Theo thần phả và dân gian truyền lại, đời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17) ở Thượng Mỗ có người con gái là Nguyễn Thị Hồng, vốn là con nhà gia thế, lại giỏi thơ ca, hay nghề đàn hát, nhất ca trù, một lối hát cung đình thanh tao, quý phái. Bà vừa đẹp người, đẹp nết, giỏi cầm ca nên nổi tiếng khắp vùng, nhân dân ngưỡng mộ.
Tiếng đồn bay đến kinh đô, nhà vua liền du ngoạn và ngự giá ở Thượng Mỗ. Được mắt thấy tai nghe, một cô thôn nữ đẹp như bông sen nở bên hồ, lại có giọng hát hay như chim hót, khẩu khí ứng đối trôi chảy như một trang kiệt nữ, sánh với bậc kỳ tài… nhà vua liền đón về cung và phong làm cung phong làm phi đệ nhị, phụ trách lễ nhạc cung đình, chuyên dạy hát ca trù phục vụ những cuộc đại lễ.
Sống ở nơi đài các, nhưng bà phi luôn nhớ tới quê hương bản quán. Khi lâm bệnh, bà ước nguyện được về nơi quê cha đất tổ, lúc mất được hoà trong cảnh gió nội hương đồng. Cảm kích trước công lao và đức hạnh của bà phi, khi bà mất, nhà vua đã cử hành tang lễ trọng thể và đưa thi hài của bà về cánh đồng làng Thượng Mỗ. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ bên Đầm Giếng, gần khu Mả Vương. Lăng mộ, đền thờ còn tồn tại đến ngày nay. Làng Đại Phú còn được gọi là làng “Nhà trò”.
Đền Đầm Giếng xưa là một am nhỏ, phía sau đền có cây bàng cổ thụ xoè tán che mát như một chiếc lọng lớn, xung quanh cây cối um tùm, chim kêu ríu rít. Nay, đền được tôn tạo nhiều lần, nay có đủ nghi môn, tiền tế, đại bái và hậu cung. Phía trong đền có tượng Đức bà sáng mặt, đôn hậu, lịch lãm. Bức hoành phi ghi bốn chữ “Kim chi ngọc diệp” (tức là cành vàng lá ngọc) được khắc treo từ thời Lê Chính Hòa (1702). Nhiều câu đối ngợi ca công đức của bà: “Tiếng hát trong như ánh trăng làm rung vòng xuyến của cung phi/Ân trạch lớn như sóng nước phù cho cây cối của làng Mỗ tươi tốt”.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 3 tháng 2 âm lịch, ngày giỗ của bà phi, nhân dân tổ chức lễ trọng. Bài văn tế “Đệ nhị cung phi hoàng hậu” được lưu trữ cẩn thận cùng với cuốn ngọc phả ghi công đức của bà. Sau phần lễ, đều có hát ca trù. Nhiều giáo phường ca trù nổi tiếng ở Hà Tây, Hà Nội về hát “Hầu Bà chúa của ca trù”.
Kế thừa và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, dòng họ Nguyễn ở Thượng Mỗ vẫn luôn giữ gìn nghiệp tổ. Nghệ sĩ nhân dân Thương Huyền, người hát ca trù đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam sinh ra từ đất Thượng Mỗ. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Thanh Tam có ba, bốn thế hệ nối tiếp hát ca trù phục vụ nhân dân địa phương, tham gia liên hoan nghệ thuật được tặng nhiều huy chương vàng, bạc…
Xã Thượng Mỗ đã thành lập câu lạc bộ ca trù để duy trì và phát huy vốn văn nghệ dân gian quý giá, xứng với quê hương của “Bà chúa ca trù”. Câu lạc bộ đã được Hội văn nghệ dân gia Việt Nam công nhận là địa chỉ văn hóa dân gian.
Nhà nghiên cứu văn hoá Minh Nhương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét