể dẫn tới vô sinh, nên lượng người mua có giảm sút đáng kể so với trước. Chị Thu – chủ một cửa hàng bán hoa quả trên chợ Long Biên – cho biết: “Kể từ khi có thông tin trên thì sức mua chỉ bằng 70 - 80% so với thời điểm cuối tuần trước. Do vậy, lượng hàng nhập vào của chúng tôi cũng phải giảm mạnh”.
Rau quả Trung Quốc thường có màu sáng rất bắt mắt nhưng chứa nhiều chất độc hại
Rau quả Trung Quốc thường có màu sáng rất bắt mắt nhưng chứa nhiều chất độc hại
Bên cạnh đó, việc bán rong hoa quả cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng phổ biến hoa quả không rõ xuất xứ khắp các khu dân cư. Với những người bán rong, hoa quả mua tại các chợ đầu mối miễn sao giá nhập vào càng rẻ càng tốt, không cần quan tâm tới chất lượng, chỉ cần ở ngoài bắt mắt là được. Sau đó, họ cứ thế rong ruổi khắp nơi trong thành phố để bán những loại hoa quả tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh này.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, nhập khẩu các mặt hàng rau quả 8 tháng đầu năm 2012 đạt giá trị 212 triệu USD, bằng 117% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, phần lớn các mặt hàng rau quả nhập khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.
 
Chính vì những thông tin về hoa quả Trung Quốc chứa nhiều chất gây hại, nên người dân giờ bắt đầu quay lại mua các loại quả của VN như đu đủ, bưởi, chuối...
 
Chị Hoàng Anh (phố Nguyễn Văn Cừ) chia sẻ: “Đã từ lâu, gia đình tôi đã không còn ăn hoa quả Trung Quốc nữa, mà quay sang ăn các loại trái cây của VN. Mùa nào thức nấy, hoa quả VN tuy không phong phú chủng loại, nhưng cũng có đủ sự lựa chọn cho gia đình. Tâm lý chung của mọi người là ăn đồ có xuất xứ Trung Quốc dễ nhiễm bệnh như chơi”.
 
Khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam tại 1 số khu vực chợ Cầu Giấy, Tô Hiệu, Chùa Láng và nhiều cửa hàng, siêu thị mi ni cho thấy, hoa quả Trung Quốc vẫn được bày bán với nhiều loại khác nhau. Phần lớn các chủ cửa hàng bày bán hoa quả này đều cho biết, mấy tuần trở lại đây lượng tiêu thụ hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc giảm so với trước. 
 
Người tiêu dùng đang hướng vào sử dụng các loại hoa quả của Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương. Theo đó nhiều loại hoa quả nổi tiếng như Nhãn, Bưởi, Cam...có nguồn gốc trong nước được bán với số lượng lớn hơn rất nhiều so với trước. 
 
Điều này cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang hướng đến việc sử dụng các loại rau củ quả trong nước sản xuất. Sự lo lắng về sức khỏe của người thân trong gia đình và bản thân người tiêu dùng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. 
 
Chứa chất cấm gấp nhiều lần cho phép
 
Theo báo Lao động, qua kiểm nghiệm mẫu một số loại trái cây như nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc bán trên thị trường, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) phát hiện các mẫu trên có chứa carbendazim và tebuconazole với dư lượng vượt mức cho phép từ 1,5 - 5 lần. Đây là những chất diệt nấm, sử dụng trong bảo quản trái cây mà nếu dùng vượt quá mức cho phép, có thể gây vô sinh và nguy hại cho sức khoẻ.
 
Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl, được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm, được tìm thấy là chất gây tổn thương tinh hoàn và mào tinh ở chuột thí nghiệm và chuột đồng.
 
Ở Nhật Bản, khi thử nghiệm hóa chất carbendazim trên các loài chim trưởng thành và có hoạt động tình dục cho thấy, khả năng gây vô sinh xuất hiện ở những con chim tiếp xúc kéo dài với carbendazim. Đối với benomyl, khi tiếp xúc thời gian dài sẽ bị tổn thương gan nghiêm trọng, bao gồm cả xơ gan. Vì vậy, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ phân loại benomyl như là hợp chất có thể gây ung thư.
Người tiêu dùng nên cẩn thận khi mua hoa quả Trung Quốc
Người tiêu dùng nên cẩn thận khi mua hoa quả Trung Quốc
 
Tương tự, thuốc diệt nấm tebuconazole trong bảng phân loại độc tính của Tổ chức Y tế thế giới được liệt kê thuộc độc tính nhóm III do khả năng tác dụng phá vỡ nội tiết.
 
Tuy nhiên, dù biết các chất trên có tác hại xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, nhưng để bảo quản rau- củ- quả nhập từ Trung Quốc không bị hỏng, vẫn còn tươi nguyên, có thể để lâu được nên các chủ hàng vẫn sử dụng hóa chất trên để tưới vào rau củ.
 
Khó kiểm soát
 
Trả lời câu hỏi của PV  Chất lượng Việt Nam, hàng chục bà mẹ, chị em phụ nữ khi đến lựa chọn các loại hoa quả ở các chợ và siêu thị đều khẳng định, quan điểm của mình là thích sử dụng hoa quả Việt Nam sản xuất.
 
Việc thời gian qua nghi vấn các sản phẩm của Trung Quốc chứa chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe đã tác động trực tiếp đến tâm lý người mua. 
 
Thậm chí, có nhiều gia đình đã "tuyên chiến" với hàng Trung Quốc bằng cách tẩy chay các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Trong các bữa ăn của họ, chủ yếu là rau xanh và thịt có nguồn gốc ở trong nước và được họ tận tay dặn dò các bà chủ sạp bán hàng ở chợ. Một tiểu thương bán hàng hoa quả ở Nghĩa Tân khẳng định: Mỗi ngày có hàng chục chị em phụ nữ dặn dò họ trước để mua bằng được hoa quả có nguồn gốc từ các địa phương bày bán về. Họ từ chối thẳng thừng hoa quả có xuất xứ từ Trung Quốc. 
 
Ông Nguyễn Hồng Bảo – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: Những sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường chúng tôi đều kiểm tra chặt chẽ về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng… Sau đợt kiểm tra vừa qua, chúng tôi cũng đã có kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên ngành tổ chức đi tất cả các địa bàn quận, huyện, các chợ đầu mối trong thành phố để phát hiện và xử lý theo quy định!
 
Cũng theo ông Bảo, thông thường Chi cục phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Sở Y tế, trung tâm y tế dự phòng, chi cục thú y (Sở NNPTNT) để kiểm tra việc kiểm dịch động vật, thực vật. Nếu hàng chưa có giấy tờ chứng minh thì đó là những dấu hiệu vi phạm. Tất cả các chợ đầu mối trung chuyển rau củ quả đều có các bộ phận theo dõi chất lượng từ bộ phận chuyên ngành để kiểm dịch động, thực vật cho đến ban quản lý chợ.
 
“Khối lượng công việc của chúng tôi rất nhiều, không chỉ các mặt hàng tươi sống như rau củ quả… mà còn có rất nhiều mặt hàng công nghiệp khác. Kiểm tra chất lượng các mặt hàng tươi sống là rất đặc thù và khó khăn hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp", ông Bảo cho hay.
 
Hoa qủa thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn
 
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, 8 tháng qua đã có 60 sự cố mất vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến giá đỗ và rau mầm. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện 4 mẫu hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép gồm một mẫu mận tươi, một mẫu lựu và hai mẫu nho.
 
Tất cả loại hoa quả trên đều thông quan qua cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai. Dù các lô hàng đều đã xử lý vi phạm theo quy định, song trên thị trường miền Bắc hiện đang tràn ngập mận và lựu tươi khiến người tiêu dùng hoang mang.
 
Trên thế giới, chỉ hơn một tháng qua cũng đã xảy ra sự cố liên quan đến vi sinh vật là xoài Mexico khiến hàng trăm người nhập viện và cải thảo muối Nhật Bản làm 7 người chết.
 
Trần Lê (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét