Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Di tích kiến trúc nghệ thuật: Nhà Đốc Phủ Hải


 Tên gọi chính thức: Nhà Đốc Phú Hải
- Tên gọi khác: Nhà truyền thống thị xã Gò Công, nhà Bà Huyện. 
+ Cuối thế kỷ 19 Tri huyện Huỳnh Đình Ngươn là chồng bà Dương Thị Hương-con rể bà Trần Thị Sanh về đây an dưỡng lúc tuổi già nên gọi là nhà Bà Huyện.
+ Đến đời con rể bà Hương làm Đốc Phủ Sứ là Nguyễn Văn Hải (Phú Hàm) về ở, cho xây thêm nhiều công trình phụ chung quanh gọi là nhà Phú Hải.
+ Từ năm 1980 đến năm 1999, ngôi nhà này được Huyện uỷ, UBND thị xã Gò Công làm Nhà truyền thống thị xã Gò Công.
+ Từ năm 2000 đến nay, được đổi lại là Nhà Đốc Phủ Hải.     
Nhà Đốc Phú Hải thuộc phường I, thị xã Gò Công, giữa các khu phố dân cư đông đúc, phương tiện đi đến di tích bằng ôtô rất thuận lợi băng hai con đường:
- Từ thành phố Hồ Chí Minh đi Gò Công bằng quốc lộ 50.
- Bằng đường liên tỉnh lộ 24 từ Mỹ Tho xuống Gò Công khoảng 35km.
Nhà truyền thống thị xã Gò Công là một công trình kiến trúc phong kiến cuối thế kỷ 19 đầu 20 vùng Gò Công Tiền Giang, ngôi nhà này được khởi công xây dựng từ giữa những năm 1860.
Giữa những năm 1860 bà Trần Thị Sanh rời gia đình chồng cùng con gái là Dương Thị Hương về đây cất nhà để ở, lúc đó ngôi nhà này được cất theo dạng chử Đinh, ba gian lợp lá. Ít lâu sau để chuẩn bị đám cưới con gái, bà Sanh làm lại lợp ngói âm dương.
Vào khoảng năm 1860-1885, Huyện Ngươn là chồng bà Dương Thị Hương chán cảnh quan trường về ở đây cho tu sửa ngôi nhà này khang trang rộng đẹp, nguy nga có tiếng để dưỡng già. Khi ông qua đời bà Hương ở cùng con gái út là Trần Thị Điệu.
Từ 1885-1890 phong trào xây dựng dinh cơ nổi lên ở Gò Công, các gia đình địa chủ kheo khoang nhà cửa. Chồng bà Điệu là Nguyễn Văn Hải có chút tân học-tài sản cho xây thêm tiền sảnh, hai nhà vuông hai bên phía sau nhà chính để những người làm công trong nhà ở và sắm sửa thêm nhiều đồ đạc Tây, Tàu về chưng dọn trong nhà (nên còn gọi là nhà Phủ Hải).
Năm 1909-1917 ngôi nhà được tu bổ thêm xây tường, làm hàng rào sắt, phía sau xây thêm lẫm lúa rất lớn. Trong đợt trùng tu này tốn hết 10.000 giạ lúa tương đương 250 tấn thóc lúc bấy giờ.
Toàn cục ngôi nhà thành thể cách nội công ngoại quốc rất đặc biệt. Địa cuộc bên ngoài quay về phía Bắc, sau lưng quay về phía Nam. Gồm ba phần: nhà chính có diện tích là 533,26m2, hai nhà vuông 196,4m2 và lẫm lúa. Vật lệu xây dựng chủ yếu là gỗ, gạch, xi-măng, ngói.
Nhà Đốc Phủ Hải thuộc loại kiến trúc dân dụng nhà ở của địa chủ phong kiến cuối thế kỷ 19 đầu 20. Nhà được xây cất theo dạng chữ Đinh (lúc ban đầu), qua nhiều lần tu bổ và xây dựng, toàn bộ ngôi nhà ngày nay gồm ba phần: nhà chánh, hai nhà vuông-nơi ở của những người giúp việc và lẫm lúa (kho thóc của địa chủ).
- Nhà chánh: ba gian hai chái toàn bộ lợp ngói âm dương gồm 36 cây cột, trong đó gỗ chiếm 30 cây gỗ căm xe và gõ.
Tiền sảnh làm theo kiểu Châu Âu, trên các đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn dây nho. Các xiên trính đều chạm ba mặt và ở hai đầu. Trên đố và vòm cửa có trang trí bằng nhiều tác phẩm chạm khắc, thể hiện nhiều đề tài khác nhau lồng trong các khung kính hình chữ nhật và hình vuông. Bên trong các khung: tứ quí, hoa, trái, chim, thú tượng trưng cho các loại hoa trái Nam Bộ, trên 4 góc khung có 4 con bướm đang bay hướng vào vòng tròn.
Vào trong nhà tiền đường  nối các khoảng cột với nhau là các bộ bao lam bằng gỗ chạm hai mặt thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quí, bát bửu. Bên cạnh các bao lam là liễn đại tự để thờ, liễn treo trên cột được khảm xà cừ óng ánh, độc đáo với các tích truyện Tàu ngày xưa: nhị thập tứ hiếu, Văn Vương cầu hiền… hoặc các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam: đàn bầu, tỳ bà, sáo trúc được các nghệ nhân thể hiện rất công phu tỉ mỉ. Trên các khánh thờ chạm lưỡng long chầu nguyệt và thếp vàng.
Ngoài các khuôn biển, các liễn đại tự, các đôi liễn trên các vách cột, phải kể đến các đồ dùng quí hiếm hiện nay còn để lại như: tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18. Giường Tàu (giường Thất Bảo) mặt loát 6 tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau, thanh chân chạm nổi hoa lá và khảm xà cừ. Hai bộ đi văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen… Đặc biệt các bức tranh vẽ trên kính, hai bộ tranh hạt cườm bằng nhung đỏ, 8 tấm thêu mai-lan-cúc-trước, xuân-hạ-thu-đông.
Tóm lại, các tác phẩm chạm trổ hai mặt, khảm xà cừ được trang trí trong nhà rất phong phú đề tài thể hiện triết lý Nho-Lão-Phật. Ơû đây tác giã đã mạnh dạn đưa nhiều đề tài dân gian và những loại sản vật mang đậm nét vùng Gò Công nói riêng và đồng bằng Nam bộ nói chung. Đồng thời thể hiện nghề chạm khảm xà cừ của vùng Gò Công có tiếng từ xưa đến nay, xứng với câu khen ngợi dân gian:
“Nhất tủ Gò Công, nhì salon Sông Bé”
Với các công trình còn lại của ngôi nhà và hơn 350 khuôn biển trang trí, đại tự, liễn khảm xà cừ + 70 cổ vật có trong nhà hiện nay thì nhà Đốc Phủ Hải là một trong những ngôi nhà địa chủ phong kiến còn lại tiêu biểu nhất ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng.
Nhà Đốc Phủ Hải được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1994./.
Các hình ảnh về di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Đốc Phủ Hải
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Dinh thự 'vỏ Tây, ruột ta' đẹp hoàn mỹ của đại địa chủ Nam Bộ xưa

Nhìn từ bên ngoài, nhà Đốc Phủ Hải là một dinh thự nguy nga kiểu phương Tây. Khi vào bên trong, nhiều người không khỏi kinh ngạc trước những gì được chứng kiến...
  Tọa lạc tại phường I của thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Nhà Đốc Phủ Hải được coi là một trong những ngôi nhà cổ đặc sắc nhất vùng đất Nam Bộ.
  Có lịch sử bắt đầu từ năm 1860, qua nhiều lần tu bổ và xây dựng, toàn bộ ngôi nhà ngày nay gồm ba phần: nhà chính ở phía trước...
  ...Hai nhà vuông (nơi ở của những người giúp) việc và lẫm lúa ở phía sau.
  Tiền sảnh của nhà Đốc Phủ Hải làm theo kiểu Châu Âu, trên các đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn dây nho.
  Cận cảnh các họa tiết trang trí trên cổng chính.
  Nét đặc sắc trong kiến trúc của nhà Đốc Phủ Hải là tiền sảnh xây bằng gạch kiểu phương Tây nhưng bên trong lại là những cấu trúc gỗ đậm nét truyền thống.
  Nhà chính là nhà ba gian hai chái lợp ngói âm dương, gồm 36 cây cột, trong đó gỗ có 30 cột làm từ gỗ quý.
  Nối các khoảng cột với nhau là các bộ bao lam bằng gỗ chạm hai mặt thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quí, bát bửu...
  Bên cạnh các bao lam là liễn đại tự để thờ, liễn treo trên cột được khảm xà cừ óng ánh, độc đáo.
  Trên đố và vòm cửa có trang trí bằng nhiều tác phẩm chạm khắc, thể hiện nhiều đề tài khác nhau lồng trong các khung kính hình chữ nhật và hình vuông.
  Cận cảnh một số tác phẩm đặt trong khung kính.
  Nhà Đốc Phủ Hải còn lưu giữ nhiều đồ dùng quí hiếm như: tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18...
  Giường Thất Bảo chạm nổi hoa lá và khảm xà cừ.
  Các tác phẩm đã thể hiện danh tiếng xưa nay của nghề chạm khảm xà cừ vùng Gò Công, xứng với câu khen ngợi dân gian: “Nhất tủ Gò Công, nhì salon Sông Bé”.
  Trong không gian Á Đông của ngôi nhà cũng xuất hiện khá nhiều vật dụng của phương Tây như những hộp đèn này.
  Một chiếc tủ mang nhãn hiệu Pháp.
  Đèn treo trần nhà kiểu châu Âu.
  Nhà Đốc Phủ Hải được bà Trần Thị Sanh (vợ của Trương Định) cho xây dựng vào năm 1860, khi đó chỉ là nhà ba gian lợp lá. Năm 1864, bà Sanh giao quyền trông nom ngôi nhà cho con riêng Dương Thị Hương và rể là Tri huyện Trường Bình. Sau khi họ qua đời, ngôi nhà để lại cho con gái Huỳnh Thị Điệu và chồng là Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải.
  Kể từ cuối những năm 1890, ông Hải cho xây dựng thêm tiền sảnh kiểu Tây cùng các công trình phía sau nhà chính và sắm sửa thêm nhiều đồ vật quý cho ngôi nhà.
  Ngày nay, nhà Đốc Phủ Hải là một trong những ngôi nhà địa chủ tiêu biểu nhất ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng còn được gìn giữ.
Theo KIẾN THỨC

Độc đáo nhà cổ miền Tây: Dinh thự quan lại Gò Công


Nhà Đốc phủ Hải - Ảnh: Hoàng Phương
Gò Công là nơi còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc cổ nhất Tiền Giang. Trong đó, có 2 công trình độc đáo, tiêu biểu.

Nhà Đốc phủ Nguyễn Văn Hải
Tọa lạc tại số 49 Hai Bà Trưng (TX.Gò Công), trước năm 1999, nhà Đốc phủ Hải được trưng dụng làm Nhà truyền thống thị xã. Từ năm 2000 đến nay, ngôi nhà được trả lại tên cũ, do Trung tâm văn hóa - thể thao TX.Gò Công quản lý và công trình kiến trúc đã qua 3 lần tu sửa, nâng cấp.
Theo tư liệu lịch sử, vào giữa thập niên 1860, đây là ngôi nhà chữ đinh 3 gian, lợp lá, sau nâng cấp lợp ngói âm dương, là nơi bà Trần Thị Sanh (bà hầu của anh hùng Trương Định) sinh sống. Mấy năm sau, ông huyện Huỳnh Đình Ngươn cho tu sửa thành ngôi nhà rộng rãi, nguy nga hơn. Đến khoảng năm 1890, Đốc phủ Nguyễn Văn Hải cho xây thêm tiền sảnh, 2 nhà vuông hai bên phía sau và sắm sửa thêm nhiều đồ đạc. Những năm đầu thế kỷ 20, ngôi nhà được tu bổ thêm như xây tường, làm hàng rào sắt, xây lẫm lúa. Tổng thể ngôi nhà hiện tại gồm 3 phần: nhà chính, hai nhà vuông và lẫm lúa.
Nhìn từ bên ngoài, tiền sảnh đậm chất kiến trúc phương Tây, trên các đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn dây nho. Khi vào bên trong, người ta thấy rõ sự pha trộn hài hòa giữa văn hóa Pháp - Việt. Các bộ liễn đối được khảm xà cừ óng ánh. Trên đố cửa, vòm cửa và các bao lam chạm khắc nhiều đề tài khác nhau như hoa, bướm, chim, chùm nho, con cáo, con dơi... Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài còn khá nguyên vẹn.
Hiện ngôi nhà còn lưu giữ nhiều đồ dùng quý hiếm như tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Hoa và VN thế kỷ 18... Giường thất bảo khảm xà cừ chạm nổi hoa lá. Trong không gian Á Đông của ngôi nhà còn có khá nhiều vật dụng của phương Tây như những hộp đèn, chiếc tủ mang nhãn hiệu Pháp, đèn treo trần nhà kiểu châu Âu... Nhiều đồ gỗ trong nhà đều được sản xuất theo phong cách cổ điển Pháp được các nghệ nhân thời bấy giờ chạm nổi hoặc khảm xà cừ.
Nhờ sự pha trộn Đông - Tây trong lối kiến trúc độc đáo và sự giao thoa văn hóa Pháp - Việt trong nội thất, nhà Đốc phủ Hải không những nổi tiếng ở Gò Công mà còn được nhiều nơi biết đến, thậm chí nhiều người nước ngoài đến tham quan và bày tỏ sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của ngôi nhà. Ít có nơi nào được nhiều nhà sản xuất phim và các đài truyền hình trong nước quan tâm, chọn bối cảnh để quay phim như nhà Đốc phủ Hải, nhất là những phim mô tả cuộc sống của người dân Nam bộ ở giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ông Đặng Văn Thương, phụ trách công tác bảo tồn truyền thống TX.Gò Công, cho biết hiện ngôi nhà cho HTV9 mượn bối cảnh làm phim Lời nguyền. Mỗi năm trung bình có 1 - 2 đoàn như thế, có phim thời gian quay kéo dài hơn một tháng.
Dinh tỉnh trưởng Gò Công
Được xây dựng vào năm 1885, dinh Tham biện, sau là dinh Tỉnh trưởng Gò Công (tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Côn, TX.Gò Công), là một trong những công trình kiến trúc đầu tiên tại Nam Kỳ lục tỉnh khi thực dân Pháp đặt nền móng đô hộ. Công trình đồ sộ này có quy mô một trệt, một lầu với diện tích sử dụng 1.400 m2, nằm trong khuôn viên rất rộng, cảnh quan nên thơ.
Dinh Tỉnh trưởng Gò Công - Ảnh: Hoàng Phương
Dinh Tỉnh trưởng Gò Công - Ảnh: Hoàng Phương
Bà Nguyễn Công Minh, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TX.Gò Công, cho biết sau năm 1975, dinh Tỉnh trưởng Gò Công từng là trụ sở của rất nhiều cơ quan, gần đây được giao lại cho trung tâm quản lý. Từ năm 2006 đến 2011, di tích này còn được chính quyền ký hợp đồng cho Công ty TNHH Yến Gò Công thuê để làm nơi nuôi yến. Bị dư luận, báo chí phản ứng gay gắt nên sau đó hợp đồng được thanh lý. Nhưng chim yến vẫn theo tập quán bay về, vì vậy phải bịt kín các ô cửa lại. Bây giờ chim yến không còn nhưng ngôi nhà lại trở thành nơi trú ngụ của loài dơi, cũng ô nhiễm không kém.
Hiện nay toàn bộ ngôi nhà đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Trên các bức tường đã xuất hiện nhiều chỗ bong tróc và những vết nứt. Hệ thống cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ đều có dấu hiệu hư, mục. Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho việc trùng tu, bảo tồn các công trình cổ của địa phương rất khiêm tốn. 
Mới đây, Sở VH-TT-DL tỉnh Tiền Giang đã cho lập dự án sửa chữa, trùng tu lại di tích này với kinh phí dự kiến khoảng hơn 20 tỉ đồng, nhưng dự án hiện vẫn còn nằm trên giấy. Vào năm 1985, Pháp đã có văn bản gửi cho chính quyền Gò Công, thông báo công trình này đã hết hạn sử dụng, vì đã được xây trước đó 100 năm.
Hoàng Phương - Ngọc Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét