Động Sấm không chỉ có dấu tích về lịch sử mà còn đẹp một cách huyền bí. Trải qua hàng nghìn năm, thiên nhiên vẫn tiếp tục công việc trang trí một cách cần cù và sáng tạo, làm nên một “công trình thế kỷ” diệu kỳ…
Nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc ai nấy đều thấy tự hào với việc quê hương mình vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tự hào vì được sống trên mảnh đất quê hương của anh hùng Triệu Phúc Lịch - Người con của dân tộc Dao đã để lại hình ảnh sâu sắc trong lòng người dân những tấm gương sáng ngời về Chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Xã Toàn Sơn (huyện Đà Bắc, Hòa Bình) được thiên nhiên ưu đãi với 8 hang động lớn, nhỏ nằm ẩn sâu trong núi rừng; trong đó có động Sấm - nơi có nhiều huyền thoại về các trận đánh giặc Pháp của dân quân du kích Động Dao.
Sau khi thực hiện công văn của Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hoà Bình (cũ) về tổng kiểm kê các di sản văn hoá (tháng 7/2006), Đảng uỷ, UBND xã Toàn Sơn nhận được nguồn tin của một số người dân ở xóm Cha về việc phát hiện bí mật bên trong động Sấm. Ngay lập tức lãnh đạo xã cử đoàn lên kiểm tra, xem xét và lập phương án bảo vệ, đồng thời báo cáo với lãnh đạo Huyện uỷ, UBND huyện.
Ông Đặng Văn Thành, 80 tuổi, xóm Cha, xã Toàn Sơn kể lại: Động Sấm là nơi hoạt động bí mật của Trung đội dân quân du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và cụ thân sinh ra ông cũng là một trong những thành viên trong đó, lúc bấy giờ Triệu Phúc Lịch là trung đội trưởng. Một lần giặc Pháp đi càn qua chân núi của động Sấm, phát hiện trên núi có người, chúng kéo nhau lên thăm dò, theo dõi. Sợ lộ bí mật về nơi ở của anh em du kích, Trung đội trưởng Triệu Phúc Lịch đã chui ra khỏi hang chạy xuống chân núi, nhằm đánh lạc hướng quân địch và rồi anh đã hy sinh. Để tưởng nhớ tới anh cùng những người trong đội quân du kích, nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc nói chung và xã Toàn Sơn nói riêng đã dựng bia tưởng niệm liệt sỹ ngay tại chân núi.
Động Sấm được phát hiện không chỉ có dấu tích về lịch sử mà còn đẹp một cách huyền bí. Trải qua hàng nghìn năm, nước từ đồi cao chảy xuống qua các kẽ hở, thiên nhiên vẫn tiếp tục công việc trang trí một cách cần cù và sáng tạo, làm nên những thạch nhũ với nhiều màu sắc (trắng, vàng, xanh) trong các hang động. Sự tạo hoá đó đã để lại cho hậu thế một “công trình thế kỷ” diệu kỳ.
Vào trong hang chúng tôi thấy mình như lạc vào chốn thiên cung. Động Sấm có 3 hang nằm liền kề nhau, các cửa hang nhỏ (chỉ một người chui vừa) hướng về phía Tây Bắc và có độ cao 600m so với mặt nước biển. Bên ngoài là một rừng cây tái sinh, trải dài là những nương ngô, sắn của người dân suối Sâu. Các hang nằm cách nhau khoảng 300-400m, ăn sâu vào lòng núi kéo dài gần 2 km, độ cao của hang khoảng 3,5 m, bề rộng có thể chứa tới hơn 1.000 người. Bên dưới nền hang đều có những vũng nước trong xanh to, nhỏ khác nhau, có vũng rộng đến 10m, với muôn ngàn nhũ đá nhỏ li ti đua nhau vươn lên cao, hay hình dáng các nàng tiên đang vui đùa bên hồ nước, hoặc nằm ngủ trên phiến đá rộng…
Phía trên vòm hang, hàng loạt tia nhũ lung linh hiện ra đủ hình thù hoa văn đất Dao rực rỡ, chúng kết vào nhau như những chùm hoa phong lan, hay bức màn sân khấu, nửa mời chào, nửa che chắn như có gì huyền bí bên trong. Cùng với đó là hình dáng của những con vật khổng lồ như: hình con rồng, sư tử, hổ, nai… Tất cả đều được thiên nhiên trạm trổ, đục đẽo một cách lạ thường.
Hiện nay, UBND huyện Đà Bắc đã và đang đề nghị Bộ Văn hoá thông tin - Thể thao - Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia cho Động Sấm. Trong tương lai xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách thập phương về thiên nhiên hang, động.
Theo TTXVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét