Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Ngôi đền có tượng bà mẹ đang sinh con

Đền Sinh (Hải Dương) nổi danh bởi khối đá tự nhiên có hình người mẹ trở dạ. Hằng năm có rất nhiều cặp vợ chồng tới đây xin được 'ban con'.

Từ lâu, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã biết đến đền Sinh (thôn An Mô, xã Lê Lợi, Chí Linh, Hải Dương). Họ đã về đây để xin thánh thần ban cho mình niềm hạnh phúc được làm cha mẹ. Đây cũng là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ khối đá tự nhiên mang dáng dấp người phụ nữ đang trở dạ.


Tọa lạc ở lưng chừng núi Ngũ Nhạc nên đền Sinh có địa thế tương đối cao so với những ngôi đền khác trong vùng. Muốn lên đến chính điện phải đi qua một khoảng sân khá rộng được lát bằng gạch đỏ và khá nhiều bậc thang bằng bê tông cũ kỹ. Đền được thiết kế theo dạng chữ Vương với 3 gian rõ rệt. Bất kỳ ai muốn được lễ bái ở gian hậu cung đều phải được sự đồng ý của ban quản lý chứ không được tự ý bước vào.
Khối đá có hình người phụ nữ đang trong thế trở dạ được nằm gọn trong gian hậu cung. Chỗ cao nhất của khối đá ước chừng khoảng 3 m và trải dài ở nhiều góc cạnh không đều. Xung quanh khối đá vẫn còn rất nhiều những rễ cây cổ thụ bám chặt. Mặt ngoài của khối đá đã được phủ một lớp sơn bóng pha kim tuyến khá dày.
Theo cách giải thích của ông Nguyễn Hữu Bồi (78 tuổi), thành viên ban khánh tiết của đền, khối đá tròn nằm ở vị trí trên cùng của khối "Thạch Mẫu" chính là đầu. Khối đá phía dưới là bầu ngực. Hai khối đá lớn, dài hai bên là đầu gối. Giữa hai đầu gối có hai khối đá tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và bào thai đang chào đời. Hai khối đá mé ngoài cùng là bàn chân.
Khối đá tròn nằm ở vị trí trên cùng của khối "Thạch Mẫu" chính là đầu. Khối đá phía dưới là bầu ngực. Giữa hai đầu gối có hai khối đá tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và bào thai đang chào đời.


Ông Bồi cũng cho hay, chính khối đá này cùng những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về đức thánh Phi Bồng Hạo thiên tướng quân đã khơi nguồn cho một nghi thức tồn tại hàng trăm năm nay, đó là tục cầu tự (xin con) tại đền Sinh.


Ông Bồi kể: "Nghi thức này xuất hiện từ thế kỷ thứ 6. Thuở ấy, có vợ chồng ông Chu Danh Thức và bà Hoàng Thị Ba ở trang Phấn Lôi (xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay) đã ngoài 50 tuổi mà chưa sinh được một mụn con. Một đêm, ông bà được báo mộng đến miếu gianh bên trang An Mô (sau này là đền Sinh) mà cầu. Sau khi làm lễ, bước ra đến cửa, vợ chồng thấy một dấu chân. Bà Ba ướm thử thấy vừa như in, vết chân cũng biến mất. Quả đúng như giấc mộng, sau khi làm lễ, về nhà bà có mang rồi hạ sinh một cậu con trai đặt tên là Chu Phúc Uy.
Chu Phúc Uy ngay từ khi mới sinh ra đã mặt mũi khôi ngô, tuấn tú hơn người. Phúc Uy, văn võ song toàn, được vua Lý Nam Đế cử cầm quân đánh giặc Lương. Thắng giặc, ông được phong làm trấn thủ xứ Hải Dương. Sau, quân giặc lại kéo sang, ông tử trận bên Việt Yên, Bắc Giang và được lập đền thờ ở đó. Từ đó, những cặp vợ chồng hiếm muộn lại tìm về đền Sinh để cầu tự, mong sinh được con cái".
Một cụ ông tên Được (76 tuổi) chuyên viết sớ ở đền cho hay, hàng năm có hàng trăm cặp vợ chồng từ khắp mọi miền tìm về đền Sinh để cầu tự. Trong khoảng 8 năm trở lại đây, các cặp vợ chồng tìm về đây xin con càng nhiều lên. Xa nhất là An Giang, Long An và gần nhất là trong tỉnh, huyện. Riêng năm Thìn này, số lượng tăng lên đột biến. Mới chỉ 9 tháng thôi mà đã có hơn 400 cặp vợ chồng tìm đến để cầu tự.


Phong tục lạ của đền 'ban con'
Lễ hội đền Sinh được tổ chức hằng năm từ ngày 6 đến 10 tháng Giêng (âm lịch) và lễ rước tổ chức vào ngày 3/3 (âm lịch). Thường vào tối mùng 6, sau khi đội tế nam quan của làng thực hiện xong lễ cáo yết, xin phép thánh cho dân làng được mở hội thì tiến hành lễ mộc dục (tắm rửa, lau chùi thần tượng, thần vị, áo mũ và khí tự).


Những người tham gia lễ là những thành viên đội tế, có đạo đức, được dân làng tin cậy và trong nhà không có tang. Sau khi được giao nhiệm vụ, những người này áo mũ chỉnh tề cùng nhau lên đền Sinh làm lễ, thắp hương xin phép Mẫu và đức Thánh cho được hành sự. Nước để tắm rửa thần tượng, thần vị là nước sạch pha trầm hương hoặc ngũ vị cho thơm. Sau hai lần tắm bằng nước sạch, lần thứ ba bằng nước ngũ vị hương, thần tượng thần vị được bao lau nhẹ nhàng bằng khăn bông, tiếp đến là lễ gia quan (thay áo thánh).
Khi hành sự, mọi người phải có khăn điều bao hàm để tránh trần khí xông lên thánh cung, không cười nói trong khi làm lễ mà mang tội bất kính. Sau lễ mộc dục, nước ngũ vị hương được để trong quán tẩy, mọi người dùng nước xoa lên mặt gọi là "quan chiêm thần huệ" để trừ bệnh tật; áo thánh thay ra được xé thành mụn nhỏ gọi là khước thánh chia cho dân.
Đền thờ Chu Phúc Uy.


Một tục khá điển hình trong lễ phẩm dâng cúng ở đền Sinh là xôi trắng, lợn đen. Xôi phải để nguyên cả mâm to, thịt lợn quay nguyên cả con. Lợn để tế thần phải là lợn do làng cử một người nuôi thật cẩn thận từ năm trước gọi là "lợn tuần". Đến lượt giáp nào đăng cai thì ngay từ khi mới tiếp nhận, giáp đã phải cử người có đức độ đi mua lợn về nuôi.
Trước khi tiến hành công việc này, ông trưởng giáp phải dẫn người được nuôi lợn lên đền thắp hương xin quẻ âm dương. Nếu được thì tiến hành, nếu không thì phải cử người khác. Những người được thần chấp nhận phải là người có đức độ, làm ăn phát đạt, thân thể lành lặn, dân làng tin cậy, trong nhà không có tang. 



Lợn cúng thần phải có màu đen, là giống lợn thịt ngon có dáng mạo đẹp, không mắc bệnh tật. Việc nuôi nấng chăm sóc cũng không hề đơn giản. Chuồng lợn phải đặt chỗ khô ráo, sạch sẽ, không được để gần chuồng trâu, hố xí. Phải thường xuyên làm vệ sinh để trong chuồng không có mùi hôi thối, ẩm ướt. Thức ăn của lợn phải tinh khiết, phải rửa sạch, nấu chín không để ôi thiu.
Ba tháng trước khi mở hội, cần phải cho lợn ăn thức ăn tinh khiết, có thêm cháo gạo để lợn béo đẫy, mượt mà, đảm bảo trọng lượng cần thiết. Đây là thời kỳ vất vả nhất, lo lắng nhất, đòi hỏi người nuôi phải hết sức thận trọng vì sắp đến ngày mở hội mà lợn tuần vẫn chưa đạt tiêu chuẩn thì vạ cả làng. Nếu chẳng may lợn không kịp lớn hoặc ốm chết thì đó là điều xúi quẩy khôn lường cho cả cộng đồng dù họ có xoay được một con khác thay thế và mâm cỗ vẫn đầy đủ như thường lệ.


Đến giờ đã định, giáp đăng cai lo mổ lợn, đồ xôi, bày mâm cỗ chu đáo rồi báo cho làng biết để làng cử người xuống tận gia chủ rước mâm cỗ lên tế thần. Rước cỗ không dùng kiệu gỗ, chỉ cần 4 trai đinh lành lặn, mạnh khỏe, áo mũ chỉnh tề xếp thành hai hàng thẳng thắn giống như chiếc kiệu rồi cùng nhau khiêng mâm đi theo nhịp bước đều đặn, nhẹ nhàng, chậm rãi. Xôi biện cỗ phải thật trắng được đồ bằng thứ nếp thơm dẻo, không lẫn tẻ, rất đều hạt. 
Theo ông Trần Đình Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, việc xin con ở đền Sinh đơn thuần là do đức tin. Thực tế, chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh được mức độ thành công của các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm về đây cầu tự. Chính vì thế, người dân không nên quá tin tưởng vào những hiện tượng tâm linh mà bỏ qua sự tiến bộ của y học hiện đại.
Theo Gia Đình và Xã Hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét