Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Di tích kiến trúc nghệ thuật: Đình Long Trung


Dựa vào tên trên biển cổng và các lá sắc phong thì trước đây Đình được gọi là Mỹ Đông Trung Đình. Sau cách mạng tháng tám năm 1945 hai làng Hưng Long và Mỹ Long Trung được sát nhập lại thành một, lấy hai chữ cuối của hai làng là Long và Trung để đặt tên cho xã mới là Long Trung. Đình cũng được gọi tên theo xã từ Mỹ Đông Trung Đình thành Đình Long Trung.

Thời phong kiến Đình là nhà công cộng của làng, để họp việc làng. Do vậy, để nhân dân lui tới thuận tiện trong điều kiện sống ở vùng sông nước nên Đình Long Trung được lập cạnh Rạch Ông Bảo, tại khu phố chợ Ba Dừa, thuộc ấp 17 xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (xưa là làng Mỹ Đông Trung, huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường).
Đình Long Trung nằm cách trung tâm huyện lỵ Cai Lậy 10km về phía Nam. Đi đến di tích bằng ô tô rất thuận lợi: từ TP. Hồ Chí Minh đi Vĩnh Long, đến thị trấn Cai Lậy ngay ngã tư Ba Dừa rẽ trái đi vào 10km, đến ngã ba Long Tiên (nghĩa trang liệt sĩ huyện Cai Lậy) rẽ tay phải đi vào 700m là đến di tích.
Đình Long Trung do dân làng lập vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 để thờ cúng các vị thần Thành Hoàng mà họ tín ngưỡng cùng những người có công khai khẩn đất hoang lập làng.  
Đình Long Trung thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật cổ, có giá trị về lịch sử. Theo sắc phong của Triều Nguyễn vào năm 1811 (thời vua Thiệu Trị) phong cho Thần làng Mỹ Đông Trung là Thượng Đẳng Thần, gồm có 6 lá sắc thần, 03 lá Đại Càn thờ ở Miếu, 03 lá thờ ở đình. Nhìn tổng thể kiến trúc, đình được xây dựng theo dạng chữ = gồm 3 dãy nhà ngang: Võ ca, Chánh điện, Hậu đường được xây dựng bằng các loại gỗ quí, gạch ngói và chất kết dính là hồ ô dước theo kỹ thuật truyền thống; kèo cột, xiên trích và bộ sườn của mái kết cấu với nhau bằng hệ thống mộng, chốt rất tinh vi và sắc xảo mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thể hiện qua kỹ thuật xây dựng, kết cấu vật liệu và các họa tiết trang trí bên trong, góp phần làm tăng nét uy nghiêm, lộng lẫy bên trong đình được trang trí các bao lam, hình võng, các tấm hoành phi, câu đối, các bàn thờ... được chạm trỗ công phu, tinh xảo, đặc sắc với các đề tài thể hiện sự trang nghiêm nơi thờ tự.        
Đình Long Trung còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể rất độc đáo ở Tiền Giang. Đặc biệt là các tấm hoành chạm 3 lớp kết hợp với các tượng tròn trang trí bên trên, các nghi thức tế lễ và lễ hội chưng nghi của nhân dân vào ngày 16 tháng 11 (AL) hàng năm. 
Năm 1896, ông Huỳnh Nhất Vinh một nhà nho đến làng Mỹ Đông Trung mở trường dạy học đã cho trùng tu xây dựng lại ngôi đình có qui mô to rộng như ngày hôm nay.
Lần trùng tu thứ hai vào năm 1944 do ông Hồ Đắc Phong-một vị chức sắc trong vùng đứng ra chủ trì và ông đã cho chuyển đổi Cổng tam quan từ phía trước đình (cặp Rạch Ông Bảo) ra phía sau đình (cổng hiện nay).
Từ đó cho đến nay đã trãi qua nhiều lần tu sửa nhưng Đình Long Trung vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu mới xây dựng.
Đình Long Trung là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá  của nhân dân địa phương từ khi lập làng cho đến nay. Mỗi năm đình có 03 lần cúng vào các ngày 12/01; 16-17/11 và 12/12 (AL). Lần cúng vào ngày 16-17/11 là lệ cúng Kỳ Yên. Đây là lần cúng quan trọng và lớn nhất ở Đình Long Trung. Trong lần cúng này có tổ chức trưng bày những tác phẩm chưng kết, hoa kiểng, những mâm ngũ quả… là những nông sản của nhân dân địa phương làm ra, đồng thời trong lễ hội Kỳ Yên cũng là dịp trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, thể hiện bản sắc văn hoá rất riêng của nông dân Tiền Giang.
Ngoài ra, nhằm giới thiệu giá trị văn hoá của di tích với khách tham quan trong và ngoài tỉnh, Công ty Du lịch Tiền Giang đã đưa di tích Đình Long Trung vào tour du lịch xanh-văn hoá miệt vườn vùng Cai Lậy-Tiền Giang, bởi vì Long Trung và các xã lân cận là vùng cây ăn quả đặc sản của tỉnh, đồng thời cũng là vùng nhân dân còn giữ được nhiều truyền thống văn hoá miệt vườn nhất ở Tiền Giang.
Đình Long Trung được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999./.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét