Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Phở Tư lùn ở Hà Nội


Nó tồn tại, không bảng hiệu, không bàn ghế sang trọng… mà bằng cặp ghế nhựa, cái cao làm bàn, cái thấp làm ghế, sắp dài trên vỉa hè buổi sáng để sẵn sàng dọn, chạy nhanh chóng khi có chiến dịch làm quang đãng vỉa hè. Vậy đó mà hàng năm, bảy chục người ăn một lúc, kẻ đến sau không có chỗ thì cứ loanh quanh vỉa hè mà chờ, đến khi có chỗ thì điền vào ngay, chứ không chịu đi hàng khác. Cứ nhìn cách ngồi ăn, kiểu khách chờ đợi đến lượt thì chưa ăn đã biết là phở ngon, vì có ngon, có cái đặc sắc riêng của nó thì người ta mới tha thiết với bát phở Tư Lùn đến thế. Cho dầu có lúc cũng bực mình tặc lưỡi: “miếng ăn là miếng tồi tàn…” cứ muốn bỏ đi, nhưng vài ba bữa lại nhớ cái vỉa hè tội nghiệp kia, quả có thứ đáng mặt món ngon Hà Nội.
Có câu chuyện kể trong giới nghệ sĩ và người sành ăn, tôi không hiểu có được bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng thấy hay, đầy tính nhân văn và nói lên lòng dân thương Bác Hồ nên cứ chép ra đây, xin đừng xem là phạm thượng.
Chuyện rằng ngày Bác còn sống vẫn thường làm việc khuya. Đêm lạnh, đèn phòng Bác vẫn chong đêm. Các chú cảnh vệ đứng dưới canh gác kháo nhau: “Lạnh thế này, giá có bát phở Tư Lùn thì tuyệt”. Cứ xuýt xoa với nhau, chặp sau thấy Bác bước xuống an ủi: “Lạnh quá, các cháu vào đây cho đỡ rét…” và hỏi “Phở Tư Lùn ngon thật à?”. Giật mình, các chú cảnh vệ thưa: “Dạ ngon bác ạ. Hay để chúng cháu chạy ra mua vào Bác dùng nhé?”
Bác bảo: “Thôi các cháu ạ. Phở thì phải ngồi tại chỗ, húp xì xoạp cho nó nóng, mới cảm nhận được cái ngon. Chứ mang về đây nguội ngặm thì còn gì là phở!” (Chuyện này tôi nghe nhà văn Thái Bá Lợi kể lại).
Tôi đồ rằng người ta thương Bác quá đấy thôi! Đến cái thú người thường như ăn bát phở Tư Lùn, Bác cũng không được hưởng trọn vẹn. Thế nên cho dù có hay không chuyện ấy tôi cũng tin như thế. Bởi những người như Bác làm sao thiếu những huyền thoại, những chuyện kể quanh cuộc sống của Bác!
Nếu vậy thì quả là phở Tư Lùn phải có trên 50 năm ở Hà Nội. Một thời gian tồn tại đến mấy đời người sao vẫn cứ trôi nổi, bị xua đuổi nơi vỉa hè. Lẽ ra nó xứng đáng có được vị trí kinh doanh như tên tuổi của nó. Vậy mà cũng cứ cái ghế cao làm bàn, cái ghế thấp làm ghế và người bưng bê sẵn sàng xách chạy khi nghe tiếng loa trật tự phường.
Tình thật, theo chỗ tôi biết thì ông Tư Lùn mất đi, truyền nghề phở gia truyền này lại cho hai cô con gái. Một cô tách ra mở quán phở ở ngõ Ấu Triệu (cạnh nhà Chung) cũng đông đặc khách và phở ngon không kém. Cô út còn lại cứ trụ vững ở vỉa hè Hai Bà Trưng dù mưa, dù nắng khách vẫn không đủ chỗ ngồi. Riêng tôi lại thấy vỉa hè hơi khó ngồi nhưng thật là hấp dẫn, đầy chất hàng rong Hà Nội hơn nhiều. Cái lý thú của ngày lạnh, có khi mưa phùn lất phất mà sì soạp tô phở lại nhớ chuyện Bác thấy thương thương. Hay buổi tinh mơ Hà Nội chưa rộn rịp phố phường, xe pháo đã bên bát phở nghi ngút, từng lát thịt chín pha gầu là nhớ đến bát phở của ông Nguyễn Tuân đại tài khuyên ăn phở chỉ nên ăn chín. Và có phải đó là cái phần tạo nên hồn vía ngàn năm của Hà Nội chăng?
Vậy thì sao lại không cho quán phở Tư Lùn này thuê vỉa hè buổi sớm để bán bát phở như có hồn vía Hà Nội trong ấy. Tôi biết có nhiều nước văn minh lắm, sạch đẹp lắm vẫn cứ cho thuê vỉa hè bán cốc cà phê, ly rượu vang… lưu lại cái tình quyến luyến cho khách đến, khách đi. Làm việc này thì “nhất cử , tam tứ tiện” góp phần chống nhũng nhiễu tham ô, khi để nó cứ tồn tại theo kiểu như vậy. Còn dẹp hẳn nó thì quả là buồn khi Hà Nội không có phở Tư Lùn. Chính cái vỉa hè ấy đã thêm sắc màu cho Hà Nội!
Chẳng bù với cái anh Bánh tôm Hồ Tây. Được cho cái vị trí “oách” nhất trên hồ Trúc Bạch, được thừa hưởng cả cái thương hiệu “Bánh tôm Hồ Tây” từ trước thời Tự Lực văn đoàn, vậy mà đã từ chối Hà Nội để không bán bia Hà Nội, chỉ bán bia của cái anh Đan Mạch xa xôi. Có công bằng không khi con ruột đẩy ra, con người ta kéo vào.
Phở Tư Lùn thật đáng tồn tại trên vỉa hè Hà Nội vậy.
Ảnh: VK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét