Đôi lần ghé phố biển Quy Nhơn, khi thì đến lúc chiều muộn và đi lúc trời còn tinh sương, hay chỉ dừng chân ăn cơm trưa rồi lại đi, dù cách trung tâm thành phố vài mươi phút ô-tô, nhưng chưa lần nào được viếng mộ người thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử. Nhưng lần này, chúng tôi đã thỏa nguyện.
Đường lên dốc đá
Nhà thơ Quách Tấn mô tả nơi yên nghỉ của Hàn Mặc Tử như sau: Một khoảng đất bằng phẳng và sạch sẽ như một cái sân, nằm ngay trên đầu gò cao, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển khơi.
Lại có con đường nhỏ lên xuống (nay là dốc Mộng Cầm) ẩn dưới đám cây cối. Thật là nơi đắc địa - phong cảnh thật thích hợp với hồn thơ (Non nước Bình Định).
Đúng là “phong cảnh thật thích hợp với hồn thơ” Hàn Mặc Tử - khu mộ của nhà thơ tọa lạc giữa rừng cây, biển núi, trời mây hòa quyện vào nhân tạo thành bức tranh kỳ vĩ mà êm đềm hướng ra đại dương ngàn trùng.
Ghềnh Ráng tọa lạc dưới chân núi Xuân Vân được công nhận di tích quốc gia năm 1991. Dưới chân ghềnh là quần thể đá xanh độc đáo, không chỉ đẹp với bãi biển chạy dài, nước biển trong xanh.
Ghềnh Ráng từng là nơi thi sĩ tài danh bạc mệnh Hàn Mặc Tử đã sống và cho ra đời những áng thơ tình bất hủ. Từ đỉnh Ghềnh Ráng, men theo dốc Mộng Cầm, viếng mộ Hàn Mặc Tử phải leo lên hơn trăm bậc thang đá, giữa hàng cây song song chụm đầu vào nhau rì rào bốn mùa đón gió biển.
Khu vực Ghềnh Ráng ước chừng 2 km2, nơi đây trời mây non nước hòa quyện vào nhau thành một dải, tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng. Đã từ lâu Ghềnh Ráng được người địa phương và du khách xa gần công nhận là một trong những thắng cảnh bậc nhất của Quy Nhơn và của cả tỉnh Bình Định.
Đường lên đồi Thi Nhân - nơi thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử yên nghỉ |
Theo một số lời kể, khi còn sống, Hàn Mặc Tử tâm sự với bạn bè của ông, sau khi chết ước nguyện sẽ được chôn trên đèo Son - là một địa điểm ở đầu thành phố Quy Nhơn. Năm 1940, ông mất ở Quy Hòa và mai táng tại đây. Đến năm 1959, gia đình cùng các bạn thân mới lo việc cải táng, di dời mộ của ông ra Ghềnh Ráng.
Hiện dưới chân khu mộ được bao bọc những đá viên ong thoai thoải với nhiều hình thù xếp lớp, tạo một cảm giác khá huyền bí. Ngôi mộ không gì đặc biệt, chỉ vài thước vuông, được ốp bằng đá mài sáng loáng. Trên đầu mộ là tượng Đức Mẹ Maria hiền từ nhìn xuống.
Du khách lắng lòng tưởng niệm, và bày tỏ lòng ái mộ đối với một hồn thơ tài hoa. Lúc sinh thời Hàn Mặc Tử thích cảnh non nước trăng sao, nên bạn bè và gia đình ông đã đưa thi hài ông về an nghỉ nơi đây.
“Bây giờ Hàn Mặc Tử nằm trên một điểm cao Ghềnh Ráng, đối diện với biển Đông chói lòa như thơ anh và dông bão tựa đời anh, nằm với trăng sao như anh từng mơ ước…” (“Hàn Mặc Tử, anh là ai?” của Chế Lan Viên).
“Ai mua thơ tôi bán thơ cho…”
Bên mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử |
Ở khu bán quà lưu niệm trong quần thể Ghềnh Ráng, có căn lều nhỏ nằm nép mình bên ngôi mộ Hàn Mặc Tử treo đầy những bức tranh, thư pháp bằng gỗ thông, gỗ mít. Thấy đoàn khách bước vào, một người đàn ông mái tóc dài xoăn tít, mở đầu bằng mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử “Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ/ Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò”… Rồi thuyết minh huyên thuyên về cuộc đời, những mối tình đẫm chất thơ của người thi sĩ Hàn Mặc Tử.
Ông giới thiệu nghệ danh là Dzũ Kha - trên 30 năm, lưu giữ hồn thơ Hàn Mặc Tử với cây “bút lửa”. Ông sinh năm 1960, quê ở Phù Cát - Bình Định, từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật nhưng thích “xê dịch” từ Nam chí Bắc tìm kiếm, gặp gỡ nhân chứng sống để sưu tầm những bút tích, kỷ vật về nhà thơ tài hoa Hàn Mặc Tử để lại. Ông nói vì yêu thơ Hàn Mặc Tử mãnh liệt nên phải làm “một cái gì đó”.
Người viết thư Hàn Mặc Tử bằng "bút lửa" ở Ghềnh Ráng |
Trong “gian nhà thơ” của ông, du khách dễ dàng tìm thấy những câu thơ Hàn Mặc Tử mình yêu thích và Dzũ Kha sẵn sàng “ai mua thơ tôi bán thơ cho”. Một món quà ý nghĩa và độc đáo!
Từ đồi Thi Nhân, du khách lần bước xuống chân đồi, ngắm nhìn mặt biển xanh ngắt rì rào sóng biển. Nhiều người bảo nếu có đến viếng mộ Hàn Mặc Tử và thăm danh thắng Ghềnh Ráng, du khách nên đi vào buổi mặt trời mọc, hoặc vào lúc nắng đã nhạt hơi sương. Lúc đó ánh hào quang của biển vừa óng ánh vừa mát mẻ, vừa lộng lẫy, làm cho quang cảnh của lăng mộ thêm vẻ cao sang tú mỹ./.
(Theo Phước Vĩnh\ Báo Cà Mau)
Thơ mộng Quy Hòa
Một góc vườn tượng danh nhân y học - Ảnh: Đào Tấn Trực |
Trong lời bài hát Hàn Mặc Tử của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có đoạn: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa...”. Đoạn dốc đá đó, có lẽ chính là con đường dẫn vào làng phong Quy Hòa cách đây mấy mươi năm.
Bây giờ, con dốc năm xưa không còn đá nữa mà đã là con đường được trải nhựa chạy quanh co khoảng 2 km, nối từ quốc lộ 1D vào đến Quy Hòa, thuộc P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn (Bình Định).
Quy Hòa có diện tích khoảng 60 ha, nằm trong thung lũng ba bề núi và cây xanh bao phủ, mặt quay ra bờ biển Quy Nhơn yên bình sóng vỗ. Nhiều tài liệu ghi rằng: Vào khoảng năm 1929, một linh mục người Pháp có tên Paul Maheu đã phát hiện ra sự yên bình vắng lặng hiếm có của vùng đất này và ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa. Năm 1932, bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài.
Ngoài bệnh viện, trong khuôn viên Quy Hòa còn có nhà thờ, nơi ở của các nữ tu và hơn 200 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong định cư. Mấy mươi năm trôi qua, Quy Hòa luôn là một trong những bệnh viện nổi tiếng, độc đáo và là một trong những thắng cảnh đẹp của nước ta.
Ngày nay, du khách đến thăm Quy Hòa sẽ có cảm nhận đây là chốn yên bình và thơ mộng. Sau khi xuống hết đoạn dốc thoai thoải là một vùng đất bằng phẳng với những xóm nhà trong chập chùng màu xanh của cây trái. Người dân ở đây đa số là những bệnh nhân ngày xưa đến điều trị bệnh và định cư dài lâu. Bên cạnh đó, còn có một số người từ trung tâm TP.Quy Nhơn vì yêu thích khung cảnh yên bình của Quy Hòa mà vào đây mua đất cất nhà, trồng cây sinh sống.
Một nét đẹp khá ấn tượng của Quy Hòa là có những ngôi nhà mang nét kiến trúc cổ kính của Pháp ẩn mình thấp thoáng dưới những hàng cây xanh trầm mặc. Nhiều du khách đến đây có một cảm nhận chung rằng, dường như những con đường, những hàng cây ở Quy Hòa đều mang một sắc thái trầm mặc, một nỗi buồn man mác. Làm nên nét đẹp lặng lẽ đó phải kể đến sự tổng hòa của cảnh và người nơi đây.
Phía trước bệnh viện còn có cả một vườn tượng danh y với gần 30 tượng, như: Hippocrate, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, A.Yersin, L.Pasteur, Tôn Thất Tùng... Cách đó không xa còn có vườn tượng ghi nhớ công lao của những nhà khoa học, những người có đóng góp lớn trong việc xây dựng bệnh viện và nghiên cứu chữa trị bệnh phong.
Đến Quy Hòa, du khách chắc chắn sẽ nhớ đến thi sĩ Hàn Mặc Tử tài hoa ngắn số. Năm 1940, Hàn thi sĩ đã trút hơi thở cuối cùng tại đây khi “nửa đời chưa qua hết”. Ngôi mộ của nhà thơ nằm ở một góc vắng gần chân núi được 18 năm, đến năm 1959 mộ đã được những người thân của ông dời ra khu Ghềnh Ráng đúng như tâm nguyện của nhà thơ khi ông còn sống. Tuy Hàn Mặc Tử không còn nằm ở đây nữa nhưng phần mộ thì vẫn được giữ lại làm nơi lưu niệm. Một số người yêu thơ Hàn đã xây dựng lại ngôi mộ khá khang trang với nền móng là hình vòng cung thể hiện cho những vầng trăng, một biểu tượng trong thơ Hàn; phần trên mộ được mô phỏng như một cuốn sách đang mở ra; bên trên là một cây bút, xung quanh mộ có khá nhiều hoa cỏ được trồng.
Ngoài cảnh đẹp yên bình, đứng từ Quy Hòa, du khách có thể thỏa thích phóng tầm mắt ra bãi biển Quy Nhơn cong như một nét mày thiếu nữ hoặc nhìn ngược về hướng nam là quốc lộ 1D với những chuyến xe tất bật ngược xuôi xuyên qua những dãy núi bên bờ biển. Nằm trong tổng thể Khu du lịch Ghềnh Ráng, làng phong Quy Hòa còn có những con đường nội bộ đi trong rừng, đưa du khách đến đồi Thi Nhân, bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Tiên Sa...
Như một dấu chấm lặng giữa biển và phố, Quy Hòa ngày nay đã có rất nhiều thay đổi và trở thành điểm đến của nhiều người.
Đào Tấn Trực
Mẹ Maria và mộ Hàn Mặc Tử
Mộ nhà thơ nằm trên đồi Thi Nhân, thuộc khu danh thắng Ghềnh Ráng, trung tâm Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngay dưới chân đồi Thi Nhân là bãi tắm Hoàng Hậu và biển Quy Nhơn như một vầng trăng huyền ảo trải dài từ đồi thi nhân cho đến mũi Tấn. Xung quanh khu mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử là những vườn hoa, mảng cỏ xanh… và hàng cau nắng mới lên.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22.9.1912 ở Mỹ Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình. Thuở nhỏ, ông trú ngụ cùng gia đình tại Quy Nhơn trong cảnh nhà nghèo, cha mất sớm. Ông học trường Quy Nhơn đến năm thứ ba, rồi làm sở Đạc Điền một thời gian, sau đó bị mất việc, có thời gian vào Nam sinh kế.
Thời gian sống tại Quy Nhơn, ông mắc bệnh phong phải đưa vào chữa trị tại nhà thương Quy Hòa, rồi mất ở đó vào ngày 11.11.1940. Mộ ông được chôn ở chân núi Qui Hòa, sau đó mới được cải táng ra đồi Ghềnh Ráng vào ngày 13.2.1959.
Theo hồi ức của Nguyễn Văn Xê (người anh em đồng bệnh với nhà thơ, cũng là một trong 7 người tiễn đưa nhà thơ ra đi trong một ngày mùa đông mưa gió), thì bệnh nhân phong Nguyễn Trọng Trí - nhà thơ Hàn Mặc Tử là một con chiên đức hạnh, sốt sắng, tôn sùng Đức Mẹ Maria:
"Maria linh hồn tôi ớn lạnh/ Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng/ Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến"
(Ave Maria-Hàn Mặc Tử)
Hiện trên bia mộ nhà thơ có dòng chữ “Nơi đây yên nghỉ trong tay mẹ Maria Hàn Mặc Tử tức Phêrôhanxico Nguyễn Trọng Trí…”.
Với địa thế phong cảnh đẹp, hữu tình, khu mộ đã trở thành điểm đến tham quan đối với du khách, đặc biệt là không ngày nào không có người yêu thơ đến viếng.
Mẹ Maria luôn ở bên thi sĩ.
•
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét