Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Những di sản văn hoá quý của chùa Đẩu Hàn


Nằm sát bờ Nam sông Cầu, bao quanh là sông nước nên thơ, thôn Đẩu Hàn thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh là một làng cổ có bề dày lịch sử văn hiến, được phản ánh ở quần thể di tích cổ kính thâm nghiêm, trong đó có ngôi chùa làng, bởi đây là thiết chế văn hóa cộng đồng, mọi tinh hoa văn hóa vật chất và tinh thần được hội tụ và phản ánh.
Theo văn bia, văn chuông cho biết: Chùa Đẩu Hàn vốn được khởi dựng từ lâu đời từng là danh lam cổ tự xứ Kinh Bắc. Thời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa 16 (1695) chùa có tên chữ “Đoan Minh tự”, sau được đổi thành “Đoan Long tự”. Đến thời vua Gia Long vào năm Giáp Tuất (1814) có hai ông bà người bản xã thấy tòa Tiền đường bị xuống cấp đã công đức tiền của trùng tu với quy mô lớn, chạm khắc đẹp. Nhưng trải lâu năm bị xuống cấp, đã được tu bổ nhiều lần, vẫn giữ được tòa Tiền đường là nguyên công trình kiến trúc thời Nguyễn với các lớp mái ngói đao cong duyên dáng, bộ khung gỗ chạm khắc hoa lá cách điệu nghệ thuật.
Hiện chùa Đẩu Hàn vẫn còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá như: tượng Phật, chuông đồng, hoành phi, câu đối, bia đá của hai thời Lê-Nguyễn. Hệ thống bia đá gồm: bia có tên “Phụng tự hậu thần” niên đại Chính Hòa 26 (1705), bia “Tạo tác hậu thần bi ký” niên đại Long Đức 3 (1734), bia “Bia hậu Phật” niên đại Gia Long 13 (1814).
Trong số những cổ vật trên, đặc biệt là quả chuông đồng khá lớn (thân cao 0,70 m; quai cao 0,30 m; đường kính 0,52 m), thân chuông chia làm 4 khoảng dọc, 2 khoảng ngang; vai chuông có các chữ Hán lớn “Đoan Minh tự chung”; dòng niên đại đúc chuông “Chính Hòa thập lục niên” (1695); phần dưới các ô vuông đúc nổi 4 con rồng đang bay lượn trong mây với những nét mác ngùn ngụt bốc lên; quai chuông là đôi rồng chung thân, chân có móng sắc nhọn, miệng ngậm ngọc, râu tóc dữ tợn, hai ria mép dài bay quấn lên hai chân trước; đỉnh thân rồng là bình nước cam lồ. Thân chuông khắc chữ Hán bài ký với nội dung ca ngợi nét văn hiến của quê hương và cho biết tên những người  công đức đúc chuông, có đoạn như sau:
Từng nói, gia đình tích thiện tất có nhiều phúc về sau. Hán đế sai sứ ở đất Thiên Trúc thời gian rất lâu, vua Đường lấy kinh mãi ở tây phương để bồi đắp nền móng lâu dài, tuy đời trước không mà nay lại có, toàn xã đã phát tâm Bồ Đề vứt bỏ việc trần tục, giác ngộ phụng thờ đạo phật. Chùa Đoan Minh ở xã Đẩu Hàn, huyện Yên Phong là nơi danh lam cổ tích nhưng chưa có chuông lớn. Vào giờ tốt, ngày 28 tháng 2 năm Ất Hợi đã nung đúc thành, lại làm bài văn để ca ngợi mãi muôn đời. Chuông là khí tượng của ngũ hành, nhân gian dùng ngũ âm để hài hòa. Vua Hạ Vũ khi lên ngôi treo chuông ở cửa rồng để chiêu đãi hiền sĩ giúp đỡ mọi người. Mặc dù tiếng vàng thực là bảo khí, nhưng xem khắp từ khi mới gây dựng nước Việt, khai sáng đất nước to lớn có triều Lý-Trần, tạo tác chuông Phả Lại làm tứ khí của An Nam. Nay theo phép cũ mới làm chuông lớn, chuông trống vang xa, thập phương lại phấn khởi như sấm vang mặt đất, mạch nước yên ổn vững như bàn thạch, toàn xã hưởng lộc, hội chủ thọ khang, đàn na hưng thịnh, công đức phúc đẳng hà sa, tín thí sang hèn họ ghi tên chép ở đây.
Chùa Đẩu Hàn còn luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương: Tục truyền cứ đến ngày rằm tháng Giêng, chùa Đẩu Hàn lại được mở hội. Trong những ngày hội, phần lễ sư trụ trì tổ chức tụng kinh lễ Phật cầu may cho dân làng và khách thập phương, phần hội có nhiều tục trò dân gian như: kể hạnh, hát quan họ, bơi chải… thu hút đông đảo dân làng và quý khách thập phương vào những hoạt động văn hóa tâm linh và văn nghệ vui tươi lành mạnh.
Chùa Đẩu Hàn với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như: tượng thờ, văn bia, văn chuông, tín ngưỡng, lễ hội… không những là chứng tích của ngôi chùa trong lịch sử, mà còn cho biết những thông tin về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán của các thời đại trước. Đó chính là những di sản văn hóa quý giá của quê hương, đất nước.
Đỗ Thị Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét