Năm nào cũng thế, mùa lũ đến, con cá linh thơm ngon - nguồn lợi chính do thiên nhiên ban tặng đồng bằng sông Cửu Long - được mọi người trông ngóng. Dù mỗi năm mỗi ít, giá có đắt, nhưng con cá linh vẫn luôn cuốn hút các bà nội trợ.
Cá linh chế biến được nhiều món ngon như: cá linh kho mẳn (lạt), kho khô, kho mía, kho trái bứa, làm chả, nấu canh chua bông điên điển, nhúng lẩu mắm.v..v…, nhưng đáng nhớ nhất đối với tôi là: cá linh kho lá cóc non.
Mỗi năm mùa lũ đến cũng là mùa cá linh và mùa cóc đâm chồi, trổ bông và kết trái. Thế là, khi ba đánh bắt được cá linh mang về, má liền sai tôi ra phía sau vườn dùng cây sào hái những lá cóc non đem vào. Theo lời má, cá linh mà nấu với lá cóc non rất hấp dẫn vì mùi thơm đặc trưng, lẫn vị chua chua của lá kích thích vị giác. Ngoài ra, lá cóc non là rau sạch và cũng là vị thuốc nữa.
Cá linh lựa con thật tươi (non càng ngon, vì có thể ăn luôn cả xương). Cá móc hầu, bỏ ruột, dùng dao cắt vây, kỳ, đuôi (không cắt đầu, đánh vảy), rửa sạch để ráo.
Đọt cóc lấy lá non lẫn cọng (vì cọng ăn rất giòn), rửa sạch để ráo. Trước hết, má phi mỡ cùng đầu hành lá xắt nhuyễn cho thơm rồi đổ nước lạnh vào nồi nấu sôi. Nêm nếm gia vị cho vừa khẩu vị. Tiếp đến, má cho cá linh vào nồi nấu chín, nhớ đừng để cá mềm quá, mất ngon. Cuối cùng, má cho đọt cóc non vào, lá cóc chuyển sang màu vàng là nhắc xuống ngay. Sau rốt, má cho thêm rau cần xắt khúc và một ít tiêu xay vào, cùng chén nước mắm ngon nguyên chất trong có trái ớt chín, múc ra tô là xong. Món này ăn với bún rất ngon!
Gắp một con cá linh non lẫn đọt cóc non đưa vào miệng nhai chậm rãi. Vị béo, mềm, ngọt của cá linh hòa lẫn vị chua chua, giòn, thơm đặc trưng của đọt cóc thấm vào toàn bộ giác quan… Cho một miếng bún vào chén, chan vài muỗng nước kho “lùa” một hơi…, bạn sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời, khó quên của quê hương miền Tây mùa nước nổi.
Bài và ảnh Hữu Tưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét