Không biết tự khi nào, trong văn hoá giao tiếp của người Việt, miếng trầu đã là “đầu câu chuyện”. Miếng trầu chứa đựng nhiều tình cảm, nhiều ý nghĩa thiêng liêng, gắn bó thân thiết trong tâm hồn mỗi người. Không chỉ là món quà quê đậm đà dung dị dùng để tiếp khách hàng ngày, trầu cau còn góp mặt trong hầu hết mọi lễ nghi truyền thống, là món sính lễ không thể thiếu trong các đám cưới hỏi.
Tác giả Phan Kế Bính trong sách “Việt Nam phong tục” đã viết “Trầu cau là đầu các sự lễ nghĩa. Phàm việc tế tự tang ma, cưới xin, việc gì cũng lấy miếng trầu làm trọng”. Còn trong dân gian, miếng trầu đi đôi với lời chào, lời thăm hỏi hay làm quen: “Tiện đây ăn một miếng trầu; Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là; Có trầu mà chẳng có cau; Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”.
Người xưa thường quan niệm “Miếng giầu nên dâu nhà người”. Nhận trầu của “người ta” tức là bằng lòng làm vợ, làm dâu con nhà người ta rồi. Vì vậy mẹ cha thường dăn dạy con gái rằng không nên dễ dãi mỗi khi nhận trầu “Ví dầu duyên nợ nên chăng; Làm thân con gái chớ ăn giầu người”. Trong quan hệ xã hội, miếng trầu còn như thể hiện tình người nặng nhẹ, nông sâu “Yêu nhau cau sáu bổ ba; Không yêu cau sáu bổ ra làm mười”. Thế nhưng khi được mời trầu, hễ thấy miếng cau to mà vội cầm thì cũng chưa hẳn là người trải nghiệm, giầu vốn sống, vì rằng “Thân em như miếng cau khô; Người thanh thích mỏng, kẻ thô tham dày”.
Nếu như trong dân gian “Miếng giầu nên dâu nhà người” thì trong văn hoá nơi miền quê Kinh Bắc, miếng giầu têm cánh phượng còn hàm chứa, biểu đạt cách đối nhân xử thế trọn nghĩa vẹn tình của người Quan họ, nhất là trong các canh hát giao duyên hay sinh hoạt văn hoá cộng đồng miền Quan họ.
Để tỏ thịnh tình và khoe tài đảm đang tháo vát, việc têm trầu đón khách của người Quan họ luôn được thực hiện hết sức khéo léo, công phu. Mỗi miếng trầu cánh phượng được têm chẳng khác nào một “công trình nghệ thuật” như ẩn chứa cả tấm lòng của gia chủ. Chính vì vậy mà việc chọn lựa cau già hay non, cau tròn hay thoi nhất thiết phải được xem xét kỹ lưỡng. Với lá trầu cũng vậy, phải là lá bánh tẻ, vì lá già quá khi cuộn gập sẽ dễ gãy, non thì mềm khó têm. Chọn vỏ phải chọn khúc to, mầu cánh sen để có thể phức hợp tạo ra một miếng trầu cánh phượng với sự hài hoà về sắc mầu, tôn lên vẻ đẹp của “Trầu xanh, cau trắng, chay (vỏ) hồng”.
Giữa hội xuân rộn ràng náo nức, cùng với miếng trầu cánh phượng tươi duyên, Quan họ liền anh lịch thiệp tình tứ mời Quan họ liền chị xơi trầu bằng những lời giao tiếp vừa tinh tế vừa trân trọng, khiêm nhường: “Nhất niên nhất lệ, năm mới tháng xuân anh em chúng tôi đi hội cầu may, tình cờ lại gặp người đây. Xin mời đương Quan họ xơi khẩu giầu rồi cất lên đôi câu. Trước là để ngày xuân gặp nhiều may mắn, sau là để anh em chúng tôi được học đòi đôi lối, đôi câu đấy ạ…”.
Được lời như mở tấm lòng, các liền chị Quan họ nếu tỏ ý nhận lời ca hát giao duyên với bên mời trầu thì sẽ đáp lời “Ngày xuân thong thả, chị em chúng em đi hội cầu may, tình cờ lại gặp người đây. Đương Quan họ liền anh mời ăn giầu thì chị em chúng em xin nhận ạ…”. Và việc nhận trầu chỉ được thực hiện khi giữa liền anh, liền chị dường như đã tìm thấy sự “tâm đầu ý hợp”, mở đầu cho canh hát giao duyên mê đắm lòng người nơi Đông hội.
Tuy vậy, không phải tất cả các lần mời trầu của đương Quan họ liền anh đều nhận được sự “phúc đáp” của liền chị với thành ý mở ra canh hát hội. Thực tế ở nhiều lễ hội miền Quan họ xưa, không hiếm trường hợp đương Quan họ liền chị khéo léo từ chối lời mời trầu của đương Quan họ liền anh. Theo các bậc cao niên nơi đây, lý do không nhận trầu thường xuất phát từ nguyên nhân: Cùng đi du xuân trẩy hội, Quan họ liền chị đã có bạn hẹn hò, đang đi tìm mà chưa gặp. Hoặc giả “để giữ hoà khí”, vẹn tình giao hảo, các liền chị không muốn đón nhận “Đầu câu chuyện” khi thấy rằng liền anh bên ấy hát hay đàn giỏi, lắm vốn nhiều bài, tài năng khó bề sánh kịp. Tương quan mà nói sẽ là “Người như trăng sáng khắp nơi; Em như đom đóm dạo chơi bờ rào” nên đâu dễ nhận trầu để mà đối đáp vui ca. Hay nếu như đương Quan họ liền anh tài non vốn mỏng, khó lòng đủ sức vui ca khi liền chị ra vài vế đối, các anh đã khó tìm ra lời đối đáp thì canh hát còn gì là vui. Nói vậy, nhưng dù đương Quan họ liền anh có nhiều câu hay ít vốn, có “tài năng vượt trội” hay lần đầu đi hát giao duyên thì khi từ chối nhận trầu, đương Quan họ liền chị vẫn nhất nhất khiêm nhường, trọng bạn mà rằng: “Miếng giầu ăn nặng như chì; Ăn rồi sau biết lấy gì trả ơn”; và “Chị em chúng em còn cả sữa non măng; Ăn giầu đã vậy, biết nói năng thế nào”.
Với người Quan họ, dẫu là nơi Đông hội hay trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, dù rằng có muốn đón nhận “Đầu câu chuyện”, khơi mở tình cảm trong canh hát giao duyên thì Quan họ liền chị cũng đâu thể cho phép mình nhận trầu ngay từ lời mời đầu tiên. Đó chính là nét duyên dáng, ý nhị nhưng không kém phần sâu sắc trong lối giao tiếp, đạo xử thế thường thấy của các liền chị nơi miền quê Quan họ vốn luôn được bao thế hệ trao truyền, gìn giữ và phát huy.
Duy Cảnh- Xuân Mùi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét