ên thường gọi là đình Phương Bản, thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Xuất phát từ quận Hà Đông, theo quốc lộ số 6 qua Ba La, Do Lộ, vượt cầu Mai Lĩnh khoảng 500m, rẽ tay phải vào làng là tới đình. Đình Phương Bản được coi như một mốc trên đường hành hương tới chùa Trăm Gian.
Có nghĩa nó nằm trên một miền đất có truyền thống văn hoá lâu đời. Người ta có thể hiểu rằng, nơi đây ven hữu ngạn sông Đáy, tất yếu người Phương Bản tuy trọng nông, nhưng chắc chắn có nhiều nghề phụ, nhất là nghề sông nước. Và, như thế, đời sống kinh tế cao, sẽ xây dựng công trình văn hoá như đình làng to đẹp. Ngày xưa, đình Phương Bản to đẹp đã được sửa chữa rất nhiều lần, nên trên kiến trúc của đình còn để lại nhiều dấu ấn nghệ thuật có niên đại khác nhau. Tuy vậy dáng dấp vẫn duy trì được, với kết cấu 5 gian 2 chái 6 hàng chân, bốn mái to rộng uốn cong. Mặt bằng theo hình chữ đinh, phần nối phía sau gian giữa (chuôi vồ) là Hậu cung có niên đại muộn. Hai đầu kìm (đầu bờ nóc) đắp hình vuông đuôi cá, có người cho đó là bóng dáng của thuỷ quái Makara (chủ nguồn nước theo tín ngưỡng văn hoá Nam Á) trong ý thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp. Lối xuống giữa bờ giải (bờ nối ra bốn góc) được đắp hình lân, tượng trưng cho sức mạnh tầng trên, một linh vật hiện thân cho trí tuệ - nhằm kiểm soát tâm hồn của kẻ hành hương, nơi đây cũng gắn phượng bằng đất nung để tượng trưng bầu trời và thánh nhân… Như vậy toàn bộ mái đình được đẩy lên mang hình tượng của bầu trời gắn với ước vọng hạnh phúc no đủ của con người. Đình Phương Bản nằm trên một khoảnh đất rộng, được dân làng coi là đất thiêng, đình đã chung sống cùng chùa, đền, mộ Thánh, để tạo nên một quần thể di tích đa dạng. Bước vào đình trước hết chúng ta được tiếp cận với đôi rồng đá (thành bậc) đứng đón ở hai bên gian giữa, đầu rồng ngẩng cao, lưng uốn võng kiểu yên ngựa, một vài chiếc đao mác đã cho biết niên đại của nó vào đầu thế kỷ XVIII. Song, ở đây cũng có thể nghĩ, đó là lời chúc phúc cùa làng Phương Bản với khách hành hương và cũng là tượng trưng cho mây đao, tượng về sấm chớp gọi mưa cho mùa màng tươi tốt. Hai con rồng tượng trưng cho âm dương đối đãi, là nguồn gốc của sinh sôi. Các bộ vì của đình được làm bằng gỗ, kết cấu lối cổ truyền. Ở đây vẫn còn lưu giữ được những đấu vuông lớn đặt trên đầu cột cái làm vật kê cho các câu đầu, đó là một kiến trúc thường gặp ở các kiến trúc có niên đại từ cuối thế kỷ XVII trở về trước. Rất tiếc là các bộ phận khác liên quan do bị hỏng, vì quá lâu đời, nên đã được thay vào các thời sau. Tuy nhiên, ở đầu các con rường, đầu kẻ bẩy… tuy muộn, nhưng chúng vẫn được chạm nổi các hình hoa lá cách điệu, và những vân xoắn mà những người am hiểu nghệ thuật vẫn ngỡ rằng đó là hình tượng của chớp trong ý thức cầu mưa… Đình hiện được bưng kín, với mặt trước của bức bàn và ván đố, các mặt khác bưng gạch.
Hậu cung xây gạch, song bộ phận thờ được nâng cao trên một hệ thống sàn gỗ và cũng bưng kín bằng ván gỗ.
Đồ thờ tự của đình cũng còn khá nhiều, như;
- 23 đạo sắc trong đó có 4 đạo thời Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII)
- 3 cỗ kiệu cổ kính, nghệ thuật điêu khắc của thời Lê và Nguyễn.
- Hoành phi, câu đối, ba cỗ long ngai bài vị, nhang án, đỉnh sát hương, đồ rước lễ như long đình bát bửu…
Đình làng Phương Bản là nơi sinh hoạt văn hóa của làng, nơi đây là vùng đất của Bố Cái đại vương, địa bàn hoạt động của nghĩa quân chống ách đô hộ của nhà Đường (thế kỷ VIII), vì thế làng đã tôn Bố Cái (tức Phùng Hưng) và vợ ông làm thành hoàng làng.
Nhưng, làng cũng đưa hai nhân thần của làng Uy Sơn và Ngọ Dịch vào thờ. Hai ông này cũng được coi là thành hoàng làng với công lao giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.
Hiện tượng nhiều thần làm thành hoàng làng đã có nhiều nơi, và đình Phương Bản coi như một minh chứng về sự hội tụ các vẻ đẹp tình thần của làng xã trong lịch sử.
Nguồn tin: Theo Di tích Hà Tây, Sở Văn hoá Thông tin Hà Tây, 1999 (Thăng Long Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét