Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Huyền tích thành hoàng làng Đông Khê

Huyền tích kể lại rằng, thành hoàng làng Đông Khê là một vị thần nhà trời, có công cứu nạn cho dân, nước nên được lập đình thờ, miếu vọng ở tổng Phùng (nay là các xã Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp và Thị Trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội).
Diện mạo Thành hoàng ở đồng bằng Bắc bộ được các nhà khoa học xã hội phân chia thành ba loại: thiên thần, nhiên thần và nhân thần. “Thiên” là trời, tức là các vị thần có nguồn gốc từ trời được dân gian nhân cách hoá, mang dáng vẻ và có đời sống của con người. Sự tích vị Thành hoàng làng Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội), ở trong trường hợp ấy.


Bản thần tích do Đông Các Viện Hàn lâm đại học sĩ Nguyễn Bính, soạn năm Hồng phúc Nguyên niên (1572) cùng với những giai thoại lưu truyền từ xưa, đã kể về thiên dã sử đầy huyền tích này.

Truyền rằng: Từ thuở hồng hoang, vua Hùng kỳ tài thao lược. Sông núi yên bình, nhà nhà yên ổn làm ăn. Đến năm Canh Thân, bỗng nhiên đất trời biến đổi, thiên tai, dịch bệnh tràn lan. Trang Đông Khê thuộc tổng Phùng, vùng đất có tám làng (nay là các xã Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp và Thị Trấn Phùng), trấn Sơn Tây xứ Đoài xưa, trở nên nguy khốn. Mỗi ngày, hàng chục người mắc bệnh rồi tử nạn. Kẻ chết không có người chôn, kẻ ốm không người chăm sóc, thuốc thang, cúng lễ chẳng công hiệu gì. Dân tình hoang mang cực độ. Nhà vua cho lập đàn tràng tế cáo trời đất, xem duyên cớ vì đâu.
Trong khi hành lễ, bỗng gió, mưa kéo đến mịt mù, tưởng như đêm đen sập xuống. Rồi xuất hiện một đám mây vàng, bật ra tấm lụa đỏ từ trên trời buông xuống cửa đàn tràng. Trong chớp mắt, trời quang mây tạnh. Một cụ già râu tóc bạc phơ hiện ra, tay cầm gậy trúc, cất tiếng nói sang sảng: “Ta là người nhà trời, phụng mệnh của Thượng đế xuống hạ giới cứu nạn cho dân”.
Cụ già đi ngay vào những nơi xảy ra dịch bệnh, đem phép thần tiên biến hoá cứu người. Chỉ trong năm ngày, nhiều người sống lại, tai hoạ lui dần. Dân chúng rất đỗi mừng vui. Ghi tạc công ơn của vị cứu tinh không bao giờ quên được.
Trang Đông Khê thoát cảnh tai ương, lập miến thờ ngay tại nơi thần giáng, ngày đêm hương khói phụng thờ. Nhà vua cử sứ thần mang sắc chỉ về tận nơi trao phong vị cứu tinh, đặt duệ hiệu là Tích Lịch Hào Quang, bậc Thượng đẳng thần.


Từ đó về sau, thần Hào Quang có nhiều linh ứng. Khi Trần Nhân Tông bị giặc Nguyên vây hãm kinh thành, nhà vua phải lánh nạn. Trần Hưng Đạo xuất quân qua vùng Đan Phượng, phủ Quốc Oai, thừa lúc thuỷ quân của giặc men tới, trú binh. Ban đêm vào đền Tích Lịch làm lễ cầu âm phù, hẹn phá giặc xong xin tâu phong hiển vị. Sáng hôm sau khởi trận, giặc Nguyên thua to.
Tiếp đến là chiến thắng Bạch Đằng giang, trận này quân thuỷ, quân bộ hiệp đồng, giết chết chủ tướng giặc. Quân xâm lược nhà Nguyên bị quét sạch, quân dân ca khúc khải hoàn, nhà vua phong thưởng các tướng sĩ, bách thầm âm phù cũng được thảo sắc truy phong. Thần Tích Lịch được gia phong là “Hào quang huyền hiệu, hộ quốc an dân, anh linh Thượng đẳng thần”.
Đến đời hậu Lê, Lê Lợi, khởi nghĩa ở Lam Sơn bình giặc Minh, đại thắng cũng một phần nhờ sự âm phù của bách thần. Tích Lịch Hào Quang lại được bao phong Mỹ tự: “Uy linh hiển hách, Hộ quốc tí dân, Hoằng phu huệ trạch, Bác đại cao huân, Vĩ lược linh thanh Thượng đẳng thần”. Nhân dân trong tổng lập thêm nhiều đình, miếu thờ vọng, đình Đông Khê - Quáng Cả vẫn là nơi hương khói chính. Ngày 12 tháng Giêng hàng năm là chính tiệc giáng thần.
Trải qua biến thiên của lịch sử, ngôi đình Đông Khê vẫn còn khá nguyên vẹn của kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ 17). Những mảnh chạm khắc gỗ đặc sắc ở trong đình hoạ theo nội dung huyền tích của vị thần Hào Quang. Mảng rồng mây bay lượn, tiên nữ múa vui. Phía dưới là ba mặt trời toả ánh hào quang.

Huyền tích thành hoàng làng Đông Khê là sự cách điệu tài hoa nhân dân gian trước uy linh tối thượng của vị thần nhà trời đồng thời thể hiện tâm thức tín ngưỡng xa xưa của người Việt cổ và truyền thống nhớ ơn người có công với dân với nước.

Từ những giá trị văn hoá phi vật thể và vật thể còn lưu truyền, đình và chùa Đông Khê đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Minh Nhương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét