Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Chút nhầm tưởng về nơi thờ Bà Chúa Kho

Lâu nay, nhiều người dân vẫn quen về Bắc Ninh để cầu xin tài lộc ở đền Bà Chúa Kho mà không biết thực ra đình Giảng Võ ở Hà Nội mới chính là thờ nữ tướng trông coi kho tàng của vương triều Trần, do chính vua Trần Nhân Tông phong tước

Đình Giảng Võ (Hà Nội) là nơi thờ bà Lý Thị Châu Nương, nữ tướng thời Trần. Bà chính là người phụ trách kho lương của triều Trần, được nhân dân quen gọi là Bà Chúa Kho.
Theo thần phả lưu giữ ở đình Giảng Võ (Hà Nội), nữ tướng Lý Thị Châu Nương quê ở phường Võ Trại (nay là Giảng Võ), từ nhỏ tinh thông võ nghệ, cung kiếm. Đến tuổi trưởng thành, Châu Nương lấy chồng là Trần Thái Bảo, một vị tướng trấn giữ Hoan Châu (nay là Nghệ An). Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược, bà giả trai theo chồng đánh giặc và chỉ huy việc bảo vệ kho lương, hỗ trợ hậu cần cho binh sĩ.



Sau chiến thắng quân Nguyên Mông, vua Trần ban thưởng phong Trần Thái Bảo chỉ huy đạo quân bảo vệ Hoàng cung, Châu Nương được đặc cách coi kho quốc khố ở với chức “Quản trưởng quốc khố” (coi giữ kho tàng quốc gia).
Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2, Trần Thái Bảo chỉ huy, chặn giặc, bảo vệ cuộc rút lui chiến lược của triều đình còn bà Châu Nương chỉ huy quân lính chuyển kho, bảo vệ của cải, lương thực. Khi nghe tin chồng tử trận, sau khi cất giấu an toàn kho lương, bà tự vẫn theo chồng. Sau khi bà mất, triều đình thương tiếc phong là “Anh linh hiển ứng kho nương công chúa”, “Giám chưởng Quốc khố công chúa” và “Quốc khố đại vương phu nhân Thánh mẫu”, sai làng Giảng Võ lập đền thờ.
Theo cụ từ Nguyễn Bá Be, ngoài nơi thờ chính ở Giảng Võ, thần phả ghi chép rằng 22 làng ở lộ Diễn Châu (nay thuộc Nghệ An) lập miếu thờ bà Châu Nương, dân gian quen gọi là Bà Chúa Kho. Cụ Be cho biết thêm, đình Giảng Võ xưa kia vốn là đền, vì dân làng tôn bà Châu Nương làm thành hoàng nên trở thành đình.


Về sự tích Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, đình Giảng Võ có lưu bài viết: “Một sự hiểu lầm về đền Bà Chúa Kho”. Đây là kết quả của hai tác giả Trần Minh, Nguyễn Trí Tuệ. Theo đó cho thấy, Bà Chúa Kho được thờ tại Bắc Ninh vốn là Hoàng hậu vua Trần, sau lâm bệnh mất, vua thương tiếc sai 72 làng quanh vùng lập đền thờ, trong số đó Cổ Mễ (nay thuộc Bắc Ninh) là quê gốc nên lập đền lớn trên một quả núi đất có tên là núi Kho. Về sau, các triều đại ban sắc phong làm nữ thần và danh hiệu Bà Chúa nên dân quen gọi là Bà Chúa Kho (tức bà Chúa núi Kho) chứ không phải bà chúa trông coi kho tàng của triều đình như đời sau lầm tưởng.

Vì hiểu nhầm gốc tích về Bà Chúa núi Kho mà nhiều người cho rằng, có thể đến đây cầu, xin ban phát của cải, tiền bạc. Họ đến cúng bái, vay tiền làm phát sinh những hiện tượng tiêu cực: khấn thuê, đốt mã, bói toán, trộm cắp và tạo nên tình trạng lộn xộn, khiến cho bao chuyện dở khóc dở cười “tiền âm” chưa vay được thì "tiền dương” đã mất.

.

Khẳng định kết quả nghiên cứu của hai tác giả Trần Minh, Nguyễn Trí Tuệ là đúng, giáo sư Vũ Ngọc Khánh, Viện Văn hóa dân gian, cho rằng thông tin về sự tích các vị thần thánh được thờ phụng ít được phổ biến nên dẫn đến những hiểu lầm như trường hợp Bà Chúa Kho, thậm chí, một sự tích, giai thoại lại được gán cho nhiều nhân vật khác nhau. "Bên cạnh chính sử còn có dòng dã sử dân gian phong phú do đó không tránh khỏi sự pha trộn thông tin, thí dụ như  về vị Tổ nghề đúc đồng mỗi thờ một người khác nhau, hoặc nếu thờ cùng một người thì thần phả ghi chép về sự tích vị thần, thánh đó lại có những dị biệt", giáo sư Khánh nói.

Ông Trương Văn An, Trưởng ban quản lý đình Giảng Võ cũng khẳng định: “Bà Châu Nương, vị thành hoàng ở đình Giảng Võ mới chính là bà Chúa trông coi kho lương". Tuy nhiên, cũng theo ông An,  việc thờ cúng là nhằm tưởng nhớ công lao của bà chứ không phải là để cầu tài, lộc lễ, vay mượn, xin tiền của… "Ở đây chúng tôi cũng không chấp nhận những hoạt động mê tín dị đoan”, ông An nói. 

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, vào mồng một, ngày rằm và nhất là vào mùa xuân người Việt có tục đi lễ đình, chùa cầu tài, lộc. Đó là nét đẹp văn hóa cần bảo tồn, tuy nhiên ở một số nơi, hoạt động này nhuốm màu dị đoan, bị “thương mại hóa” nặng nề như việc lễ cầu ở đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Đa số người đi lễ ở đây chưa hiểu, chú ý đến sự tích của vị thần mà mình lễ bái.

Đình Giảng Võ nay nằm ở ngõ 612 Đê La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Chiến tranh tàn phá, ngôi đình phải trùng tu nhiều lần nên không còn được như xưa nhưng quy mô kiến trúc vẫn khá đẹp. Cổng tam quan mang tên là Bảo Khánh Môn trước đây, nay chỉ còn dấu tích là bốn viên đá xanh cỡ lớn. Bên sân đình có hai miếu nhỏ thờ hai nàng hầu của bà Châu Nương. Chính giữa là nhà phương đình, dựng lại năm 1998. Phía trong cùng là tòa Đại đình, nơi thờ bài vị, có long ngai và tượng bà Châu Nương, xây lại năm 1953, với các nét chạm trổ các đề tài hổ phù, phượng vũ, mây, cá hoá rồng…

Dấu tích cổ nhất của đình là hai nhà tả mạc, hữu mạc nằm bên tòa đại đình, tuy còn nguyên vẹn nhưng cũng được tu bổ. Ngoài ra còn bốn con nghê đá, hai tấm bia đá và một số trụ đá trước đây dùng là chỗ kê cột đình.
Đặc biệt, hai tấm bia đá, theo lời cụ từ Nguyễn Bá Be, hoàn toàn không có chữ. “Người xưa truyền rằng trước đây hai tấm bia này không được đặt đứng mà lại để ngằm áp xuống mặt đất. Lý do vì sao thì chưa ai hiểu rõ, một số nhà nghiên cứu cũng chưa giải thích được”, cụ Be nói.
Ngoài nơi thờ chính là đình Giảng Võ, tại Hà Nội còn một số nơi thờ vọng Bà Chúa Kho Lý Thị Châu Nương, đó là đình Ngọc Khánh và Hào Nam.

Hàng năm, vào những ngày lễ, địa phương thường tổ chức đơn giản, gọn nhẹ nhưng thành kính vào dịp ngày sinh (12/2), ngày hoá (20/7) âm lịch của bà Chúa. Ngoài ra, theo thông lệ, cứ đến ngày 23/12 âm lịch, Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam lại phối hợp với Uỷ ban nhân dân phường Giảng Võ, Nhà hát Tuồng Trung ương tổ chức lễ rước bài vị và bát hương thành hoàng làng cầu cho quốc thái, dân an.
Hùng Phong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét