Thôn Quan Đình, xã Văn Môn, huyện Yên Phong là một trong những làng quê còn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống của một làng Việt cổ, một trong những nét đẹp đặc trưng của làng quê này là còn bảo lưu được quần thể di tích cổ kính thâm nghiêm như đình, chùa, nghè, miếu.
Tiêu biểu trong số những di tích này là ngôi đình cổ 300 năm tuổi. Đình Quan Đình không những có giá trị to lớn về mặt kiến trúc, điêu khắc mà còn là nơi bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật có giá trị; đồng thời cũng là nơi bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của người dân nơi đây.
Theo truyền kể của nhân dân và dấu tích kiến trúc, đình Quan Đình được xây dựng vào đầu thời Lê Trung Hưng (TK 17), cuối thời Lê Trung Hưng (TK 18) được trùng tu tôn tạo lớn với nhiều hạng mục công trình như: Tiền tế, đại đình, tả vu, hữu vu, dấu ấn hiện còn để lại trên thượng lương gian bên với dòng chữ Hán “Cảnh Hưng tam thập tứ niên” (1773) và những mảng chạm khắc ở toà đại đình. Sang thời Nguyễn, đình Quan Đình tiếp tục được trùng tu tôn tạo, dấu ấn còn để lại ở hậu cung và một số bức chạm khắc của đình.
Bình đồ kiến trúc của đình Quan Đình theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ công”, hai bên là dãy tả vu, hữu vu. Toà tiền tế 5 gian 2 dĩ, bộ khung gỗ lim to khoẻ, chạm khắc tứ linh tứ quý, mái ngói đao cong. Tiếp đến là đại đình hình chữ công gồm tiền đình 7 gian 2 chái, ống muống 2 gian và hậu cung 3 gian. Tiếc rằng trong thời kỳ chống Pháp, toà tiền tế và hai dãy tả hữu vu của đình Quan Đình đã bị phá hỏng chỉ còn dấu tích nền móng và hàng chân tảng cột bằng đá xanh.
Hiện nay đình Quan Đình có kết cấu kiến trúc kiểu chữ công gồm 7 gian 2 chái đại đình, ống muống 2 gian và hậu cung 3 gian. Toàn bộ ngôi đình được dựng bằng bộ khung gỗ lim vững chắc liên kết với nhau bởi 64 cây cột to lớn, cột cái có chu vi 2,1m, cột quân có chu vi 1,2m. Nghệ thuật trang trí chạm khắc tập trung trên các mảng cốn, đầu dư, kẻ bẩy, vì nóc của toà đại đình, với kỹ thuật chạm lộng, chạm thủng, chạm kênh bong các đề tài “tứ linh, tứ quý” với nhiều biến thể phong phú, đa dạng rất tinh xảo, mang đậm phong cách nghệ thuật của hai thời Lê-Nguyễn; đó còn là phần trang trí chạm khắc trên bức cửa võng, án thờ, hoành phi, câu đối cùng các đồ thờ tự cổ quý khác, không những thể hiện được sự tài hoa khéo léo của các nghệ nhân làm đình khi xưa mà đây còn là những di sản văn hoá quý của quê hương, đất nước. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của hai thời Lê-Nguyễn còn lại khá nguyên vẹn đến ngày nay.
Cùng với giá trị về kiến trúc điêu khắc, đình Quan Đình còn có giá trị nổi bật bởi những cổ vật còn bảo lưu được như thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối, các đồ thờ tự… Trong số những cổ vật này, đặc biệt quý giá là các đạo sắc của các triều vua thời phong kiến phong cho các vị Thần được thờ ở đây. Những đạo sắc này có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn, tổng cộng là 57 đạo. Sắc sớm nhất phong vào thời vua Cảnh Trị thứ 8 (1670), sắc muộn nhất phong trào thời vua Khải Định 9 (1924).
Qua nội dung của những đạo sắc này đã cho biết rõ các vị Thần được thờ ở đình Quan Đình là “Cao Sơn đại vương” (Thần Núi), “Thánh Tam Giang” (Trương Hồng và Trương Hát) và “Thổ Linh Chi Thần” (Thổ Thần). Với nhiều lớp tín ngưỡng như vậy đã minh chứng rõ thêm về bề dày lịch sử văn hoá của làng Quan Đình.
Giá trị của đình Quan Đình còn được thể hiện ở lễ hội truyền thống. Hàng năm cứ đến mồng 10 tháng giêng làng Quan Đình lại tưng bừng mở hội đình làng, những năm được mùa, hội sẽ kéo dài đến 15 tháng giêng. Trong những ngày hội bên cạnh những nghi lễ tế rước đức Thánh trang nghiêm còn là phần hội với nhiều tục trò độc đáo trong đó tiêu biểu là “tục thề” nhằm thể hiện sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân làng, quyết tâm dứt bỏ điều ác, làm điều thiện.
Xưa tục này được diễn ra vào ngày 12 tháng giêng trong lễ hội đình đám hàng năm: Khi toàn thể dân làng có mặt đầy đủ tại đình làng, một cụ già đại diện cho toàn thể dân làng lên đọc lời thề trước đức Thánh Hoàng gồm 7 điều, nội dung là toàn thể dân làng, từ già đến trẻ, từ người có chức có quyền đến người dân thường xin thề trước anh linh đức Thánh sẽ đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, không tham lam trộm cắp của tập thể hay cá nhân; mọi người đều phải ăn ở hiền lành, trên thuận dưới hoà, bỏ điều ác, làm điều thiện. Khi lời thề được đọc xong, toàn thể dân làng nhất tề hô vang 3 lần “xin thề”. Đây là một nét đẹp của làng quê văn hiến không chỉ lưu giữ giá trị văn hoá truyền thống mà còn có tác dụng tích cực trong việc giáo dục đạo đức nhân cách con người.
Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc, điêu khắc, năm 1989 đình Quan Đình đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Nguyễn Thị Trọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét