Về Trà Vinh mà chưa ghé qua quán bánh canh Bến Có của chú Hai Đặng ăn thử thì còn thiếu một món ngon của miệt đồng bằng sông Cửu Long.
Bánh canh của chú Hai Đặng nổi danh không những ở Trà Vinh mà còn lan sang cả Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ. Theo chú Hai thì bánh canh của chú không có gì là bí mật hay bí quyết gia truyền gì ráo. Ai hỏi chú sẵn sàng nói công thức chuẩn của mình: “1 bánh canh phải có 2 thịt”. Đó là công thức mà chú Hai cho biết đã nấu mấy chục năm nay. Thịt ở đây gồm tim, gan, bao tử, ruột, giò, lỗ tai và thịt bắp đùi heo nấu chung để lấy nước, với lượng thịt thà như vậy thì bảo đảm nồi nước lèo ngọt hết biết.
Ngày thường về tới Trà Vinh vừa qua khỏi cầu Bến Có đã thấy một quán bánh canh lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào. Chú Hai cho biết ngày thường trung bình quán bán khoảng 120 kg bánh canh thì phải cần 250 kg thịt như đã nói. Bánh canh ở vùng này làm bằng bột gạo, nên màu hơi đục chứ không trong như bánh canh bột lọc phổ biến ở miền Nam. Cọng bánh tròn, hơi to hơn cọng bún bò Huế một chút nhưng lại giòn, dai không bị nở khi ngâm trong nước, đó chính là nét đặc biệt của bánh canh đất Trà Vinh. Và có lẽ nhờ đặc tính này mà nước của tô bánh canh không hề bị đục, chua cho dù có để lâu.
Bánh canh Bến Có hấp dẫn người ăn ngoài nguyên liệu làm bánh canh còn là thịt thà trong tô bánh canh. Mỗi miếng lòng heo có một sắc thái riêng cứ thay nhau đưa đẩy cảm giác khoái khẩu cho người ăn. Nhai miếng gan béo ngậy, rồi đổi sang miếng bao tử giòn sần sật thiệt đã miệng. Theo người nấu cho biết bao tử là món công phu nhất của tô bánh canh và cũng là món chịu “lỗ” vì cứ 10 kg bao tử chế biến xong chỉ còn lại 6 kg. Bao tử heo được chà muối cho sạch hết nhớt sau đó được mang đi trụng nước sôi rồi ướp gia vị và khìa với nước dừa tươi cho thấm. Lúc này bao tử vừa thơm, giòn lại rất vừa miệng, cắt miếng vừa ăn, trụng lại với nước lèo và xếp vào tô với những miếng tim, gan, lỗ tai, giò vậy là đủ bộ lệ cho tô bánh canh.
Bánh canh Bến Có còn được cánh mấy ông mê bởi món giò, lòng hấp dẫn. Nhiều vị khách vào quán kêu tô lòng hoặc giò, lai rai với vài ly rượu đế cho nóng máy trước rồi mới kêu bánh canh ăn tiếp. Còn gì đã cho bằng vừa thổi vừa húp muỗng bánh canh nóng hổi, bao nhiêu mệt nhọc như tan biến qua tô bánh canh dân dã mà thấm đượm hương vị đồng bằng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét