Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Lễ hội chùa Dâu


Hội chùa Dâu là lễ hội diễn ra với quy mô rộng lớn của ba xã thuộc vùng Dâu – Luy Lâu (Thuận Thành) là: Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn với 5 ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Tổ thờ bà Man Nương – mẹ của Tứ Pháp.
Tượng Pháp Vũ.
 
 
Hàng năm, vào ngày 8-4 âm lịch được coi là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, nhân dân trong vùng lại nô nức, tưng bừng mở hội chùa Dâu. Đây là một lễ hội lớn, nổi tiếng đã đi vào câu ca dân gian: “Dù ai đi đâu về đâu/Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu”.
Từ xưa, lễ hội chùa Dâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng miền, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh cũng như động viên, khích lệ tinh thần nhân dân cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư và gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng.
Lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Bởi nó không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động và tiêu biểu mà còn với ý nghĩa quan trọng là cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa – một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
Nhà văn Nguyễn Hữu (làng Đại Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành) là người đầu tư nhiều tâm sức tìm hiểu sâu về nguồn gốc cũng như các nghi thức ở hội chùa Dâu cho biết: Sĩ Nhiếp là người có công truyền dạy chữ cho người dân trong vùng. Vì vậy, hàng năm, đến ngày mồng 8 tháng 4, nhân dân địa phương tổ chức rước kiệu Sĩ Nhiếp và tượng công chúa Ngọc Tiên (con gái Sĩ Nhiếp) từ đền Lũng Khê về chùa Dâu để khai hội nhưng hai kiệu này không rước vào trong chùa mà chỉ đi một vòng trên sân bãi rồi lại rước trở về đền Lũng Khê…
Lễ rước trong hội chùa Dâu rất đặc biệt, mang nhiều nét đẹp văn hóa tiêu biểu, độc đáo. Sáng ngày mồng Tám chính hội, nhân dân các làng tổ chức rước tượng Tứ Pháp từ các chùa làng về tụ hội tại chùa Dâu. Tục truyền, đám rước gồm ngựa thờ, cờ quạt, tàn lọng, kiệu bát cống… từ các ngả kéo về.
 
Một góc chùa Dâu - Trung tâm lễ hội.
 
Khi tới chùa Dâu thì diễn trò “mẹ đuổi con”. Bốn kiệu Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, mỗi kiệu chạy ba vòng rồi trở về vị trí cũ. Còn kiệu bà Man Nương (kiệu mẹ) được rước vào trong chùa Dâu. Sau đó diễn ra trò cướp nước. Đó là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Khi có hiệu lệnh thì kiệu Pháp Lôi và Pháp Vũ đua nhau chạy ra tam quan. Kiệu rước nào đến trước thì sẽ lấy được nước. Người dân xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu bà Mưa thắng thì năm ấy được mùa còn nếu bà Sấm thắng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu bọ, làm ăn trắc trở.
Cuộc thi “cướp nước” chính là nghi lễ đặc sắc, nổi bật nhất ở lễ hội chùa Dâu và luôn được người dân, du khách đón đợi nhiều nhất. Tuy nhiên, khoảng 20 năm nay trở lại đây, hội chùa Dâu không còn tổ chức lễ rước do nhiều nguyên nhân.
Lễ hội chùa Dâu năm nay vẫn được tổ chức theo thông lệ truyền thống diễn ra từ ngày 26-4 đến ngày 28-4 (tức ngày 6,7,8 tháng 4 âm lịch) nhưng không tổ chức lễ rước. Phần lễ gồm các hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương như: nghi lễ hạ tòa, phong mũ áo phật, dâng hương, cầu kinh, lễ hồi cung Pháp Vân và Pháp Vũ. Phần hội với hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi như: thi đấu bóng chuyền, cờ tướng, các trò chơi dân gian, hát Quan họ trên thuyền Rồng…
Ông Trần Bá Khúc, Trưởng BTC lễ hội chùa Dâu năm 2012 cho biết: Lễ hội chùa Dâu thường khai hội vào thời điểm đầu mùa hè, tiết trời nắng nóng, trung tâm lễ hội diễn ra trên đường 282 với nhiều phương tiện giao thông đi lại. Lễ hội năm nay trùng với các ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên chúng tôi dự kiến lượng du khách về trảy hội sẽ rất đông. Chính vì vậy, dù là lễ hội truyền thống nhưng BTC chỉ đạo các bộ phận liên quan để tổ chức lễ hội trang nghiêm, tiết kiệm, không phô trương, rườm rà theo đúng tinh thần xây dựng nếp sống văn minh song vẫn bảo đảm những giá trị của văn hóa truyền thống.
Thuận Cẩm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét