Vọp chong là một món ăn dân dã, là đặc sản của miệt biển Trà Vinh. Cách ăn vọp dù đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn này chỉ được những người đi rừng tận hưởng.
Ở những cánh rừng sác, rừng chồi ven biển huyện Duyên Hải, nói chung đất rừng luôn cao ráo, hầu như đi không hoặc ít dính chân. Chính những nơi này đã sản sinh ra rất nhiều vọp, mà dân bản địa gọi là "vọp mánh". Vọp mánh có hai loại "vọp mánh lộ" và "vọp mánh chỉ". Người ta gọi vọp mánh lộ vì tuy nằm dưới đất nhưng chúng vẫn để lộ một phần năm đến một phần ba một mặt bề vỏ, phần vỏ lộ này rất tiệp với màu đất phèn. Vọp mánh chỉ thì sống dưới mặt đất. Chính vì những yếu tố này mà vọp mánh lộ và vọp mánh chỉ rất khó tìm, phải là dân đi làm rừng có nhiều kinh nghiệm mới phát hiện được chúng. Khi đó, họ dùng móc sắt móc vọp lên. Hễ móc được một con thì sẽ móc được hàng bảy trăm con, thậm chí hàng ngàn con, vì vọp sống từng chòm.
Theo cách của người địa phương ăn vọp rất đơn giản. Khi khượi được vọp nhiều rồi, người ta dọn một khoảnh đất nhỏ, nhóm chúng lại, ken sát nhau, day miệng lên. Sau đó, rải một lớp nhánh củi đước hoặc củi già khô lên cho thật đều, rồi mồi lửa. Nhánh củi khô bén lửa cháy nổ lách tách, bùng lên rừng rực rồi tàn lụi ngay. Chỉ cần bấy nhiêu sức nóng đã đủ để vọp chín, há miệng ra. Bấy giờ, người ta gạt lớp tro than bên trên vọp, bắt từng con, tách vỏ ăn phần thịt. Thịt vọp ngọt cùng với mùi vị chua mặn cay của muối tiêu chanh thật ngon. Sẽ thú vị hơn nếu được chiêu thêm những ly rượu Xuân Thạnh nóng "cháy lưỡi". Vọp là món ăn dân dã nhưng đầy hấp dẫn vì ta thưởng thức nó ở bìa rừng, ven biển. Ăn nhậu một lát, mồ hôi rịn ra chân lông sẽ được những làn gió biển thổi TTTg lộng làm ta man mác, bâng khuâng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét