Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Cách chọn nước mắm ngon


(VietQ.vn) - Nước mắm là “thành viên” quan trọng trong bữa ăn của mỗi gia đình. Để mua được một chai nước mắm vừa ngon, đảm bảo chất lượng đòi hỏi các bà nội trợ phải tinh tế, sáng suốt khi lựa chọn.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại nước mắm được sản xuất, trong khi nhiều người tiêu dùng vẫn chưa nắm được những tiêu chí cơ bản để đánh giá một loại nước mắm ngon. Các bà nội chợ thường lựa chọn nước mắm theo cảm tính, thương hiệu và giá cả nên dễ chọn phải loại mắm kém chất lượng, sử dụng các hương liệu tạo mùi thơm.
Nhận biết nước mắm ngon và chất lượng
Độ đạm là tiêu chí quan trọng khi chọn nước mắm.
Độ đạm là tiêu chí quan trọng khi chọn nước mắm.
Thông thường, khi nhận định về chất lượng của nước mắm ngon, người sử dụng sẽ dựa vào 3 yếu tố cơ bản, đó là: màu sắc, độ đạm và mùi vị.
Màu sắc
Khi lựa chọn mắm, người mua dễ dàng quan sát màu sắc của nước mắm bằng mắt thường. Không nên xem xét màu sắc của mắm trong tình trạng thiếu sáng. Hãy nói với người chủ cửa hàng cho mình mượn chai mắm và soi ra ngoài ánh sáng, sau đó dốc ngược chai xuống, nếu bạn thấy nước trong thì ổn, nếu bạn thấy có cặn xuất hiện thì tuyệt đối không nên mua.
Nước mắm trong chai màu vàng là dấu hiệu tốt để bạn có thể yên tâm bước đầu, nhưng nếu nó có màu khác lạ, chẳng hạn như xanh xám thì bà nội trợ nên cẩn thận bởi có thể nó sẽ không an toàn. Tuy nhiên, cũng không nên nhầm lẫn giữa “màu khác lạ” và màu vàng của nước mắm bị sẫm lại so với lúc mới mua, vì sau khi dùng một thời gian, màu sắc sẫm đi là dấu hiệu tự nhiên của nước mắm truyền thống.
Độ đạm
Hàm lượng đạm là thông tin phản ánh chất lượng của nước mắm và nó luôn luôn nằm trên bao bì của sản phẩm. Đây cũng là một mẹo nhanh chóng để bạn phân biệt nước mắm thật - giả. Một sản phẩm có ghi rõ độ đạm trên nhãn mác chưa hẳn đã là hàng thật, nhưng 1 chai mắm mà ngay đến cả thông số này cũng không có thì chắc chắn là mắm giả hoặc của cơ sở sản xuất kém uy tín và bạn phải tuyệt đối tránh xa.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) thì nước mắm có độ đạm >300N là nước mắm loại đặc biệt; độ đạm >250N là loại thượng hạng; độ đạm >150N là mắm loại 1; độ đạm >100N là loại hạng 2.
Như vậy, độ đạm càng cao thì càng quyết định chất lượng của mắm, và bạn hoàn toàn có thể “vượt qua” khâu này bằng cách đọc thật kỹ nhãn mác của nhà sản xuất.
Mùi vị
Mùi vị không chỉ phản ánh chất lượng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến độ ngon dở của món ăn. Thông thường, nước mắm ngon sẽ có mùi vị thơm nhẹ, mặn ngọt hài hoà và bùi bùi. Mùi thơm lừng của mắm sẽ rất đặc trưng, khi nếm mà vị ngọt đậm của nó thấm dần nơi cổ họng và dịu nhẹ thì là mắm ngon. Ngược lại, nếu bạn nếm thử mà thấy mặn chát một cách khó chịu ở đầu lưỡi thì có thể là do độ đạm thấp hoặc sử dụng chất phụ gia không đảm bảo.
Không nên quá tin vào quảng cáo
 
Nước mắm có thể được làm từ nhiều loại cá như cá linh, cá cơm, cá thu, cá đối… Tại ViệtNam, công nghệ làm mắm vẫn theo phương pháp cổ truyền, bắt đầu từ việc lên men cá, muối và nước (trong điều kiện yếm khí, các vi khuẩn lên men bắt đầu phân huỷ protein ở cá). Tuỳ loại cá, khu vực đánh bắt, thời gian đánh bắt cá và thành phần nguyên liệu mà nước mắm có chất lượng và hàm lượng đạm khác nhau.
Tuy nhiên, hiện nay một số nhà sản xuất cố tình ghi thông tin độ đạm ở góc khuất, khó nhìn hoặc dùng cỡ chữ bé, khó đọc. Ngoài ra còn thêm cả những lời quảng cáo “có cánh” như “siêu sạch”, “mắm cốt”, “đặc sản vùng”… khiến người mua hàng dễ mua phải những sản phẩm kém chất lượng.
Nhưng thực tế, các sản phẩm nước mắm “lập lờ” độ đạm lại khá hút người tiêu dùng bởi giá cả và hình thức bắt mắt. Hơn nữa, nhà sản xuất đã cho thêm các chất điều vị và phụ gia để tạo mùi thơm của mắm, vị ngọt của đạm hoặc sử dụng biện pháp pha loãng nước mắm có độ đạm cao nhiều lần bằng nước muối để hạ giá thành.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi lựa chọn sản phẩm nước mắm, các bà nội chợ hãy là những người tiêu dùng thông thái, không chỉ chọn về hình thức, giá thành, sự “quen mắt” do sản phẩm được quảng cáo nhiều, mà cần chú ý đến những thông tin quan trọng và cần thiết như nguồn nguyên liệu, nơi sản xuất, nơi chế biến...
Thu Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét